Home Tin Tức Thời Sự Luật Biểu tình vẫn đang ‘vấp’

Luật Biểu tình vẫn đang ‘vấp’ PDF Print E-mail
Tác Giả: BBC   
Thứ Sáu, 26 Tháng 2 Năm 2010 22:47

Bốn năm trôi qua nhưng luật trưng cầu dân ý vẫn đang còn 'vướng' nhiều điểm.

Trong cuộc trả lời báo chí thời gian gần đây, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam, ông Phạm Quốc Anh cho hay luật trưng cầu dân ý vẫn đang được “nghiên cứu để hoàn thiện.”

Luật biểu tình, ông Anh cho phóng viên mạng VietnamNet hay trong cuộc phỏng vấn, là “Quốc hội đã giao cho Bộ Công an soạn thảo, nhưng cũng đang vấp.”

Nhiều nước coi tự do hội họp, biểu tình là một trong các quyền cơ bản của người dân.

Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam giải thích về một số khó khăn trong quá trình soạn thảo luật biểu tình.

“Ta chưa có luật nhưng hiện vẫn có những biến tướng không chính thức, có những cuộc người kéo đến rất đông.”

Dù luật biểu tình được nói đến có tác động thúc đẩy dân chủ, ông Phạm Quốc Anh muốn bộ luật tăng thêm kiểm soát xã hội.

“Dân chủ trong kỷ cương chứ không phải tự do muốn nói gì thì nói, muốn làm gì thì làm…Luật phải phù hợp với đặc điểm của Việt Nam.”

Luật sư Trần Lâm, nguyên Thẩm phán Tòa Án Nhân dân Tối cao nói, ông không biết đến bao giờ hai bộ luật này mới xong. Nói chuyện với BBC Việt Ngữ ngày 24/2, ông Lâm cho hay, ông không chờ mong.

“Các việc đó mình phải hiểu như thế này, có một số người muốn mở rộng dân chủ, một số người không muốn, thì nó cứ lùng nhùng như thế thôi. Cái biểu tình người ta có mấy trăm năm rồi có gì mới đâu.

“Hay là cái trưng cầu dân ý, sau khi làm hiến pháp xong thì trưng cho toàn dân, đâu mà chẳng có. Bây giờ ở đây nghe như thế thì cũng chưa nên hy vọng sẽ có cái gì đó.”

Trưng cầu cũng 'vướng'

Cách đây bốn năm Việt Nam bắt tay vào soạn luật trưng cầu dân ý. Bản dự thảo đầu của bộ luật mang tính mở rộng dân chủ cho người dân nghe nói hoàn tất vào ngày 25/2/2006.

Ông Phạm Quốc Anh nói đến sự khác biệt trong quan điểm của một số cơ quan nhà nước là nguyên nhân làm cho luật trưng cầu dân ý chậm lại.

“Trong một năm dự thảo, cơ bản luật đã hoàn thành, đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhưng còn nhiều ý kiến khác nhau, đặc biệt trong điều kiện hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam, cái gì nên trưng cầu, cái gì không.”

Và ông nói thêm chắc chắn bộ luật mang tính nhạy cảm cao này sẽ cần nhiều thời gian để giới chức “tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện, nhằm đưa ra những biện pháp khả thi.”

Ông Anh tỏ ý lo ngại về “ổn định xã hội” một khi Việt Nam có bộ luật trưng cầu dân ý.

“Trưng cầu dân ý phát huy dân chủ nhưng phải giữ được ổn định xã hội, không để phần tử xấu lợi dụng để xuyên tạc bản chất dân chủ của nhà nước.”

Luật sư Trần Lâm, trong khi đó, nhấn mạnh đến tính khó xử của chính quyền khi ban hành hai bộ luật này.

“Thế giới người ta làm như là chuyện hàng ngày thì việc gì phải bàn soạn nhiều như thế. Thí dụ có cái luật không có nước nào làm cả mà bây giờ mình làm thì mới phải bàn soạn, mới phải thế này thế nọ.”

Giữa lời nói của nhà nước là đảm bảo quyền tự do cá nhân với việc luật hóa để bảo vệ thứ quyền này, theo luật sư Trần Lâm, là một khoảng cách khó vượt qua.

“Thực chất đây là chế độ toàn trị. Kiểu cai trị này bị thế giới phương Tây người ta phản ứng.

“Họ cũng bị phong trào tiến bộ trong nhân dân gây sức ép. Nhiều người không đồng ý với lối cai trị như vậy.

“Trước hai cái phản đối ấy, nếu theo phương Tây và theo những người tiến bộ ở trong nước mà hướng tới dân chủ thì họ sợ chuyện trong nước rơi vào cảnh ‘dấy âm binh’.

“Tức là gián tiếp cổ động cho chuyện chuyển hóa hòa bình. Thế thì chẳng khác mang vạ vào thây.

“Cho nên mọi thứ cứ lôi thôi như thế đấy.”