Home Tin Tức Thời Sự Jerusalem – ‘Vùng Đất Thiêng’ Trong Thùng Thuốc Súng Trung Đông

Jerusalem – ‘Vùng Đất Thiêng’ Trong Thùng Thuốc Súng Trung Đông PDF Print E-mail
Tác Giả: Nguyễn Viết   
Thứ Bảy, 03 Tháng 4 Năm 2010 08:27

Nói đến Jeruslem, là nói đến Nhà thờ Holy Seplucher, đỉnh Olives và Bức tường Than khóc

 

                     Đỉnh Olive, Jerusalem vào buổi tối.

Jerusalem là thành phố lâu đời nhất thế giới, vùng đất thiêng với sự hội tụ của 3 tôn giáo lớn là Hồi giáo, Thiên chúa và Do Thái với những di tích có từ nhiều thế kỷ trước, và cũng là nơi bắt nguồn của những xung đột dai dẳng tại Trung Đông.

Thành cổ Trung Đông này nằm trên đỉnh của một cao nguyên, bên lưu vực sông giữa Địa Trung Hải và Biển Chết trên độ cao 650-840m, và được bao bọc bởi những phiến đá khổng lồ màu xám.

Phủ trên 3 ngọn đồi, Jerusalem giáp với phía Đông của Tel Aviv, phía Nam của Ramallah, phía Tây của Jericho và phía Bắc của Bethlehem. Về đêm, khi nhìn từ dưới chân núi, Jerusalem mang vẻ đẹp lung linh, huyền ảo như những giá trị tôn giáo linh thiêng mang trong mình nó. Với số dân chưa đến 1 triệu, Jerusalem là thành phố không đồng nhất, tiêu biểu cho nhiều loại dân tộc, tôn giáo và những nhóm kinh tế xã hội. Cùng vẻ cổ kính và linh thiêng, sự mê hoặc của Jerusalem có lẽ còn nằm ở điểm này.

Sự định cư tại Jerusalem bắt đầu tồn tại từ 3.000 năm trước Công nguyên. Lúc đầu, thành phố là thủ đô những vương quốc Do Thái: Israel, Judah và Judea. Thành phố tiếp tục giữ vai trò quan trọng là Đất Thánh trong thời kỳ thống trị của người Hồi giáo. Jerusalem là thành phố linh thiêng nhất của đạo Do Thái, và có ý nghĩa đặc biệt với đạo Cơ Đốc và đạo Hồi. Jerusalem là một nơi mà người Do Thái ở bất kỳ đâu trên thế giới khi cầu nguyện đều hướng về, người Hồi Giáo cũng làm như vậy, cho đến khi thánh địa của họ được dời về Mecca. Jerusalem đối với người Hồi Giáo hiện nay là nơi thiêng liêng thứ ba, sau Mecca và Medina.

Nói đến Jeruslem, là nói đến Nhà thờ Holy Seplucher, đỉnh Olives và Bức tường Than khóc. Đỉnh Olives nằm tại khu vực phía đông của Jerusalem, nơi tương truyền Chúa Jesus bị bắt trong đêm định mệnh, rồi từ đó thăng lên Thiên đường sau khi phục sinh. Từ trên đỉnh Olives, có thể phóng tầm mắt bao quát toàn cảnh khu thành cổ Jerusalem với cả ngôi Đền Vàng với mái vòm dát vàng lấp lánh dưới nắng.

Nhà thờ Holy Sepulcher nằm cách đó không xa. Người Thiên chúa giáo, đặc biệt là các tín đồ Cơ Đốc và Chính thống Hy Lạp, tin rằng đây là nơi chúa Jesus đã bị đóng đinh trên cây thập tự và được chôn cất. Không khí linh thiêng và thành kính luôn bao trùm bên trong nhà thờ.

Còn Bức tường Than khóc lại là nơi linh thiêng nhất của tín đồ Do thái. Bị phá hủy vào năm 1970, người Do thái bị buộc phải sống lưu đày và cấm vào Jerusalem cho mãi đến thế kỷ 15. Khi đó, mỗi năm, người do Thái được phép vào khu vực bức tường một lần và khóc cho số phận đau đớn của ngôi đền, của quốc vương thời đó, cũng như của dân tộc mình.

Có lẽ cũng bởi vì có lịch sử lâu dài và linh thiêng như vậy, Jerusalem bao thế kỷ qua lại là căn nguyên của cuộc chiến tranh dai dẳng ở Trung Đông. Suốt nửa thế kỷ qua vùng đất Trung Đông được mệnh danh là thùng thuốc súng, nơi liên tục nổ ra các cuộc chiến tranh mà trọng tâm là cuộc xung đột giữa Israel và cộng đồng Arập láng giềng, trong đó cuộc xung đột giữa người Do Thái và người Palestin là dai dẳng nhất. Các văn bản giải quyết xung đột ở đây đều thống nhất thành lập một nhà nước Palestin bên cạnh Israel lấy khu vực Đông Jerusalem làm thủ đô; quay trở lại đường biên giới năm 1967 với các thoả thuận dàn xếp về lãnh thổ; có quy chế đặc biệt cho các vùng đất thánh; giải pháp cho vấn đề người tị nạn.

Jerusalem ngày nay đang tồn tại hai phần: Tây Jerusalem và Đông Jerusalem. Phần Tây, với cư dân chủ yếu là người Do Thái, trở thành một bộ phận của Israel từ khi nước này tuyên bố độc lập năm 1948. Đông Jerusalem có cư dân chủ yếu là cộng đồng người Arập thuộc Palestin. Nhưng có thể thấy được sự khác biệt của khu phía Tây thịnh vượng và khu phía Đông nghèo đói: Từ năm 1967 đến năm 1991, đã có 40.000 nơi cư trú cho người Do Thái Israel được xây dựng trong khi chỉ có 555 nơi dành cho người Palestin. Người Palestin chỉ được phép xây dựng nhà ở cao đến 2 tầng, trong khi người định cư Israel được phép xây dựng những ngôi nhà cao đến 8 tầng.

Trong hàng thập kỷ qua, chiến tranh dường như luôn rình rập quanh khu vực này, nhưng cũng dường như rất xa. Jerusalem vẫn là vùng đất linh thiêng, vẫn là nơi gửi gắm tâm linh của hàng triệu tín đồ, và vẫn tấp nập đón dòng người đến du lịch.