Home Tin Tức Thời Sự Phận đời những ứng viên thi tuyển dâu Hàn

Phận đời những ứng viên thi tuyển dâu Hàn PDF Print E-mail
Tác Giả: Hoàng Anh.   
Thứ Hai, 12 Tháng 4 Năm 2010 04:49

Trốn tránh chồng cũ nghiện ngập, thử vận may, thích xuất ngoại... là những lý do các ứng viên dự tuyển lấy chồng Hàn đưa ra.

 Tuy nhiên nhiều cô thừa nhận, lấy chồng Hàn như chơi xổ số.

Cầm bông hồng đỏ từ chú rể Hàn 38 tuổi với nước da ngăm đen, cô gái mặc chiếc áo phông sờn vải rơm rớm nước mắt. Mừng cho Thùy tìm được "bến đậu", nhưng một số người không khỏi băn khoăn. Liệu cô có thực sự hạnh phúc ở nơi xứ người hay "khổ vẫn hoàn khổ"? Trong cuộc phỏng vấn chỉ diễn ra vài phút, cô gái với dáng người mập mạp chỉ biết chồng tương lai làm nông nghiệp, sống ở ngoại thành, ngoài ra không có thông tin nào khác."Thôi, em được sang đó được là mừng rồi. Đứa con 8 tháng thì trước mắt để lại cho bà ngoại nuôi. Sau này tính tiếp...", Thùy khẽ nói.
 

 
Các ứng viên đang chờ rể Hàn tại một khách sạn ở Hải Phòng. Ảnh: Hoàng Anh

Sinh ra trong một gia đình nghèo ở huyện Kiến Thụy, Hải Phòng, 19 tuổi, Thùy bước lên xe hoa. Khi có con, tưởng chừng cuộc sống sẽ hạnh phúc, nhưng không ngờ người từng kề vai ấp má với cô đã tìm đến "nàng tiên nâu". Sau khi chồng bị đưa vào trại cai nghiện, lương duyên cũng tan vỡ.

Thùy cho biết, sau khi làm thủ tục ly dị, cô đã bền bỉ theo chân các madam mong sao kiếm được tấm chồng ngoại. Dịp giáp Tết, cô được một chàng rể Hàn làm thợ điện để mắt đến. Tuy nhiên, khi chuẩn bị xuất ngoại, Thùy đã bị người đàn ông 37 tuổi phát hiện có chồng, có con nên đã hủy hôn.

Theo Thùy, những lần đi tuyển, các madam đều dặn phải nói là gái chưa chồng (vì thủ tục giấy tờ họ sẽ lo liệu được hết). Nhưng sau chuyến du lịch 3 ngày với rể Hàn ở Cát Bà, cô đã bật khóc vì nhớ con. "Cũng tại em thật thà quá nên giờ mới lận đận thế này. Nếu không giờ mọi chuyện đã khác", cô nói.

Phượng (32 tuổi) ở Hải Dương dù có hai con trai lớn, nhưng vẫn bền bỉ xuất hiện tại các "lò tuyển" để ra mắt rể Hàn. Người phụ nữ này mong sao thoát khỏi cảnh chân lấm tay bùn, và chứng minh với người chồng cũ rằng mình còn khả năng lấy được chồng.

Không chút son phấn khi dự tuyển, người phụ nữ loẹt quẹt chiếc dép lê bảo lấy chồng Hàn như chơi xổ số, bởi chỉ gặp một vài tiếng đã quyết định cưới xin, không biết tính cách và gia đình họ ra sao. "May mắn thì lấy được người chồng tử tế. Nếu không, khi đã chấp nhận làm dâu xứ người, cuộc sống có khổ mấy cũng phải cắn răng chịu đựng chứ không dám bỏ về nước", Phượng nói.

Người phụ nữ mới học hết lớp 8 tâm sự, lập gia đình hơn chục năm, chị thường xuyên phải chịu những trận đòn sau của chồng sau các cuộc nhậu. Không chịu đựng được, chị đã đâm đơn ly hôn và nuôi đứa con trai 8 tuổi.

Thấy bạn bè từng đi thi tuyển về bàn tán nếu được làm dâu Hàn Quốc cuộc sống sẽ sung sướng hơn nên chị Phượng cũng muốn thử sức. Tuy nhiên, sau mỗi lần ra mắt, người phụ nữ với đôi mắt thâm quầng lại về ôm con khóc một mình. Những chuyện buồn tủi trong cuộc sống chị chẳng biết tâm sự cùng ai.

"Làm ruộng cực nhọc, sớm tối đều có mặt ở ngoài đồng nhưng đâu có đủ ăn. Nhìn con mình mà thấy thương. Mong sao đi thế này vớ được chồng tử tế để hai mẹ con được nương nhờ ...", nói xong, đôi mắt chị đỏ hoe.

Không chỉ phụ nữ có chồng gặp cảnh đời bất hạnh, nhiều cô gái vừa đủ tuổi kết hôn, thậm chí còn đang ngồi trên ghế nhà trường, cũng kéo về các lò tuyển dâu Hàn. Diện chiếc áo len xanh nhạt tại lò tuyển nhà bà Thất ở xã Lập Lễ (Thủy Nguyên, Hải Phòng), Hảo khiến nhiều người ngạc nhiên bởi trước đó một ngày cô gái này đã trúng tuyển ở quận Đồ Sơn. Theo giới thiệu, người chồng tương lai là một doanh nghiệp tư nhân ở thành phố Seoul.

Dù được thợ kim hoàn đến đánh nhẫn cưới, hai gia đình đã thống nhất chuyện tổ chức làm đám cưới tại một khách sạn lớn, nhưng Hảo vẫn quyết định hủy hôn. Cô gái bảo, nhìn người chồng tương lai 37 tuổi của mình trắng, hiền và khá thư sinh, nhưng kinh tế không mấy được khá giả.

"Em còn trẻ thiếu gì cơ hội mà phải vội vã lấy anh chàng đó. Cuối năm nay ra trường tha hồ lựa chọn. Lấy chồng, bản thân và gia đình em phải được nhờ thì mới lấy chứ không lấy làm gì cho khổ...", Hảo giãi bày.

Cô gái nhanh nhẹn này cho biết, đi dự tuyển nhiều để lấy kinh nghiệm sau này đỡ bỡ ngỡ. Nếu gặp phải rể "sộp" sẵn sàng bỏ học để được làm dâu xứ người.

Những cô gái còn đang ngồi trên ghế nhà trường như Hảo đều được bố mẹ hoặc chị gái đưa đi. Họ tâm sự, gia cảnh không quá khó, học xong Hảo dễ dàng có thể xin được một chân kế toán ở thành phố Hải Phòng. Tuy nhiên, theo phong trào nên cũng muốn con gái được sang đó để "bằng chị, bằng em".

Tại vòng thi tuyển tại nhà madam Thất đầu tháng 3, với gương mặt ưa nhìn, Hảo đã đánh bật được gần 100 ứng viên khác để lọt vào top 5 cô gái có triển vọng được làm dâu xứ Hàn. Tuy nhiên, trước những yêu cầu đưa ra như rể phải cao to, đẹp trai, không quá già, đặc biệt phải giàu có, phía Hàn Quốc đều không đáp ứng được.

Sau mỗi sáng đi dự tuyển, cô gái đang ở tuổi ô mai lại giục chị gái đèo về cho kịp giờ học buổi chiều. 

 
Người đàn ông Hàn Quốc (ngoài cùng bên phải) trò chuyện với cô dâu tương lai (áo vàng) tại quận Đồ Sơn, Hải Phòng. Ảnh: Hoàng Anh. 

Trong khi nhiều người mong sao lấy được chồng Hàn thì một số đã vỡ mộng phải chạy trốn về nước. Thấy bạn bè đua nhau lấy chồng ngoại, Mai cũng quyết định bỏ công việc thợ may với mức thu nhập hơn triệu để được xuất ngoại. Ông T., bố cô gái tâm sự, nhà nghèo, nợ chồng chất, thấy con gái nói sang đó một vài năm sẽ gửi tiền về trả nợ và xây nhà cao tầng như hàng xóm nên cũng nhắm mắt vay tiền cho con đi. "Lúc đó, nhà có con trâu hay cái gì quý giá nhất cũng đều mang bán đi. Gom góp, chạy vạy mãi cuối cùng cũng đủ 30 triệu để trả cho mối", ông lão gần bước sang tuổi 60 với dáng khắc khổ nhớ lại.

Trong căn nhà mái ngói thấp lè tè ở huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng), ông T. khoe con gái ông so với những người thi tuyển khác thuộc loại ưa nhìn nhờ chiều cao và gương mặt thanh thoát nên cuộc ra mắt nào cũng được lọt vào vòng cuối cùng. Sau nhiều lần lựa chọn, cô gái 22 tuổi quyết định gắn đời mình với chàng rể 42 tuổi bảnh bao, cao to. Theo giới thiệu, người này có trang trại bò ở Hàn Quốc, không sống chung cùng bố mẹ.

"Thông qua phiên dịch, em thấy bảo chủ trang trại chỉ đứng ra quản lý và thu tiền thôi, không vất vả. Sang vài tháng có tiền gửi về giúp bố mẹ rồi", cô gái kể. Sau gần 4 tháng học tiếng, tổ chức đám cưới linh đình tại một khách sạn, Mai cũng xuất ngoại. Trước khi đi, cô gái còn nhắn nhủ với người thân sẽ sớm gửi tiền về để trả món nợ và cải tạo lại ngôi nhà thấp bé nhất làng.

Nhưng sang được 3 ngày, Mai nhận ra mình đã bị lừa bởi người chồng tổ chức cưới ở Việt Nam và người chồng ở Hàn Quốc là hai người hoàn toàn khác nhau. Bỏ ăn và nằm vật vã khóc, cô gái mong sao sớm được quay về nước. “Lúc em nó điện về bảo sang bên đấy không được gặp chồng, sống như trong tù, đến giờ ăn cơm thì họ mang vào, đi bất cứ đâu cũng có người theo dõi và giám sát khiến cả nhà như ngồi trên đống lửa", ông bố rơm rớm nước mắt kể về những tháng ngày con làm dâu xứ người.

Theo ông T., trong quãng thời gian một tuần ở xứ sở kim chi, con gái ông liên tục điện về nhà than khóc. Bỏ đồng áng, người thân của cô gái 22 tuổi phải thay nhau trực điện thoại cập nhật tin tức để nhờ anh Hwang (chàng rể lấy em họ của Mai ở bên đó) và Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc giúp đỡ.

May mắn được trở về nước sau cú lừa, Mai giờ đã trở thành chuyên gia trang điểm tóc. Nói về ước mơ của mình, Mai bảo ngoài việc thu tiền cước điện thoại thêm, cô đang phải tích cóp để gia đình sớm trả hết khoản nợ 4 năm về trước. "Chuyện chồng chắc phải thời gian sau mới dám nghĩ đến...", Mai đăm chiêu nhìn ra phía ngoài sân nói.

Theo phó giáo sư, tiến sĩ Lê Thị Quý, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu giới và phát triển, người từng thực hiện đề tài hôn nhân giữa phụ nữ Việt Nam với người nước ngoài, những trường hợp như Mai không còn hiếm gặp. Theo báo cáo của Tổng cục thống kê, trong 3 năm gần đây, đã có gần 32.000 phụ nữ Việt Nam lấy chồng nước ngoài, phần lớn là lấy chồng Đài Loan, Hàn Quốc.

"Chỉ một số cô may mắn được sung sướng, nhưng không ít người đang phải đối mặt với bi kịch từ chính cuộc hôn nhân qua môi giới, như bị lừa gạt lấy phải người chồng tàn tật, mắc bệnh thần kinh... Họ vô tình trở thành nạn nhân của bạo lực gia đình, thậm chí có người bị chồng giết", tiến sĩ Quý cho biết