Home Tin Tức Thời Sự Năm hết Tết đến tính sổ kiều hối với CSVN

Năm hết Tết đến tính sổ kiều hối với CSVN PDF Print E-mail
Tác Giả: Trần Việt Trình   
Thứ Tư, 17 Tháng 2 Năm 2010 21:50

Năm Dương lịch 2009 vừa mới đi qua, Tết Âm lịch sắp đến, chúng ta hãy xem xét lại yếu tố kiều hối đã tuồn về Việt Nam trong những năm qua.

Chữ “kiều hối” ở trong nước được dùng phổ biến và được hiểu là tiền từ nước ngoài gửi về cho người trong nước, thông thường là tiền của Việt kiều gởi về cho thân

 
nhân. Những năm sau này kiều hối được bơm về nước còn do lực lượng xuất cảng lao động, hoặc gửi về hoặc mang theo khi về thăm nhà.

Lượng kiều hối chuyển về VN hàng năm tăng liên tục và tăng rõ rệt trong 10 năm qua. Năm 2000 được 1 tỷ USD, năm 2001 tăng lên 1.5 tỷ USD, năm 2002 lên hơn 2 tỷ USD, năm 2003 2.6 tỷ USD, năm 2004 3.8 tỷ USD, năm 2005 lên gần 4 tỷ USD, năm 2006 nhảy vọt lên 5.2 tỷ USD, năm 2007 lên trên 6 tỷ USD và năm 2008 đạt kỷ lục 7.2 tỷ USD.

Đó mới chỉ là lượng tiền chuyển về qua các cơ quan chính thức như ngân hàng hay các tổ chức chuyển tiền đúc kết được. Trên thực tế, con số thực lượng tiền gửi còn lớn hơn nhiều vì không ít người Việt ở nước ngoài chuyển tiền về VN qua các con đường không chính thức.

Nhưng năm 2009 là năm khó khăn chung cho thế giới và cho chính quyền CSVN. Khủng hoảng kinh tế ở Mỹ và toàn cầu đã làm tác động đến nguồn ngoại tệ gửi về nước. Tình hình đưa người dân đi làm nô lệ ở nước ngoài mà VC gọi từ hoa mỹ là “xuất khẩu lao động” cũng gặp nhiều khó khăn trong năm qua. Theo Ngân hàng nhà nước của VC, tính đến ngày cuối tháng 12 năm 2009 lượng kiều hối chuyển về VN chỉ được 6.283 tỉ USD, giảm 12,8% so với năm 2008. Còn đối với thành phố HCM thì ông Nguyễn Hoàng Minh, phó thống đốc phía Nam của Ngân hàng Nhà nước cho biết kiều hối gởi qua các ngân hàng và đại lý chuyển tiền ở thành phố này chỉ vào khoảng 3.2 tỉ USD trong năm qua, giảm 20% so với năm trước.

Nhìn lại 19 năm qua, từ khi những đồng tiền đầu tiên của kiều bào được gửi về VN qua đường chính thức kể từ năm 1991, đến nay con số này đã vượt quá 30 tỷ USD chiếm hơn 70% số vốn Đầu Tư Trực Tiếp Nước Ngoài (FDI - Foreign Direct Investment) tính từ năm 1988 và cao gấp rưỡi nguồn vốn Viện Trợ Phát Triển Kinh Tế (ODA - Official Development Assistance) được giải ngân từ năm 1993.

Những con số này mang một ý nghĩa rất lớn. Hàng tỷ đô la được chuyển vào VN hàng năm mà nhà cầm quyền CSVN hầu như chẳng tốn một đồng nào. Điều này khác hẳn với hoạt động xuất cảng được xem là nguồn thu ngoại tệ lớn cho quốc gia. Thống kê của Bộ Kế họach và Ðầu tư của CSVN cho hay kim ngạch xuất cảng cả nước trong năm 2009 đạt gần 57 tỷ Mỹ kim, nhưng để thu được khoản ngoại tệ này, VN tốn biết bao nhiêu là công sức và chi phí. Nếu loại bỏ những chi phí này, liệu ngành xuất cảng của VN thu được bao nhiêu lợi nhuận từ con số 57 tỷ Mỹ kim đó?

Nhận thức được giá trị của kiều hối, Đại Sứ Quán CSVN tại Mỹ đã không ngần ngại xác nhận: “Kiều hối là một nguồn lực quý giá theo nhiều nghĩa, là một kênh mang lại ngoại tệ mạnh cho đất nước mà không một kênh nào có thể sánh nổi về hiệu quả. Bởi vì ngoại tệ thu được từ xuất khẩu tuy rất quý nhưng xuất khẩu thì phải mất chi phí để sản xuất hàng, chi phí vận chuyển mang ra nước ngoài, lại còn phải chịu thuế nhập khẩu, chịu hạn ngạch, chịu kiện bán phá giá, chi phí tiếp thị, quảng cáo …” [*]

Đại Sứ Quán ngớ ngẩn ‘thành thật khai báo’: “Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ta được lợi về thuế, giải quyết được công ăn việc làm, tiếp thu công nghệ tiên tiến, học được kinh nghiệm quản lý... nhưng vốn là của nhà tư bản nước ngoài, lãi họ hưởng, nếu họ không xuất khẩu thì còn cạnh tranh với hàng hóa cùng loại sản xuất trong nước. Nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) cũng rất quý, nhưng hơn 90% là vốn vay, dù được vay trong thời gian dài, lãi suất thấp, lại có thời gian ân hạn, nhưng việc giải ngân không đơn giản, hơn nữa nếu sử dụng không hiệu quả thì vay mới sẽ cũng chỉ để trả nợ cũ và không chỉ để lại gánh nặng nợ nần cho con cháu mà ngay từ bây giờ đã phải trả những khoản lãi của những khoản nợ đầu tiên...” [*]

Rồi Đại Sứ Quán ma mãnh, môi miếng, không ngượng nghịu đánh động tình cảm của người Việt xa xứ: “Quan trọng hơn, nguồn kiều hối còn là tình cảm sâu nặng của bà con Việt kiều đang làm ăn sinh sống ở nước ngoài đối với thân nhân và quê hương, đất nước” [*]

Người mình thường có câu “Đồng tiền liền khúc ruột”. Giờ đây CSVN thêm vào hai chữ nữa thành “Đồng tiền liền khúc ruột ngàn dặm”. Đúng vậy! Đồng tiền bây giờ đã đi liền với người Việt hải ngoại, đã không thể thiếu của hàng triệu “khúc ruột ngàn dặm” trên thế giới! Biết người quốc gia tự do đầy tình người, dù ở đâu cũng nghĩ đến bà con ruột thịt, chia sẻ miếng cơm manh áo với thân nhân đang sống khó khăn và vất vả ở quê nhà nên CSVN những năm gần đây đã rất tích cực trong việc khai triển nhiều biện pháp nhằm ra sức chiêu dụ.

Trước đây nguồn kiều hối gởi về nước chủ yếu là từ những người vượt biên nhằm giúp đỡ thân nhân, đáp ứng nhu cầu mưu sinh, giờ đây nó tăng mạnh vì nhiều nguyên nhân khác. Trước nhất, là do lực lương lao động xuất cảng ngày càng tăng. Thứ đến, đó là sự phát triển của các hoạt động kinh tế như thị trường làm ăn buôn bán, thị trường nhà đất, thị trường chứng khoán, … với mức lợi nhuận tăng cao đã dẫn dụ kiều bào nhẹ dạ gửi tiền về đầu tư, thông qua thân nhân trong nước. Lượng tiền do người Việt định cư ở nước ngoài gửi về đang có xu hướng giảm, trong khi đó người đi xuất cảng lao động gửi về lại tăng lên. Việc đẩy mạnh hoạt động xuất cảng lao động cũng giúp nguồn tiền này gửi về nước ngày một nhiều. Việt kiều ở hải ngoại phần lớn trước kia sống ở thành phố nên tiền chuyển về đổ về các đô thị lớn. Trong khi đó, thành phần xuất cảng lao động thường là những người ở xa thành phố nên tiền gởi về được đổ vào khu vực nông thôn, “cải thiện” đời sống và “Xoá Đói Giảm Nghèo” những khu vực này.

Hiện có khoảng 4 triệu Việt kiều sinh sống ở nước ngoài. Trong số này, có 1.5 triệu ở Hoa Kỳ, 300 ngàn ở Pháp, 250 ngàn ở Úc và 200 ngàn ở Canada. Theo Cục quản lý Lao động ngoài nước của CSVN, hiện có gần 500 ngàn người Việt đang lao động tại hơn 30 quốc gia trên thế giới. Ở một số nước mới có người Việt lao động bắt đầu từ năm 2005 như Đài Loan, Nhật Bản, Đại Hàn và Mã Lai thì kiều hối chủ yếu tập trung chuyển về những khu vực nông thôn. Đây là những thị trường “xuất cảng lao động” lớn của VN trong những năm gần đây. Kiều hối từ những thị trường này trực tiếp giúp đời sống gia đình của người đi xuất cảng lao động. Với những thị trường lâu năm như Mỹ, Canada, Pháp, Đức và Úc thì kiều hối lại đóng vai trò dẫn vốn đầu tư vào những lãnh vực kinh doanh trong nước.

Dựa theo phúc trình của Vụ tổng hợp kinh tế Bộ Ngoại Giao, một bản tin trên báo điện tử Đảng Cộng Sản Việt Nam ngày 28 tháng 5 năm 2009 xác nhận con số thống kê lúc nào cũng ít hơn con số thực và ước đoán tiền Việt kiều gửi về năm 2007 có thể là tới 10 tỷ Mỹ kim, vượt xa 3 tỷ Mỹ kim tiền ODA và 5 tỷ Mỹ kim vốn FDI. Bài báo sửng sốt xác nhận “người ta phải kinh ngạc về tiềm lực kinh tế của người Việt Nam đang sinh sống tại nước ngoài”. Nói như vậy để thấy tiềm năng của Cộng Đồng Người Việt Hải Ngoại vô cùng to lớn!

Hàng năm số ngoại tệ tuôn về VN tính ra là một con số khổng lồ. Hàng tỷ đô la chui về đều đặn và tăng dần hàng năm ấy trước sau gì cũng chạy tọt vào túi riêng của các quan chức nhà nước. Số tiền khổng lồ không thể tưởng tượng nổi này như từ trên trời rơi xuống nuôi dưỡng chế độ. Lượng tiền gởi về mỗi năm mỗi tăng mà vẫn chưa vừa lòng tham của tập đoàn lãnh đạo. Chúng vẫn bằng cách này hay cách khác ra sức bòn rút và ngang nhiên ngồi hưởng trên mồ hôi và công sức làm việc ngày đêm của đồng bào hải ngoại.

Nếu không có ngoại tệ của “khúc ruột ngàn dặm” thì chế độ CSVN đã chết từ lâu. Người Việt hải ngoại biết vậy nhưng giải quyết bằng cách nào đây? Làm cách nào để thắt hầu bao và bóp họng chúng đây?

1. Không du lịch Việt Nam?
Không ai về VN du lịch, du hý và ăn chơi thì làm gì VC thâu được hàng tỷ đô la một năm? Không có con số công bố chính thức và cũng không thể thống kê chính xác nhưng  theo ước đoán, mỗi năm có khoảng 1 triệu người về. Cứ đổ đồng mỗi người mang về chừng 10 ngàn đô để chi tiêu và cho thân nhân thì chúng sẽ mất số doanh thu hàng năm là 10 tỷ Mỹ kim.

2. Hạn chế tối đa việc giúp đỡ gia đình?
Vấn đề này thật đau lòng, nhức nhối và nan giải. Chúng ta không thể một sớm một chiều chấm dứt việc gởi tiền về giúp đở gia đình nhưng phải xét lại.  Phải xét làm sao vừa đủ để cha mẹ già, anh em ruột thịt tạm sống qua ngày và hy sinh bóp bụng trong một thời gian. Tuyệt đối không bơm tiền cho thân nhân có phương tiện để phí phạm, vung vãi, đua đòi và ăn chơi ở các nơi suy đồi. Tùy theo hoàn cảnh của từng gia đình, nếu tất cả mọi người ở hải ngoại cùng một lòng cắt bớt một phần thì CSVN sẽ mất ngay một số ngoại tệ rất lớn. Làm được điều này là chúng ta đã thắng được sự dẫn dụ, khẩn khoản, van nài và cầu xin của CSVN nhằm móc hầu bao của người Việt hải ngoại rồi vậy.

3. Không làm việc thiện mù quáng
Không nhắm mắt, nhẹ dạ, thiếu suy nghĩ và thiếu suy xét làm việc thiện để tiền của và mồ hôi của những tấm lòng nhân ái của người Việt xa xứ tuồn vào túi của loài quỷ đỏ. Trường hợp cần thiết phải giúp một cá nhân hay một tổ chức nào, phải cân nhắc và đoan chắc việc làm của mình được thông qua người thân trong gia đình hay các nhà tu hành tin cẩn tại VN.

4. Tẩy chay các cơ sở kinh tài của Việt Cộng
Tẩy chay các văn phòng du lịch, các công ty xuất nhập cảng, các cửa tiệm bán thực phẩm, quần áo, đồ mỹ nghệ, … vì những cơ sở này huy động ngoại tệ cho CS Hà Nội, tạo điều kiện cho chế độ sống còn.

Vấn đề gởi tiền về VN là một việc tế nhị và khó giải quyết. Tuyệt đối không làm lợi cho CS nghe qua thì dễ nhưng chấm dứt một sớm một chiều lại không dễ thực hiện. Vậy phải làm thế nào? Tiếp tục gởi tiền về nuôi chế độ hay ngừng nuôi thân nhân? Tiền của người Việt hải ngoại chúng ta chuyển về VN dưới bất cứ hình thức hình thức nào, bằng cách này hay cách khác, hay qua các cơ sở kinh tài của tập đoàn CSVN đều làm làm lợi cho bọn chúng. Tiền của của chúng ta như bạch phiến và đảng CSVN như người nghiện. Nếu chúng ta dứt khoát và đồng loạt ngưng tiếp thuốc thì chúng sẽ dãy chết. Vũ khí lợi hại để đánh bại CSVN là đồng tiền của chúng ta. Vũ khí này cần phải đi kèm với sự đoàn kết của tất cả các thành phần trong cộng động người Việt hải ngoại. Hai hành động kinh tế và chính trị nầy nếu được phối hợp chặt chẽ, đồng loạt, quy mô và bằng tất cả sự quyết tâm của mọi người thì đảng CSVN sẽ, không sớm thì muộn, đi tới chỗ tiêu vong. Chúng ta cần phải ý thức sức mạnh của mình. Sức mạnh đó nếu được sử dụng đúng đắn sẽ mang lại kết quả thiết thực, chắc chắn sẽ góp phần vào việc thay đổi vận mệnh của đất nước theo đúng nguyện vọng của toàn dân.

Trần Việt Trình
23 tháng 1, 2010