Home Tin Tức Thời Sự Một laptop cho mỗi trẻ em

Một laptop cho mỗi trẻ em PDF Print E-mail
Tác Giả: VOA   
Thứ Ba, 23 Tháng 2 Năm 2010 07:34

 Cách đây 6 năm, ý tưởng thiết kế và chế tạo một chiếc máy tính xách tay thô sơ chỉ tốn 100 đôla sẽ bị nhiều người giễu cợt.

Tại Hoa Kỳ, máy vi tính cá nhân là điều quan trọng để người Mỹ có thể điều khiển công việc, tìm tòi nghiên cứu, thông tin với nhau cũng như tự học hỏi và giáo dục con cái. Tuy vậy, phần đông các nước đang phát triển vẫn bị tụt hậu trong việc tiếp cận với máy vi tính và những điều máy vi tính có thể đem lại. Một tổ chức bất vụ lợi có tên là “Một laptop dành cho mỗi em”, trụ sở tại Cambridge, bang Massachusetts, đang tìm cách thay đổi điều này bằng việc cung cấp một loại máy laptop thô sơ, hợp túi tiền, có thể nối với Internet, cho mỗi trẻ em trên thế giới. Thông tín viên Adam Phillips của VOA có thêm chi tiết.

 
        Tổ chức “Một laptop dành cho mỗi em" được thành lập 4 năm trước tại Hoa Kỳ.

Văn phòng của nhóm “Một laptop cho mỗi em” trông giống như một phòng giải trí của một nhóm người lớn ham mê các trò chơi điện tử trên mạng hơn là của một nhóm bất vụ lợi có kỳ vọng cứu vớt thế giới. Những laptop màu xanh lục ngổn ngang trong giai đoạn tháo gỡ và nâng cấp khác nhau, và văn phòng còn được trang hoàng với những sơ đồ kỹ thuật và phân phối, có vẻ như từ bàn tay tổ chức của một đội ngũ nhân viên trẻ nhiều nhiệt tâm. Tuy nhiên, ước mơ của người sáng lập tổ chức, ông Nicholas Negroponte muốn đưa laptop đến cho tất cả trẻ em trên thế giới, nhất là phân nửa tỉ các em đang sống trong điều kiện cực kỳ nghèo khó, phải là một cao vọng thật lớn.

Ông Negroponte nói: "Cho nên điều chúng tôi làm là sáng chế ra một kỹ thuật hạ giá để những laptop đó có thể tới tay các em, và các em có thể đem máy về nhà mình, nghe nhạc, chơi các trò chơi, xem phim, đọc sách và học tập bất kỳ lúc nào."

Cách đây 6 năm, ý tưởng thiết kế và chế tạo một chiếc máy tính xách tay thô sơ chỉ tốn 100 đôla sẽ bị nhiều người giễu cợt.

Ông nói: “Nhưng sự thật nó đã tới tay 1,2 triệu em, thuộc 31 nước sử dụng 19 ngôn ngữ, và tại một quốc gia là Uruguay, mỗi trẻ em đã có được một máy tính.”

Chắc chắn cho các em sử dụng máy vi tính là điều tốt. Nhưng mua hàng chục triệu chiếc laptop mà nhiều nước cần đến có thể tốn nhiều tiền, cho dù với giá 160 đôla mỗi chiếc như hiện nay. Những người chỉ trích đường lối của ông Negroponte nói rằng có những cách ít tốn kém và hiệu quả hơn để đưa kỹ năng vi tính tới cho trẻ em trên thế giới, hơn là phải thật sự đặt một chiếc laptop vào tay chúng.

Ông Steven Dukker, một người đi tiên phong trong công nghệ máy tính giá hạ, là người sáng lập ra công ty NComputing. Công ty này chế tạo những phần mềm và phần cứng để một chiếc máy vi tính giá 300 đô có thể chạy những chương trình ứng dụng cho hàng chục học sinh cùng một lúc. Hệ thống Ncomputing hiện đang được sử dụng tại 40 ngàn trang mạng thuộc 100 nước, kể cả Hoa Kỳ. Ông Steven Dukker nói rằng, các em chỉ cần có một bàn phím và một màn hình là có thể kết nối với mạng lưới Ncomputing.

Ông Dukker nói: “Sử dụng hệ thống này người ta có cảm tưởng là đang dùng máy tính riêng của họ, và không cảm thấy sự khác biệt mà cũng không cảm thấy là đang dùng chung một nguồn lực với những người khác với giá phí hạ hơn nhiều.”

Ông Dukker nói thêm rằng giá phí hỗ trợ kỹ thuật và bảo trì của hệ thống Ncomputing cũng rẻ hơn, so với những laptop cá nhân.

Nhưng ông Negroponte vẫn giữ vững chủ trương “mỗi laptop cho mỗi em”, ông nói rằng khi một đứa trẻ có riêng một máy, nó sẽ có được một nối kết riêng với công nghệ và việc sử dụng công nghệ đó, điều mà một bàn phím sử dụng máy tính chung không cung ứng được.

Ông Negroponte nói: "Con em chúng ta đem chiếc laptop về và cùng ngủ với nó, như là một phần con người nó. Đó là một điều rất khác biệt.”

Ông Mathew Keller, giám đốc cổ vũ toàn cầu của tổ chức “Mỗi laptop cho mỗi em” nói rằng, lý do chính của trẻ em khi ham thích laptop như vậy là chúng nhanh chóng học cách nạp những chương trình vào máy theo mục đích của mình. Chúng học tập qua những quá trình sai lầm rồi sửa đổi, cũng như lúc nhỏ chúng tập nói, tập chơi những trò chơi của chúng vậy.

Ông Keller kể về một lớp học tại Rwanda gồm các em gái 12 tuổi, nơi được Tổng thống nước này hạ lệnh mua 120 ngàn laptop cho các trẻ em. Chỉ trong vòng ít ngày sau khi nhận được, các cô bé nông thôn đó đã làm giỏi một trò chơi lập trình!

Ông Keller nói: “Tôi tự nghĩ nếu bây giờ mình có cả một thế hệ biết thiết kế phần mềm, có thể thiết kế mọi thứ bằng kỹ thuật và nối kết được với nhau, thì tại sao mình không có thể có một Silicon Valley ở giữa một chốn hẻo lánh nhất trên trái đất?”

Khó khăn chính có vẻ là có được ngân khoản và phân phối an toàn một số lớn máy vi tính tại các nước nghèo đang phải đối mặt với chiến tranh và nạn nghèo khó và những môi trường giáo dục nhiều thách đố.

Ông Keller nói tiếp: “Hãy lấy thí dụ Afghanistan. Chính phủ Afghanistan rất muốn áp dụng chương trình 'một laptop cho mỗi em' cho công dân của họ. Bộ Giáo dục nói rằng chương trình này sẽ chấm dứt tình trạng cô lập vì địa thế hiểm trở. Văn phòng Liên Hiệp Quốc tại Afghanistan nói đó là giải pháp cho việc học tập của các trẻ gái Afghanistan.”

Ông Negroponte, người sáng lập tổ chức "Một laptop cho mỗi em" còn tin rằng, máy vi tính sẽ giúp tất cả trẻ em trở thành các nhân viên cải tổ xã hội.

Ông nói: "Chúng tôi thấy tại Peru, 50% trẻ em tại các làng mạc hẻo lánh đang dạy cho cha mẹ chúng biết đọc biết viết. Điều đó gây được ảnh hưởng tốt là những rắc rối trong vấn đề kỷ luật học đường giảm bớt, cha mẹ tham gia nhiều vào việc dạy dỗ con cái nhiều hơn và các trẻ em thích cắp sách đến trường hơn. Ảnh hưởng này thật sự khiến người ta cảm thấy phấn khởi."

Rõ ràng là nhiều yếu tố khác nhau, như các lực thị trường, các đột phá công nghệ, các hệ thống thông tin địa phương và quan trọng hơn hết là ý chí về chính trị, cần phải có trước khi các trẻ em có thể có đươc công cụ chúng cần và góp phần vào thế giới nối kết chặt chẽ của chúng ta. Tuy nhiên, chương trình “Một laptop cho mỗi em” đang hết sức cố gắng trong khả năng của nó để giúp được đến đâu hay đến đấy.

Lời bàn của Bạch Phượng:

Lap top kể ra cũng đắt tiền
Bố còn chửa có nữa là con
Nếu không sắm nó lắm lúc phiền
Nhưng mà mua nó nhiều khi điên.