Home Tin Tức Thời Sự Nghe hứa, nông dân nông trường Cờ Đỏ trở về địa phương

Nghe hứa, nông dân nông trường Cờ Đỏ trở về địa phương PDF Print E-mail
Tác Giả: Quỳnh Như, phóng viên RFA   
Thứ Năm, 08 Tháng 4 Năm 2010 13:43

Cuối tuần qua, lãnh đạo Tỉnh Cần Thơ đã lên TPHCM để kêu gọi những dân oan đi khiếu kiện đòi đất

hãy trở về địa phương giải quyết.

 Photo courtesy of vietnamexodus Dân oan tỉnh Tiền Giang biểu tình trước UBND tỉnh ngày 26/3/2010

Nhưng khi về đến Thị trấn Cờ đỏ, vấn đề đòi đất của người dân Nông trường Cờ đỏ được giải quyết ra sao, Quỳnh Như có cuộc nói chuyện với một số bà con ở Thị trấn Cờ đỏ về tình hình kêu oan đòi đất hiện nay. 

Hứa suông
Theo lời hứa hẹn của lãnh đạo Tỉnh Cần Thơ, những dân oan Nông trường Cờ đỏ tập họp trước Văn phòng của Trung ương Đảng tại Thành phố Hồ Chí Minh để khiếu kiện đòi đất đã trở về địa phương, và trên trăm hộ nông dân này vừa có buổi họp với Thanh Tra Tỉnh Cần Thơ tại Hội trường Thị trấn Cờ đỏ.  

Bà Nguyễn Thị Còn, là một trong số bà con lên Thành phố Hồ Chí Minh khiếu kiện vừa trở về, và cũng có mặt trong buổi làm việc này kể lại như sau: “Sáng nay, dân của tui là trên 100 hộ lên Hội trường Thị trấn Cờ đỏ làm việc với Thanh tra Tỉnh Cần Thơ tên Phú Nhuận. Chúng tôi đưa ra Nghị định 69 của Thủ tướng Chính phủ, nhưng mấy ông đó nói lệnh của Thủ tướng ra là mới đây, còn đất của tui là từ năm 1975 đến nay nên không được giải quyết. Mấy ổng lừa dối chúng tôi, nói giải quyết mà có được giải quyết gì đâu.

“Chúng tôi đưa ra Nghị định 69 của Thủ tướng Chính phủ, nhưng mấy ông đó nói lệnh của Thủ tướng ra là mới đây, còn đất của tui là từ năm 1975 đến nay nên không được giải quyết. (Bà Nguyễn Thị Còn )

Dân kêu nài, nếu ông không giải quyết được thì phải ra văn bản nói rõ cho người dân vì người dân đã quá khổ sở rồi. Lấy đất của người dân từ hồi năm 75 tới bây giờ mà không chịu trả lại cho dân, còn đàn áp dân nữa. Thì bây giờ ra một văn bản cho người dân đi, rồi chúng tôi muốn đi tới đâu để khiếu kiện thì tự đi. Nhưng mấy ổng nói phiên họp như vậy là xong rồi chứ không có văn bản gì hết. Dân cũng xúm lại đòi phải có văn bản nhưng mấy ổng không ra văn bản mà cho lực lượng công an kéo lôi dân ra, rồi ổng lên xe đi về, dân cũng có làm được gì đâu.”      

Quá uất ức nên không thể ngồi yên, người dân lại tiếp tục đấu tranh đòi lại đất ruộng của mình để canh tác.

Bà Còn nói tiếp:“Dân tui tính ngày mai lại kéo lên Nông trường gặp giám đốc để trình bày. Tôi là người dân đi khiếu nại, chúng tôi làm dựa vào chứng cớ đàng hoàng, chứ đâu để có chuyện gì phức tạp, để không hiểu, nhưng mấy ổng đã trù dập chúng tôi quá rồi. Mà nếu chánh quyền không giải quyết thì người dân chúng tôi sẽ tự giải quyết lấy: Đất của tui từ xưa đến giờ ở đâu thì còn nằm yên đó, chứ chưa thể bứng dời đi đâu được hết, thì bây giờ cứ mảnh đất của mình, dân tui nhào vô mà làm hà.”  

"Mượn đất để nuôi quân"

 Dân oan Tiền Giang, Long An, Bến Tre, Bình Dương biểu tình tại TPHCM ngày 22-02-2010. Photo courtesy of vietnamexodus

Tại sao vấn đề âm ỉ từ lâu này lại khiến người dân sôi sục như vậy. Chúng ta hãy nghe một nông dân Cờ đỏ cũng bị mất đất, không muốn nêu danh tính, kể qua sự việc:“Tôi là một người dân oan của Nông trường Cờ đỏ. Sự việc là, sau năm 1975 người dân chúng tôi đang canh tác lúa trên mảnh ruộng của mình thì đến năm 1976, Nông trường Cờ đỏ lấy đất của chúng tôi, và lúc đó bộ đội thuộc Trung đoàn 1 nói là ‘mượn đất để nuôi quân’.

Sau khi làm được 2 năm, đến năm 1978 thì trả lại cho Tỉnh Cần Thơ để giao lại cho dân mà Tỉnh không trả, rồi dân chúngtôi đi khiếu kiện nhiều nơi và đến năm 1990, Ủy ban Nhân dân Tỉnh Cần Thơ cho chúng tôi hợp đồng lại, mỗi người được 50% đất, tức là khoảng từ 20 – 25 công, trong khi đất là của chúng tôi, có người có 50 công, 100 công, 200, 300 công cũng có nhưng thấp nhất là 50 công, nhưng chỉ cho chúng tôi hợp đồng lại mỗi người là 25 công, rồi lấy thuế má các thứ, nên coi như người dân chúng tôi không đủ sống.

Toàn bộ Nông trường Cờ đỏ là có đến mấy ngàn hecta lận. Từ năm 1976 đến nay chỉ còn lại khoảng 100 hộ đi khiếu kiện, chứ thật ra trước đây là đến mấy trăm hộ lận. Đòi hỏi, khiếu kiện thì không trả. Hiện giờ chúng tôi có trong tay Nghị định 69 của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, là trả đất lại cho dân, hoặc là nếu không có đất thì phải trả bồi thường thoả đáng theo giá thị trường, nhưng ở đây họ vẫn không trả gì hết.

“Sau năm 1975, chúng tôi đang canh tác lúa trên mảnh ruộng của mình thì Nông trường Cờ đỏ lấy đất của chúng tôi, nói là ‘mượn đất để nuôi quân’. 

 Một nông dân bị mất đất

Họ bảo có Nghị định này rồi, Tỉnh hứa sẽ giải quyết nhưng sau khi họ hội họp rồi thì trả lời không giải quyết. Họ nói rằng: đất này là đất của nhà nước, đất này là phong thổ của quốc gia, đất nào cũng do nhà nước quản lý hết.”

Bà Nguyễn Thị Còn nói tiếp với phóng viên Đài Á Châu Tự Do: “Tui là người dân ở vùng sâu vùng xa này nhờ giúp đỡ cho người dân ở đây, cứ loan tin ra giùm cho người dân ở Nông trường này để thoát khỏi cảnh lầm than này đi, chớ bây giờ người dân ở đây khổ lắm, chứ không riêng gì chỉ mình ên tui.

“Hồi mới vô phiên họp lúc ban đầu, mấy ổng hăm: ‘Tôi cấm bà con sắp tới đây không được đi khiếu kiện nữa’. (Bà Nguyễn Thị Còn )  

Đất tui đã mất, bây giờ chết còn sướng hơn, chứ bây giờ sống trong cảnh màn trời chiếu đất này khổ lắm rồi. Người dân chịu quá nhiều thiệt thòi, mất mát đã từ lâu rồi, mà bây giờ còn bị trù dập nữa. Hồi mới vô phiên họp lúc ban đầu, mấy ổng hăm: ‘Tôi cấm bà con sắp tới đây không được đi khiếu kiện nữa’.     

Đó là tiếng kêu cứu của những người dân thấp cổ bé họng để mong vấn đề đất đai của họ được cấp nào đó giải quyết một cách thoả đáng. Vì đối với nông dân mảnh ruộng gắn bó với họ như máu thịt.