Nhà lãnh đạo tôn giáo nói về Cha Lý và tự do |
Tác Giả: Trân Văn, phóng viên RFA | ||||||
Thứ Ba, 16 Tháng 3 Năm 2010 06:56 | ||||||
LM Nguyễn Văn Lý được tạm tha: Vui nhưng không hài lòng Trước thông tin về việc Linh mục Nguyễn Văn Lý được trả tự do vào ngày 15/03/2010, dư luận thuộc những tôn giáo khác nhau đều vui mừng nhưng không ai được hài lòng.
Việc chính quyền Việt Nam quyết định tạm hoãn thi hành hình phạt tù đối với linh mục Nguyễn Văn Lý để ông chữa bệnh và chiều 15 tháng 3, Công an Việt Nam đã đưa ông về Toà Tổng Giám mục Huế đang là sự kiện đáng chú ý nhất. Tín đồ cũng như chức sắc các tôn giáo ở trong và ngoài Việt Nam nghĩ gì về sự kiện này. Ban Việt ngữ của Đài Á châu Tự do đã phỏng vấn một số chức sắc của Công giáo, Tin lành, Hòa Hảo, Cao Đài và Phật giáo. LM Nguyễn Văn Khải: Bây giờ mà cha Lý có mệnh hệ gì ở trong tù, giáo dân, tu sĩ, linh mục vùng lên thì cũng gay cho nhà nước. Cuối tháng 3 năm 2007, linh mục Nguyễn Văn Lý bị Toà án tỉnh Thừa Thiên - Huế phạt 8 năm tù và 5 năm quản chế vì “tuyên truyền chống nhà nước XHCN Việt Nam”. Bản án này đã bị cả dư luận trong nước lẫn cộng đồng quốc tế chỉ trích kịch liệt. Tuy chỉ là tạm tha nhưng vẫn có thể xem đây là lần thứ tư chính quyền Việt Nam phải nhượng bộ, thả linh mục Nguyễn Văn Lý ra khỏi trại giam, trước khi ông thi hành đủ mức hình phạt mà Toà án Việt Nam đã tuyên. Tháng 9 năm 1977, linh mục Nguyễn Văn Lý từng bị kết án 20 năm tù vì “chống phá cách mạng” nhưng ba tháng sau ông đã được trả tự do. Tháng 5 năm 1983, linh mục tiếp tục bị kết án 10 năm tù vì “gây rối trật tự” nhưng 9 năm sau (tháng 7 năm 1992), chính quyền buộc phải thả ông trước thời hạn. Lần thứ ba, vào tháng 10 năm 2001, linh mục bị kết án 15 năm tù vì hai tội “phá hoại chính sách đoàn kết” và “không chấp hành quyết định quản chế hành chính”, tuy nhiên hơn ba năm sau (tháng 2 năm 2005), chính quyền Việt Nam tiếp tục phải tha linh mục Nguyễn Văn Lý. Chính quyền cho rằng, linh mục đã “biết lỗi” và “hối hận”.
Hai năm sau, chính quyền Việt Nam tiếp tục phải cầm giữ linh mục Nguyễn Văn Lý bằng bản án thứ tư với hình phạt là 8 năm tù. Chức sắc và tín đồ các tôn giáo ở trong lẫn ngoài Việt Nam đón nhận tin, linh mục Nguyễn Văn Lý mới được Công an Việt Nam đưa về Toà Tổng Giám mục Huế thế nào? Linh mục Nguyễn Văn Khải, ở tu viện Thái Hà của Dòng Chúa Cứu Thế, tại Hà Nội, cho biết cảm nghĩ của ông: Tôi rất vui mừng vì đấy là một người anh em của chúng tôi, một chiến sĩ đấu tranh không mệt mỏi cho dân chủ, cho công lý và sự thật ở đất nước này. Trân Văn: Thưa linh mục, có thể xem sự kiện như một tín hiệu gì đó không? Linh mục Nguyễn Văn Khải: Tôi nghĩ rằng, thứ nhất có lẽ vì cha Nguyễn Văn Lý sức khoẻ yếu. Nhà nước sợ rằng giữ ngài trong đấy mà ngài bệnh nặng hay ngài chết trong tù thì khó xử cho nhà nước, nên nhà nước phải trả tự do cho ngài thôi. Vả lại bản chất thì ngài là người tốt. Hoạt động của ngài là tốt cho dân, cho nước. Giam ngài mãi thì cũng không được. Giam một người tốt như vậy cũng bị dư luận quốc tế lên án. Cho nên họ cũng phải thả thôi. Tôi nghĩ rằng áp lực của dư luận quốc tế chỉ là một phần. Phần quan trọng hơn tôi nghĩ là do sức khoẻ của cha Lý suy sụp nghiêm trọng và áp lực của các phong trào đấu tranh cho dân chủ ở trong nước, ít nhiều cũng tác động đến và họ cũng rất ngại. Bây giờ mà cha Lý có mệnh hệ gì ở trong tù, giáo dân, tu sĩ, linh mục vùng lên thì cũng gay cho nhà nước. Trên thực tế của Việt Nam hiện nay, chúng ta cũng hiểu rằng, nhà tù là một nơi giam giữ nhỏ. Cả đất nước Việt Nam hiện nay là một ngục tù lớn.-- Thượng tọa Thích Viên Lý Mục sư Nguyễn Công Chính, Chủ tịch Hiệp hội Thông công Tin Lành Đấng Christ các dân tộc Việt Nam, hiện đang ở Gia Lai, cũng có những suy nghĩ tương tự: Trước tiên thì tôi dâng lời tạ ơn Chúa. Bản thân tôi cũng như giáo hội của chúng tôi rất là vui mừng. Chính quyền Cộng sản bắt buộc phải thả thôi vì linh mục Lý bị bại liệt nửa người và có thể nguy hiểm tính mạng. Cho nên họ tính đường thả. Tôi nghĩ rằng người ta cũng có những tính toán. Việc thả linh mục Lý là một bất ngờ với tôi. Thứ hai nữa là nó cũng nằm trong sự tính toán của chính quyền Cộng sản đối với công luận bên ngoài. Có thể xem việc tạm tha linh mục Nguyễn Văn Lý như một bằng chứng về sự khoan hồng và nhân đạo mà chính quyền vẫn đề cập? Ông Lê Minh Triết, Tu sĩ Phật giáo Hoà Hảo ở An Giang không tin như thế. Ông nêu cảm nghĩ và nhận xét về thắc mắc này: Khi nghe tin linh mục Nguyễn Văn Lý được thả sớm, tôi rất mừng và cũng rất hân hoan về sức đấu tranh của linh mục Nguyễn Văn Lý. Tôi nghĩ rằng việc linh mục Nguyễn Văn Lý được thả trước thời hạn là do sức đấu tranh của đồng bào Việt Nam trong nước và hải ngoại, tìm đủ mọi cách để gây sức ép. Bây giờ chính quyền Việt Nam cảm thấy sức ép đó đè nặng lên họ, cho nên họ thả.
Trân Văn: Theo ông, đó có phải là sự khoan hồng và nhân đạo? Ông Lê Minh Triết: Riêng bản thân tôi và nhiều người mà tôi quen biết thì đối với nhà nước này, họ có nói từ nhân đạo thì đó cũng chỉ là một cái lối để người ta nói nghĩa, nói nhân đối với những người mà người ta tha thôi. Thật ra đối với nhà nước, với chính quyền này thì tôi thấy rằng, về vấn đề tôn giao thì nhất định họ không có một chút xíu nhân đạo nào hết. Trước tin linh mục Nguyễn Văn Lý được tạm tha, ông Nguyễn Quốc Son, một tín đồ Cao Đài, ở Định Quán, Đồng Nai, chỉ cho biết hai ý rất ngắn: Nghe tất nhiên là mừng lắm. Để rồi sáng mai tôi báo lại cho huynh đệ chúng tôi hay tin này. Có chi nữa không? Báo cho chúng tôi mừng coi! Và cuối cùng, Thượng tọa Thích Viên Lý, Tổng Thư ký Văn phòng 2 của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất tại Hoa Kỳ, nêu nhận định của Thượng tọa về sự kiện linh mục Nguyễn Văn Lý được tạm tha: Đó là một điều vui mừng. Không riêng gì linh mục Nguyễn Văn Lý mà tất cả những ai bị bắt một cách trái phép, bất công được tự do thì điều trước hết là chúng ta vui mừng. Tuy nhiên, trên thực tế của Việt Nam hiện nay, chúng ta cũng hiểu rằng, nhà tù là một nơi giam giữ nhỏ. Cả đất nước Việt Nam hiện nay là một ngục tù lớn. Vấn đề ở đây là khi một công dân Việt Nam đã có tiếng nói phản kháng lại chế độ độc tài, bất công, bị bắt nhốt một cách phi pháp và đươc trả tự do, liệu hai chữ tự do mà nhà nước họ gán cho bất cứ ai, họ nói rằng đã được trả tự do thì có thật sự tự do không? hay là vẫn tiếp tục bị giám sát, bị quản thúc, bị theo dõi, bị khủng bố, bị đe dọa? Thành thử ra ở đây, có lẽ chúng ta không chờ để tìm một câu trả lời thích đáng. Lý do là bởi vì trong quá khứ, chúng ta đã từng chứng kiến những sự kiện xảy ra như cơm bữa. Thành thử ra ở một đất nước mà không có tự do, không có dân chủ, không có nhân quyền thì tất nhiên là dù ở trong tù hay ở ngoài tù, chúng ta vẫn không có được sự an lạc. Theo dòng thời sự:RFA * LM Nguyễn Văn Lý trả lời phỏng vấn RFA sau khi được trả tự do
|