Tân Hoa Xã mở cuộc tấn công mới vào Google |
Tác Giả: Người Việt |
Thứ Tư, 24 Tháng 3 Năm 2010 18:21 |
BEIJING (Reuters) - Cơ quan thông tấn của nhà nước Trung Quốc vừa mở cuộc tấn công dữ dội đánh vào Google hôm Thứ Hai. Lên tiếng giận dữ qua một bài bình luận, Tân Hoa Xã tố giác Google đã không giữ đúng lời hứa tuân thủ luật lệ của TQ. Trụ sở Baidu ở Beijing, công ty cung ứng dịch vụ có triển vọng cùng với Tencent Holdings Hai tháng kể từ lúc Google tuyên bố sẽ không còn tuân theo đường lối kiểm duyệt của Bắc Kinh, dù rằng điều này có nghĩa là họ sẽ đóng trang mạng Google.cn, một số dân mạng và cơ quan truyền thông nhà nước TQ đã lên tiếng mắng mỏ về chuyện công ty này rút ra. Tân Hoa Xã nói rằng, Google khi mới bước vào thị trường của TQ đã từng hứa rằng sẽ thanh lọc search engine, để loại ra những “nội dung thiếu lành mạnh,” không phù hợp với luật lệ của TQ. Thông tấn xã nhà nước TQ nói, “Nay Google lại đột nhiên muốn nuốt lời hứa, và rằng nếu công ty này thấy không hài lòng, họ sẽ chỉ trích khi cho rằng TQ là môi trường đầu tư tệ hại. Ðiều này hoàn toàn vô lý. Không phải môi trường đầu tư của TQ thay đổi, mà chính tự Google đã thay đổi.” Cơn thịnh nộ trong bài bình luận của TQ cho thấy rằng, mặc dù Google được ưa chuộng rộng rãi trong giới trí thức TQ, chính quyền đang lèo lái truyền thông và các trang mạng của nhà nước để dồn chung vụ Google chung làm một với những cuộc tranh cãi gần đây với Washington, vốn làm khuấy động tinh thần quốc gia căm ghét ở TQ. Một dân mạng nêu ý kiến trên trang nhà của tờ báo lá cải Global Times, “Cút ra khỏi đây lập tức.” Tờ báo này trích dẫn kết quả thăm dò cho thấy, 80% tỏ ra không màng đến việc nếu Google không còn làm ăn ở TQ. Một người khác viết, “Hoan hô, tôi sẽ mua pháo về đốt ăn mừng.” Joseph Cheng, giáo sư môn chính trị học ở City University of Hong Kong nói rằng, “Ðảng Cộng Sản TQ đang dùng chiêu bài quốc gia để bóp nghẹt hết tranh luân về kiểm duyệt.” Ông Cheng nói, “Sự phê phán văn hóa xuất khẩu, hay văn hóa đế quốc chẳng qua chỉ là một lối biện minh cho chế độ kiểm duyệt của chính quyền TQ. Ðể đối phó với chính phủ Hoa Kỳ, nhà nước TQ sẽ khẳng định rằng đây chỉ là một sự tranh chấp có tính cách thương mãi, không ăn nhập gì đến quan hệ ngoại giao giữa hai nước Mỹ-Hoa.” Một viên chức về mậu dịch của Hoa Kỳ gần đây cho biết, Mỹ đang nghiên cứu xem liệu họ có thể thách thức một cách hợp pháp về việc giới hạn Internet của TQ hay không. Các phân tích gia nói rằng, nếu Google rút khỏi TQ, kẻ thiệt thòi nhất là hằng triệu người sử dụng Internet. Cao Junbo, phân tích gia trưởng của iResearch, một công ty nghiên cứu kỹ thuật có trụ sở đặt tại Beijing, nói, “Ðây là điều không hay cho dân mạng TQ vì Google vốn dẫn đầu trong lãnh vực tìm kiếm thông tin.” Theo ông Junbo, sự rút lui của Google sẽ mở đường cho các công ty quốc nội bước vào thị trường tìm kiếm thông tin giá trị đến $1 tỉ. Kẻ thừa hưởng nhiều triển vọng nhất là Baidu, Inc., công ty TQ vốn đã có một hệ thống tìm kiếm thông tin tinh vi, thương vụ mạnh, và lực lượng phục vụ khách hàng. Ngoài ra còn có Tencent Holdings, một công ty Internet sáng giá của TQ cũng có thể được hưởng lây, hiện đang điều hành phần instant messaging lớn nhất nước, từ đây có thể mở rộng sang hệ thống tìm kiếm thông tin. Tin mới nhất của AP cho biết, Google vừa mới quyết định hôm Thứ Hai, chấm dứt kiểm duyệt cho TQ bằng cách dời bộ phận search engine ra khỏi nơi đây, tuy nhiên theo công ty này, họ vẫn duy trì những hoạt động khác. Những ai vào Google.cn nay được nối thẳng qua trang Google khác cũng bằng tiếng Hoa ở Hồng Kông, nơi kết quả tìm kiếm thông tin không bị kiểm duyệt. Tuy nhiên, ngay trong nội địa TQ người ta vẫn không thể vào được kết quả tìm kiếm vì bị chính quyền hạn chế. Google dự tính giữ lại văn phòng thương vụ và kỹ sư ở TQ, đồng thời các dịch vụ về bản đồ và âm nhạc vẫn hoạt động trong Google.cn. Tuy nhiên, việc cưỡng lệnh kiểm duyệt của Google sẽ dẫn đến việc làm ăn của công ty này ở TQ bị khó khăn hơn, đặc biệt là nếu TQ muốn trả thù bằng cách làm khó dễ dưới nhiều hình thức. Chính quyền có thể chận không cho ai vào được trang mạng Google như họ đã từng làm với Facebook, Twitter và YouTube, cũng do Google làm chủ. (TP) |