Bộ trưởng Quốc Phòng Nga đến Hà Nội |
Tác Giả: Người Việt |
Thứ Ba, 23 Tháng 3 Năm 2010 10:31 |
HÀ NỘI 23-3 (TH) .- Bộ trưởng Quốc Phòng Nga Anatoly Serdyukov vừa có mặt ở Hà Nội từ hôm Thứ Hai 22/3/2010 để thảo luận các vấn đề hợp tác quân sự quốc phòng giữa hai nước, hãng thông tấn Nga RIA Novosti loan tin. Không thấy hệ thống báo đài chính thức của CSVN đưa tin gì, điều này cho hiểu chuyến đi của ông Serdyukov diễn ra vào lúc có nhiều chuyện nhậy cảm trong mối bang giao giữa Việt Nam và Trung quốc liên quan đến tranh chấp biển Đông. Tàu ngầm lớp Kilo mà CSVN ký hợp đồng mua 6 chiếc của Nga hồi giữa Tháng 12/2009. Theo nguồn tin trên, một cách chính thức, Serdyukov sẽ gặp chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và Bộ trưởng Quốc Phòng Phùng Quang Thanh. Ông ta gặp ai khác và về những vấn đề gì được thảo luận chi tiết, không thấy RIA Novosti nói. Giữa Tháng 12/2009, khi Nguyễn Tấn Dũng, thủ tướng CSVN, cầm đầu một phái đòan sang Nga, một bản hợp đồng mua 6 tầm ngầm lớp Kilo đã được ký kết. Tin tức lúc đó còn nói Hà Nội thảo luận để mua thêm, có thể, 12 chiến đấu cơ đa năng Sukhoi SU30MK2 mà trước đó đã mua 8 chiếc. RIA Novosti hồi tuần trước cũng loan báo Nga vừa hạ thủy chiếc khinh hạm lớp Gepard 3.9 thứ hai để chạy thử trên biển Baltic, dự trù giao chiếc đầu vào Tháng 10 và chiếc thứ hai vào cuối năm nay. Cũng theo nguồn tin từ Nga, hợp đồng mua tàu ngầm ký hồi năm ngóai có thể lên đến $4 tỉ USD chứ không phải chỉ có $1.8 tỉ USD như từng được thông tin vì bao gồm cả võ khí, việc thiết lập căn cứ tàu ngầm, cơ sở huấn luyện, bảo trì ở Cam Ranh. Theo tin RIA Novosti thuật lời nữ phát ngôn viên Irina Kovalchuk của ông Serdyukov, hợp đồng mua sắm trang bị quân sự mà Nga bán cho CSVN năm 2008 khoảng hơn $1 tỉ USD (trong số này có 8 chiến Sukhoi SU30MK2), các hợp đồng ký trong năm 2009 khoảng $3.5 tỉ USD và ngay trong đầu năm 2010, số hợp đồng đã ký kết khoảng $1 tỉ USD, nhưng không phân tích cho biết chúng gồm những thứ gì. Bà này chỉ nói rằng “Từ năm 2008, chúng tôi thấy có sự gia tăng đều đều về bán trang bị quân sự của Nga cho Việt Nam ”. Với số lượng võ khí mua như vậy, Việt Nam được xếp vào hạng những khách hàng mua võ khí quan trọng nhất của Nga bên cạnh Ấn Độ và Trung quốc. Cũng trong thời gian thủ tướng CSVN sang Nga mua sắm một số võ khí quan trọng, Bộ trưởng quốc phòng Phùng Quang Thanh sang Mỹ xin nước này bãi bỏ lệnh cấm mua võ khí sát thương (từ Hoa Kỳ) cho Việt Nam . Một thứ trưởng Quốc phòng CSVN cũng sang Hàn quốc quan sát nhà máy đóng tàu chiến. Các phái đoàn CSVN dồn dập đi ngọai quốc vào cuối 2009 diễn ra trong bối cảnh của một năm có nhiều căng thẳng với Trung quốc trên biển Đông. Trung quốc ngang ngược cấm tàu đánh trên biển Đông từ giữa Tháng Sáu đến đầu Tháng Tám, ngay vào lúc chính vụ của ngư dân Việt. Ngang ngược hơn nữa, nhiều tàu đánh cá của ngư dân Việt đã bị tàu tuần trung quốc đâm chìm hoặc bắt về đảo Phú Lâm trong quần đảo Hoàng Sa đòi tiền chuộc. Bên cạnh đó, nhiều cụôc tập trận hải quân qui mô được Trung quốc biểu diễn ngay trên các khu vực quần đảo đang tranh chấp với Việt Nam. Trước kia, khi còn là một nước Cộng Sản, Nga là nước cung cấp trang bị quân sự cho CSVN không đòi tiền. Nhưng khi chế độ Cộng sản sụp đổ đầu thập niên 1990, hợp tác quân sự giữa Nga và Việt Nam dựa trên tinh thần mua bán thương mại. Dù vậy, từ 1998, một thỏa thuận liên chính phủ về hợp tác kỹ thuật quân sự đã được ký ở Hà Nội. Năm sau thì lập ủy ban liên chính phủ về hợp tác kỹ thuật quân sự. Khi Nguyễn Minh Triết đến Nga hồi Tháng 10/2008, hai nước ký một bản ghi nhớ về hợp tác kỹ thuật quân sự chiến lược giai đoạn cho đến năm 2020.
|