Home Tin Tức Thời Sự Nhật-Trung lại bất đồng về hải đảo

Nhật-Trung lại bất đồng về hải đảo PDF Print E-mail
Tác Giả: Saigon Echo sưu tầm   
Thứ Sáu, 19 Tháng 3 Năm 2010 07:00

Một điều thú vị là hòn đảo này cũng mang số hiệu bưu điện của Tokyo

 
 

Các vùng biển ở khu vực được cho là
     giàu tài nguyên khoáng sản.

Xung đột lại nảy sinh giữa Nhật Bản và Trung Quốc quanh chủ quyền đối với hòn đảo Okinotorishima trong Thái Bình Dương.

Nhật Bản gọi là đảo, nhưng Trung Quốc thì coi đây chỉ là bãi đá ngầm.

Đã nhiều thập niên nay, từ năm 1931, Nhật Bản chiếm đóng hòn đảo nhỏ từng được gọi tên là Parece Vela. Gần đây, Quốc hội Nhật Bản thông qua kế hoạch xây cảnh biển tại Okinotorishima, nằm cách thủ đô Tokyo tới 1.700 cây số về phía nam.

Một điều thú vị là hòn đảo này cũng mang số hiệu bưu điện của Tokyo.

Nhật Bản còn lên kế hoạch thám hiểm đáy biển để tìm khoáng sản, đồng thời khai thác nguồn cá trong khu vực đặc quyền kinh tế (EEZ) 200 hải lý, trong có đảo Okinotorishima. Tuy đảo này nằm giữa Đài Loan mà Trung Quốc gọi là một tỉnh của mình, và Guam, Bắc Kinh chưa bao giờ tìm cách tranh chấp chủ quyền với Nhật ở nơi đây.

Thế nhưng Trung Quốc cực lực phản đối tuyên bố chủ quyền của Nhật trong khu vực biển rộng 400.000 km vuông quanh đó.

Bắc Kinh lập luận là theo Hiến chương LHQ về luật biển, EEZ cần có các đảo với cộng đồng dân cư và hoạt động kinh tế.

Về phần mình, Nhật Bản khẳng định Okinotorishima là hải đảo và "không hiểu tại sao bây giờ Trung Quốc lại mang chuyện này ra bàn cãi".

Ông Yasuhiro Okanishi, một quan chức trong Ban thư ký Chính sách Biển của Nhật Bản, nói: "Khi nước rút, Okinotorishima có diện tích 4,5 km chiều dài và 1,8 km chiều rộng. Bờ biển dài tới 10km. Do vậy đây là một đảo lớn."

Nhật Bản cũng nói bản thân Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền trong các vùng EEZ chỉ toàn bãi đá cạn, thậm chí chỉ có bãi san hô, tại Biển Đông.Tokyo nói rằng nhiều cái mà Trung Quốc gọi là đảo thậm chí còn không ló lên trên mặt nước biển.
Không chỉ vì nguồn tài nguyên

Vùng biển xung quanh Okinotorishima có trữ lượng khoáng sản lớn, bao gồm mangan, cobalt và lithium, được xác định là có giá trị hàng chục tỷ đôla.

Thế nhưng, tranh cãi về việc liệu đây là đảo hay chỉ là bãi đá mang tính chiến lược nhiều hơn là về nguồn lợi khoáng sản và hải sản.

Giáo sư Kazuhiko Togo, chuyên gia chính sách đối ngoại tại Đại học Kyoto Sangyo, giải thích: "Nếu Okinotorishima được định nghĩa chỉ là bãi đá thì Nhật Bản sẽ không thể coi đây là vùng EEZ của mình và như vậy khu vực này có thể bị một số nước khác, trong có Trung Quốc, nhảy vào tranh chấp."

Bắc Kinh quan tâm tới nơi đây vì một lý do khác nữa. Đó là việc Okinotorishima nằm giữa Đài Loan và quần đảo Guam của Hoa Kỳ, nơi có một căn cứ quân sự khổng lồ.

Tuyên bố chủ quyền của Nhật do đó dường như chắn ngang con đường của Trung Quốc mở ra Thái Bình Dương, ngăn cản cạnh tranh hàng hải và hải quân Trung-Mỹ.

Trung Quốc chưa có tiếp cận thẳng ra Thái Bình Dương vì bị chắn bởi nhiều hải đảo. Chính quyền Bắc Kinh từng hy vọng sau khi thôn tính Đài Loan, cánh cửa sẽ được mở ra đại dương lớn này.

Tuy nhiên, với tranh cãi Okinotorishima và tuyên bố chủ quyền vùng EEZ của Nhật Bản, xem ra lại có chướng ngại vật mới.

Bắc Kinh luôn yêu cầu tàu bè nước ngoài muốn đi qua EEZ của mình phải xin phép và sợ rằng Nhật Bản có thể làm như vậy.

Ông Matsushiro Horiguchi, giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Waseda, nói: "Trung Quốc cho rằng nếu Nhật tuyên bố chủ quyền khu vực EEZ xung quanh Okinotorishima thì các hoạt động hải quân và tàu ngầm của Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng."