Mất nhiều việc làm vì nông dân trồng bắp thay bông vải |
Tác Giả: Người Việt |
Thứ Tư, 24 Tháng 3 Năm 2010 19:14 |
LUBBOCK, Texas (AP) - Những cánh đồng trồng bông vải trắng từng một thời trải dài tới tận chân trời trên khắp vùng châu thổ màu mỡ của con sông Mississippi, nhưng hiện giờ nhiều trong số những diện tích đó gồm toàn những thân cây bắp màu xanh. Gặt bông trên một cánh đồng ở Rule, Texas. (Hình: Rick Gershon/Getty Images) Việc sản xuất bông vải tại Hoa Kỳ đã lên tới đỉnh vào năm 2005 và từ đó đến nay giảm dần bởi vì các nông dân chuyển từ việc trồng bông vải sang thực phẩm. Có nhiều lý do: Giá bắp cao và có lời hơn bởi vì việc sản xuất đòi hỏi ít nhân công hơn. Phí tổn sản xuất thấp hơn của bắp cũng làm cho việc đầu tư vào đó ít rủi ro hơn bông vải. Việc sản xuất bông vải giảm khoảng 53% tại vùng Trung Nam gồm năm tiểu bang kể từ năm 2005 cho đến hết năm 2008 giữa lúc các nông trại được chuyển sang trồng bắp và đậu nành. Những vụ mất mát việc làm theo sau. Các nhà kinh tế ước lượng rằng cứ ba việc làm cần thiết để sản xuất bông vải, chỉ cần một việc làm để trồng bắp hoặc đậu nành. Thật khó biết có bao nhiêu việc làm đã bị mất, nhưng các nền kinh tế nông thôn đang cảm thấy hậu quả, theo ông Darren Hudson, giám đốc của Viện Nghiên Cứu Kinh Tế Bông Vải tại Texas Tech. Vài nhà máy tách hột bông vải đã đóng cửa. Những nhà máy khác bị tháo gỡ và gởi ra nước ngoài. “Ðó là một loại mất mát vĩnh viễn về hạ tầng cơ sở đó,” ông Hudson nói. “Ðó không phải là việc đóng cửa những nhà máy tách hạt bông cũ. Ðó là những nhà máy mới với nợ nần cao hơn.” Các nông dân sử dụng số nhà máy tách hạt bông còn lại chứng kiến giá cả gia tăng giữa lúc các chủ nhân nhà máy tách hạt tăng lệ phí để trang trải các phí tổn bảo trì đối với các cơ sở cũ và thanh toán tiền vay cho các máy mới. Vài nhà trồng trọt cũng đứng trước phí tổn chuyên chở cao hơn bởi vì họ phải đi xa hơn để tìm một nhà máy tách hạt còn mở cửa. Kể từ năm 2006, con số các nhà máy tách hạt bông tại Hoa Kỳ đã giảm từ 835 còn khoảng 700, theo ông Harrison Ashley, thuộc Hiệp Hội các Chủ Nhà Máy Tách Hạt Bông Toàn Quốc. Ông Bernie Jordan, chủ tịch của công ty tách hạt bông Yazoo Planters Gin Co., gần Yazoo City, Mississippi, người cũng trồng bông, đã chuyển dần trọng tâm của ông. Trong ba năm vừa qua, ông đã đi từ việc trồng 70% bông và 30% ngũ cốc sang 40% bông và 60% bắp. Một phần của sự thúc đẩy phát xuất từ sự bùng nổ ethanol, chất cũng được sử dụng làm nhiên liệu, đã giúp thúc đẩy giá bắp lên tới khoảng $4.50 một giạ (bushel), gần gấp đôi giá trước khi Ðạo Luật Chính Sách Năng Lượng thiết lập một tiêu chuẩn về các nhiên liệu có thể tái tạo và bó buộc sử dụng ethanol trong xăng. Sự cạnh tranh giữa các nhà chăn nuôi để mua thực phẩm cho trâu bò, gà vịt và heo cũng khiến cho bắp được giá. Giá bông vải không phải là yếu, nhưng bắp cần ít nhân công, phân bón và hóa chất hơn để trồng và thu hoạch. Sự chuyển đổi trong sản xuất đã có một hậu quả lớn lao đối với vài cộng đồng nông thôn. Cần ít công nhân hơn để đưa bông vải từ ngoài đồng tới sân của các nhà máy tách hột, đưa nó vào trong nhà máy, chạy máy và cung cấp bông vải không lẫn hột tới các nhà kho và nhà máy, giúp hạ giảm chi phí nhân công. Các doanh nghiệp cung cấp phân bón và các hóa chất khác cũng đang bán ít đi. Vùng đồng bằng Mississippi đặc biệt bị ảnh hưởng bởi vì nó thừa thãi nước. Tại những nơi khác, chuyển sang việc trồng bắp không phải là sự lựa chọn thiết thực bởi vì bắp cần nhiều nước hơn bông vải. Tại những nơi ở Texas mà nước rất giới hạn, đất trồng trọt không được chuyển đổi nhiều như tại năm tiểu bang Trung Nam gồm Mississippi, Arkansas, Louisiana, Missouri và Tennessee. Texas vẫn là nơi sản xuất bông vải hàng đầu trong nước. Nhưng ngay cả tại Texas, vài nhà trồng bông đang có hành động dứt khoát, khi họ bán các máy hái bông, có thể có giá tới $500,000. Và khi các nhà sản xuất loại bỏ những chiếc máy như vậy, họ sẽ ngần ngại trong việc bỏ tiền ra để quay trở lại việc làm ăn đó. (n.n.) |