Home Tin Tức Thời Sự Thành lập đại học Anh-Việt

Thành lập đại học Anh-Việt PDF Print E-mail
Tác Giả: BBC   
Thứ Năm, 11 Tháng 3 Năm 2010 09:34

Phó TT CSVN. Nguyễn Thiện Nhân vừa kết thúc chuyến thăm Anh quốc vào hôm thứ Năm 11/03,

 trong đó hai bên ký kết tuyên bố chung về thành lập đại học công lập đẳng cấp quốc tế tại Việt Nam.

 Hai ông Nguyễn Thiện Nhân và Peter Mandelson trong lễ ký tuyên bố chung.

Tuyên bố chung do ông Nhân và Bộ trưởng Thứ nhất Bộ Kinh Doanh, Sáng Tạo và Kỹ Năng Anh, Lord Peter Mandelson, ký trong khuôn khổ chuyến thăm tại London.

Đại học Đà Nẵng được chọn để nâng cấp lên đại học đẳng cấp quốc tế.

Ông phó thủ tướng khẳng định Anh quốc là đối tác quan trọng của Chính phủ Việt Nam trong lĩnh vực giáo dục, nhất là để tăng chất lượng của các trường đại học.

Ngược lại, bộ trưởng Anh cũng nhấn mạnh cam kết hỗ trợ chính sách quốc tế hóa lĩnh vực đào tạo bậc đại học của Việt Nam.

Đài BBC đã hỏi chuyện ông Robin Rickard, Giám đốc Hội đồng Anh ở Việt Nam, về hợp tác giáo dục trong chuyến đi của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân.

Ông Robin Rickard: Anh quốc và Việt Nam có một loạt các quan tâm chung trong lĩnh vực giáo dục, thí dụ tiếng Anh, dạy nghề, trao đổi giữa các trường học... nhưng trọng tâm chính trong chuyến đi của ông phó thủ tướng là giáo dục đại học.

Hiện nay 30 trường đại học Anh và Việt đã có các chương trình trao đổi kết hợp.

Ngoài ra, trong chuyến đi này Việt Nam và Anh cũng thống nhất thiết lập trường đại học đẳng cấp quốc tế Anh Việt, nơi Anh quốc sẽ chuyển kinh nghiệm dạy học, truyền thống, nghiên cứu vv.. cho Việt Nam trong khuôn khổ nỗ lực quốc tế hóa đào tạo đại học của Việt Nam.

BBC: Ngoài trường đại học Anh Việt nói trên, còn có các trường đại học khác bày tỏ quan tâm tới thị trường Việt Nam chứ, thưa ông?

Ông Robin Rickard: Tôi nghĩ tiềm năng ở đây rất lớn và nhiều trường đại học khác rất quan tâm tới đầu tư vào Việt Nam. Chúng ta đã có Trường đại học Anh quốc (British University) ở Việt Nam, sẽ bắt đầu dạy từ tháng Năm tới.

Tôi cũng muốn nói tới con số lớn các sinh viên Việt Nam sang học bên Anh, chứng tỏ có sự quan tâm đặc biệt của người Việt tới nền giáo dục Anh quốc.

BBC: Thưa ông, học tập ở Anh chắc chắn là cần nguồn tài chính lớn. Làm cách nào để giảm chi phí cho sinh viên?

Ông Robin Rickard: Học tập ở trong nước tất nhiên là rẻ hơn ở nước ngoài. Vì vậy, Chính phủ Việt Nam đang muốn thiết lập hệ thống trường đẳng cấp quốc tế ở trong nước, có trợ giá của Nhà nước.

Song chúng ta cũng không nên quên vấn đề chất lượng.

Nhiều người nói với tôi học ở một số nước khác rẻ hơn học ở Anh, nhưng họ vẫn học ở Anh, vì chất lượng và vì phương thức giảng dạy. Nếu chúng ta mang được chất lượng đó về Việt Nam, thì lại còn giảm phí tổn hơn nữa.

Và đó không chỉ là dạy học không, mà còn là chuyển tải văn hóa, cách sống vv.. vì các trường đại học Anh quốc ở Việt Nam sẽ giống hệt các trường bên Anh về cả chương trình học, sắp xếp hệ thống và hệ thống ngoại khóa.

BBC: Sau khi đoàn của ông Nguyễn Thiện Nhân về, ông còn ở lại Anh thêm một thời gian nữa. Có hoạt động gì vậy, thưa ông?

Ông Robin Rickard: Cuối tháng Ba ở London có một hội thảo quốc tế lớn về giáo dục và 800 đại biểu từ các nước sẽ có mặt để trao đổi kinh nghiệm. Đoàn Việt Nam bao gồm 15 lãnh đạo các trường đại học lớn sẽ tham gia cuộc hội thảo này. Tôi hy vọng họ sẽ thu lượm được nhiều thông tin quý báu cho công tác của mình.

Ngoài ra, chúng tôi cũng muốn kêu gọi thêm các công ty Anh quốc giúp cho các chương trình giáo dục ở Việt Nam.

BBC: Trước Việt Nam, ông đã từng làm việc ở Trung Quốc. Ông có thấy sự giống nhau hay khác biệt gì hay không trong giáo dục?

Ông Robin Rickard: Khác nhau chủ yếu là về mức độ, còn về nội dung và mong muốn thì tôi nghĩ là khá giống nhau. Thanh niên Trung Quốc và Việt Nam giống nhau trong các khát vọng về học tập, việc làm.

Tất nhiên Trung Quốc là thị trường khổng lồ, nên nhiều trường học kể cả trường tư thục muốn đầu tư vào Trung Quốc. Tuy nhiên tôi nghĩ các bậc cha mẹ Việt Nam luôn muốn giáo dục tốt nhất cho con mình và với nhu cầu ngày càng lớn, sẽ càng nhiều trường học Anh quốc đầu tư vào Việt Nam.