Home Tin Tức Thời Sự Phòng phiếu ở Iraq bị đánh bom

Phòng phiếu ở Iraq bị đánh bom PDF Print E-mail
Tác Giả: BBC   
Thứ Năm, 04 Tháng 3 Năm 2010 17:24

Ít nhất 14 người bị giết chết ở Baghdad trong ngày bỏ phiếu đầu tiên của cuộc bầu cử quốc hội Iraq.

Những người đánh bom tự sát đã tấn công vào hai phòng phiếu ở hai khu vực khác nhau ở thành phố, làm chết ít nhất 7 người và làm bị thương nhiều người khác.

Trước đó một vụ pháo kích vào khu chợ đông người làm chết 7 người và bị thương thêm ít nhất 10 người khác.

Bầu cử là phép thử an ninh cho Iraq trong bối cảnh Hoa Kỳ chuẩn bị giảm quân trong các tháng tới.

Cuộc bầu cử sớm dành cho hàng trăm ngàn nhân viên chính phủ, người bệnh và tù nhân.

An ninh

Vụ đánh bom tự sát đầu tiên vào điểm bỏ phiếu ở quận Mansur của Baghdad. Ba binh sĩ bị chết và 15 bị thương.

Sau đó chưa đầy một giờ đồng hồ có thêm một người đánh bom tự sát ở trung tâm Baghdad, giết chết ít nhất 4 người và bị thương 10 người.

Có các tin tức trái ngược nhau về vụ t ấn công đầu ngày ở mạn tây bắc Baghdad.

Hãng tin Pháp AFP nói pháo kích bắn vào một điểm bầu cử, nhưng trúng vào khu chợ đông người.

Bảy người trong đó có bốn trẻ em bị chết và 23 bị thương.

Các tin khác nói vụ nổ do một khối mìn gài trên đường hoặc rocket bắn gần ngôi trường được lên kế hoạch dùng làm điểm bầu cử vào thứ Bảy này.

Hôm thứ Tư, ba vụ đánh bom tự sát nhắm vào cảnh sát và một bệnh viện ở Baquba, giết chết ít nhất 30 người.

Thách thức

Bệnh nhân được bỏ phiếu sớm

Phe nổi dậy dọa sẽ làm ngưng trệ cuộc bầu cử, được coi là phép thử quan trọng cho nỗ lực của Iraq muốn có quyền tự chủ và vượt qua chia rẽ sắc tộc.

"Khủng bố muốn ngăn chặn bầu cử, cho nên họ bắt đầu nổ bom tự sát trên đường phố," thứ trưởng bộ nội vụ Ayden KHalid Qader nói.

Đa số dân chúng đi bỏ phiếu vào Chủ Nhật.

Hơn 6.000 ứng viên đang tranh cử cho 325 ghế trong quốc hội.

Liên minh do đương kim Thủ tướng Nouri Maliki lãnh đạo nhận công đã làm giảm bạo lực rất nhiều giữa hai phe vũ trang Shia và Sunni.

Ông Maliki chịu thách thức từ nhiều nhóm, bao gồm một liên minh Shia có giáo sĩ cực đoan Muqtada al-Sadr và liên minh giữa các giáo phái thế tục của cựu thủ tướng Iyad Allawi.

Việc đi lại ở Iraq được giới hạn và giới chức không cho phép các lực lượng an ninh nghỉ phép.

Trong ngày bầu cử, hơn 200.000 nhân viên an ninh làm nhiệm vụ trên đường phố Baghdad.

Hoa Kỳ lên kế hoạch giảm sự hiện diện quân sự đi một nửa trong các tháng tới và rút hoàn toàn khỏi Iraq vào năm 2011