Home Tin Tức Thời Sự Hà Nội phản đối Bắc Kinh đưa tàu tuần Trường Sa

Hà Nội phản đối Bắc Kinh đưa tàu tuần Trường Sa PDF Print E-mail
Tác Giả: Người Việt   
Thứ Ba, 06 Tháng 4 Năm 2010 07:59

HÀ NỘI (NV) - Việc Bắc Kinh đưa tàu đến tuần tra vùng biển quanh Trường Sa bị Việt Nam phản đối

hôm Thứ Hai là “vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này.”

Bà Nguyễn Phương Nga, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Việt Nam nói thêm, “Việt Nam khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.”


Tàu tuần nghề cá lớn nhất của Trung Quốc, Ngư Chính 311, biến cải từ một chiến hạm được đưa tới khu vực Trường Sa để bắt giữ tàu đánh cá của Việt Nam. Tàu này từng đưa tới Hoàng Sa và từng bắt giữ ngư dân Việt Nam. (Hình: China Daily)

Hà Nội rất nhiều lần đưa ra các tuyên bố về chủ quyền các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, hành động bắt giữ tàu đánh cá và ngư dân Việt Nam cũng như các vụ tập trận hải quân qui mô của Trung Quốc ở các khu vực này, nhưng không hề có tác dụng.

Cũng như nhiều bản tuyên bố trước, lần này, bà Nga nói rằng, “Việt Nam yêu cầu phía Trung Quốc chấm dứt ngay hoạt động này, không tiếp tục có các hành động gây căng thẳng và làm phức tạp thêm tình hình tại Biển Ðông, làm ảnh hưởng đến việc duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác ở khu vực.”

Lời tuyên bố của bà Nguyễn Phương Nga đưa ra 5 ngày sau khi Chủ Tịch Nước Nguyễn Minh Triết đến thăm đảo Bạch Long Vĩ, đưa ra lời tuyên bố, “Chúng ta không để bất cứ ai xâm phạm lãnh thổ, biển và đảo của chúng ta.” Ông Triết nói như vậy hôm 1 tháng 4, theo bản tin thông tấn Ðức DPA. “Chúng ta không nhượng bộ, cho dù là một tấc đất cho bất cứ ai.”

Bạch Long Vĩ là một huyện đảo thuộc tỉnh Hải Phòng, giữa vịnh Bắc Bộ và cách Hòn Dấu-Hải Phòng 110 km, cách đảo Hạ Mai 70 km, cách mũi Ta Chiao-Hải Nam 130 km. Ðảo này dùng làm điểm chuẩn để phân chia vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc, theo bản hiệp định phân định vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc ký cuối tháng 12, 2000.

Lời tuyên bố của ông Triết đưa ra khi ông ra đảo Bạch Long Vĩ với 2 tàu chiến Việt Nam hộ tống.

Từ một tháng trước, Trung Quốc đã loan báo sẽ đưa hai tàu tuần nghề cá tới Trường Sa không ngoài mục đích bắt giữ tàu đánh cá của Việt Nam, và có thể cả của các nước khác trong khu vực, ở khu vực quần đảo mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền. Mãi tới giờ, khi thấy Tân Hoa Xã loan báo trở lại, Hà Nội mới đưa ra phản ứng.

Một số tàu đánh cá của Việt Nam đã bị đâm chìm hoặc bắt giữ đòi tiền chuộc khi hoạt động gần quần đảo Hoàng Sa dù là trú bão. Mới ngày 23 tháng 3, tàu tuần Trung Quốc đã bắt giữ một tàu đánh cá của Việt Nam kéo về đảo Phú Lâm đòi tiền chuộc. Hiện vẫn không có tin tức gì về số phận của 12 ngư dân tỉnh Quảng Ngãi và chiếc tàu, dù Hà Nội có lên tiếng kêu gọi Trung Quốc trả tự do cho họ.

Theo một bản tin của VNExpress cuối tháng 3 thuật theo tin từ Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn, từ năm 2005 đến nay, “Toàn tỉnh Quảng Ngãi có 111 tàu và 1,247 ngư dân bị các nước, ngoài vùng lãnh thổ bắt giữ. Trong các nước, vùng lãnh thổ, thì Trung Quốc bắt nhiều nhất với 60 tàu và 732 ngư dân Việt Nam, tiếp theo đến Phi Luật Tân, Malaysia, Indonesia, Campuchia, Ðài Loan.”

Ngư trường quanh quần đảo Hoàng Sa là ngư trường truyền thống của ngư dân Việt Nam, đặc biệt là ngư dân Quảng Ngãi, nhưng nay Trung Quốc chiếm quần đảo này và bắt giữ ngư dân Việt Nam khi hoạt động gần đó.

Trong khi Trung Quốc đâm chìm tàu, hay bắt giữ tàu và ngư dân Việt Nam, báo Biên Phòng của CSVN hồi đầu tháng 2 vừa qua cho hay tàu đánh cá Trung Quốc số lượng lớn liên tục xâm nhập lãnh hải Việt Nam. Nhiều báo trong nước dẫn lại tin của báo Biên Phòng nói 130 tàu đánh cá Trung Quốc vào sâu trong vùng biển miền Trung Việt Nam. Có tàu đánh cá sát bờ biển miền Trung từ Quảng Trị tới Ðà Nẵng. Dù vậy, chúng chỉ bị đuổi đi mà không hề bị bắt giữ hay phạt vạ như cách cư xử của các nước khác trong khu vực khi bắt tàu đánh cá của Việt Nam. Hoặc tệ hại hơn, đâm chìm tàu hoặc bắt giữ rồi đòi tiền chuộc như Trung Quốc.