Home Tin Tức Thời Sự Trung Quốc xây thêm cơ sở quân sự trên biển Ðông

Trung Quốc xây thêm cơ sở quân sự trên biển Ðông PDF Print E-mail
Tác Giả: Người Việt   
Thứ Hai, 15 Tháng 2 Năm 2010 16:20

  BẮC KINH (TH) - Trung Quốc tiếp tục phát triển xây dựng cơ sở trên biển Ðông nhằm củng cố các lời tuyên bố chủ quyền

biển đảo cho phần lớn biển Ðông mà họ gọi là Nam Hải.

Cơ sở hành chính nhà cầm quyền Trung Quốc xây dựng trên đảo Phú Lâm, quần đảo Hoàng Sa, của Việt Nam. (Hình: blog Tilamdong)
 

Theo một bản tin của thông tấn Reuters ngày 8 tháng 2 năm 2010, Trung Quốc xây dựng một loạt các hải đăng trên biển phía Ðông của Hoa Lục kể cả những khu vực đang tranh chấp với Nhật Bản. Ðồng thời, dự trù xây dựng các căn cứ tiền đồn trên hệ thống đảo nhỏ ở quần đảo Hoàng Sa mà họ gọi là Tây Sa.

Quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đã bị Trung Quốc đánh chiếm tháng 1 năm 1974. Những năm gần đây, Bắc Kinh đã xây dựng một phi trường lớn, hai bến cảng cho tàu lớn trên đảo Phú Lâm (họ gọi là đảo Vĩnh Hưng), một trong 2 đảo lớn nhất của quần đảo Hoàng Sa, cũng như cơ sở hành chính, nhà cửa tổ chức như một thị xã và các công sự phòng thủ quân sự.

Theo tài liệu “Ocean Yearbook 10” xuất bản năm 1993 ở Chicago, thời gian này đã có khoảng 4,000 lính Hải quân và Thủy quân lục chiến Trung Quốc đồn trú ở Hoàng Sa, phần lớn là ở đảo Phú Lâm. Một số ít trấn đóng trên các đảo Linh Côn, Trăng Khuyết.

Ðảo Phú Lâm, trong quần đảo Hoàng sa, được Bắc Kinh xây dựng phi trường lớn và rất nhiều cơ sở quân sự, hành chính, gia cư có thể nhìn thấy từ tấm không ảnh này. (Hình: tài liệu AFP)
 

Cùng với thời gian, phi trường và các cơ sở trên đảo Phú Lâm và các đảo khác được xây dựng thêm, quân số Trung Quốc ở Hoàng Sa ngày nay có thể phỏng định còn nhiều hơn con số vừa nói trên rất nhiều.

Các lãnh tụ Bắc Kinh, khi gặp mặt đám lãnh tụ Hà Nội, ngoài mặt vẫn cùng nhau hô hò “16 chữ vàng” và “4 tốt”, nhưng trên thực tế vẫn liên tục biểu dương sức mạnh quân sự, không hề che giấu tham vọng bá quyền nước lớn.

Ngày 8 tháng 11, 2009, nhà cầm quyền tỉnh Hải Nam, Trung Quốc , đã thành lập ủy ban thôn đảo Vĩnh Hưng và Triệu Thuật, tức đảo Phú Lâm và Ðảo Cây thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Kế đến, ngày 31 tháng 12 năm 2009, nhà cầm quyền Bắc Kinh cho ra “Luật Bảo Vệ Hải Ðảo” trong đó bao gồm cả các quần đảo cưỡng chiếm của Việt Nam. Bên cạnh đó, Quốc Vụ Viện (chính phủ) Trung Quốc đã công bố “Một số ý kiến về việc đẩy mạnh phát triển xây dựng đảo du lịch quốc tế Hải Nam”, trong đó có việc thúc đẩy phát triển du lịch tại quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Tương tự vụ này, vào năm 2007, khi Quốc Vụ Viện Trung Quốc ra nghị quyết thành lập thành phố cấp huyện Tam Sa trực thuộc tỉnh Hải Nam, bao gồm hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Hàng ngàn người Việt mà đa số là học sinh sinh viên đã biểu tình trước Tòa Lãnh Sự Trung Quốc ở Hà Nội và Sài Gòn nhưng đã bị công an Việt Nam đàn áp.

Ngày 16 tháng 10 năm 2009, Nguyễn Tấn Dũng, thủ tướng Việt Nam, sang gặp Ôn Gia Bảo, thủ tướng Trung Quốc, ở thành đô tỉnh Tứ Xuyên. Dịp này, hãng thông tấn Việt Nam đưa ra một bản tin nói những lời đẹp đẽ về cuộc gặp mặt cũng như mối quan hệ song phương giữa hai nước.

“Thủ Tướng Ôn Gia Bảo hoan nghênh Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng tham dự hội chợ triển lãm quốc tế miền Tây lần thứ 10 và thăm tỉnh Tứ Xuyên và thành phố Trùng Khánh; bày tỏ tin tưởng rằng chuyến thăm sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc, đặc biệt là quan hệ hợp tác với các tỉnh miền Tây Trung Quốc.”

Thông Tấn Xã Việt Nam ngày 17 tháng 10, 2009 viết, “Thủ Tướng Ôn Gia Bảo khẳng định Việt Nam là láng giềng hữu nghị và là đối tác quan trọng của Trung Quốc. Ðảng, chính phủ và nhân dân Trung Quốc luôn coi trọng phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác với Việt Nam.”

TTXVN nói, “Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ vui mừng trước những bước phát triển tốt đẹp của quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện Việt Nam-Trung Quốc, đồng thời khẳng định đảng và nhà nước Việt Nam sẽ làm hết sức mình để cùng với Trung Quốc xây dựng quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện theo phương châm 16 chữ và tinh thần 4 tốt.”

Vào năm tới, Việt Nam và Trung Quốc còn chuẩn bị “nhất trí phối hợp tổ chức thật tốt các hoạt động kỷ niệm trong Năm Hữu nghị Việt-Trung 2010” trùng với đại lễ kỷ niệm “Nghìn Năm Thăng Long”.

Những lời khua gõ ca tụng mối quan hệ “đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt-Trung” vẫn còn đó trong khi Trung Quốc vẫn thản nhiên có những hành động bá quyền lấn tới.

Hồi giữa tháng 6, 2009, Bắc Kinh ra lệnh cấm đánh cá trên biển Ðông vào đúng mùa cá chính của ngư dân miền Trung Việt Nam. Một số tàu đánh cá Việt Nam hoặc đã bị đâm chìm, hoặc bị bắt và kéo về đảo Phú Lâm giam giữ đòi tiền chuộc.

Ðài truyền hình Trung Quốc phổ biến những đoạn video bắt giữ tàu đánh cá Việt Nam, ngư dân Việt vái lạy xin tha trước họng súng của lính Trung Quốc. Khi được thả ra, những tàu này đã bị cướp sạch từ dụng cụ đi biển, lưới đánh cá đến hải sản đã đánh được.

Những ngày cuối tháng 1 sang đầu tháng 2 năm 2010, báo điện tử Biên Phòng, cơ quan thông tin của Bộ Tư Lệnh Biên Phòng Việt Nam, loan tin cả trăm tàu đánh cá Trung Quốc vào sâu trong hải phận Việt Nam, không phải một lần, khu vực Quảng Trị và Thừa Thiên chỉ cách bờ biển khoảng 45 hải lý. Ðây là hành động vừa khiêu khích vừa thử phản ứng của Hà Nội mà báo Biên Phòng chỉ nói “các lực lượng chức năng Việt Nam chưa lập biên bản xử lý hoặc tịch thu tang vật đối với một trường hợp nào mà chỉ hướng dẫn họ không được phép tái phạm”.

Trong năm qua, Trung Quốc đã nhiều lần tổ chức các cuộc tập trận qui mô ở biển Ðông và đặc biệt ở khu vực các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa không ngoài mục đích biểu dương sức mạnh quân sự, đe dọa Việt Nam và các nước đang tranh chấp chủ quyền biển đảo trên biển Ðông.

Ngày 9 tháng 2 năm 2010, đài phát thanh Quốc Tế Trung Quốc (CRI) thuật lời Thứ Trưởng Bộ Nông Nghiệp Ngưu Thuấn nói rằng Trung Quốc sẽ “căn cứ theo tình hình mới, tăng cường tuần tiễu ngư chính bảo vệ nghề cá trên vùng biển Tam Sa, giữ gìn lợi ích biển quốc gia.” Ðiều này ám chỉ ngư dân Việt Nam đánh cá xa bờ trên biển Ðông càng ngày sẽ gặp nhiều hơn sự đe dọa từ tài sản đến tính mạng khi hoạt động dù trên vùng biển chủ quyền nước mình.