Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 16 khai mạc tại Hà Nội |
Tác Giả: Đức Tâm / RFI |
Thứ Sáu, 09 Tháng 4 Năm 2010 10:39 |
Hội nghị thượng đỉnh các nước Đông Nam Á lần thứ 16 khai mạc tại Hà Nội với trọng tâm thúc đẩy tiến trình thành lập cộng đồng ASEAN. Thủ tướng Thái Lan không tham dự khủng hoảng chính trị trong nước. Ngày 8/4 tại Hà Nội, hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 16 đã khai mạc với chủ đề chính “Hướng tới cộng đồng ASEAN : Từ tầm nhìn đến hành động.” Trong hai ngày họp thượng đỉnh, lãnh đạo và đại diện 10 thành viên ASEAN tập trung thảo luận các biện pháp thúc đẩy lộ trình thành lập một cộng đồng vào năm 2015, thắt chặt các quan hệ chính trị, kinh tế và an ninh. Phát biểu trong lễ khai mạc, thủ tướng Việt Nam ông Nguyễn Tấn Dũng nói rằng còn nhiều việc phải làm để tiến tới một cộng đồng Đông Nam Á và ưu tiên hiện nay của các nước trong khu vực là phục hồi kinh tế và thúc đẩy phát triển. Theo giới quan sát, tiến trình hội nhập, xây dựng cộng đồng của ASEAN rất phức tạp và khó khăn do trình độ phát triển không đồng đều giữa các thành viên. Hơn nữa, ASEAN là một khối nước không đồng nhất về thể chế chính trị. Hội nghị ASEAN lần thứ 16 diễn ra trong bối cảnh có một số sự kiện thời sự trong khu vực đã phần nào làm lu mờ hoạt động ngoại giao của khối này : trước tiên là cuộc khủng hoảng chính trị tại Thái Lan và sự vắng mặt của thủ tướng Abhisit Vejjajiva. Vào giờ phút chót, thủ tuớng Thái Lan đã phải hủy bỏ chuyến đi Việt Nam để tham dự hội nghị ASEAN. Đại diện văn phòng thủ tướng cho biết là ông Abhisit ở lại Bangkok để theo dõi tình hình do có các cuộc biểu tình của phe Áo Đỏ, bất chấp tình trạng khẩn cấp mà chính phủ ban hành. Ngoại trưởng Kasit Piromya đại diện cho chính phủ Thái Lan tham dự hội nghị thượng đỉnh tại Hà Nội. Vấn đề thứ hai là hồ sơ nhân quyền Miến Điện, vốn làm cho ASEAN đau đầu và gây chia rẽ giữa các nước thành viên trong nhiều năm qua. Theo giới phân tích, nhân danh nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ các nước khác, ASEAN sẽ không gây sức ép đòi giới tướng lãnh cầm quyền tại Miến Điện cải thiện nhân quyền và thúc đẩy cải cách chính trị, dân chủ. Trong khi đó, một số thành viên, như Indonesia đã phê phán Miến Điện và thậm chí, hôm qua (7/4), ngoại trưởng Indonesia còn nhắc nhở đồng nghiệp Miến Điện về các cam kết của giới tướng lãnh cầm quyền nước này là tổ chức tổng tuyển cử tự do, dân chủ, khả tín. |