Home Tin Tức Thời Sự Nick Út lần đầu đến với cộng đồng Việt Nam

Nick Út lần đầu đến với cộng đồng Việt Nam PDF Print E-mail
Tác Giả: Hà Giang/Người Việt   
Thứ Năm, 11 Tháng 2 Năm 2010 15:19

Ðây là một cuộc triển lãm có rất nhiều hình ảnh chụp từ cuộc chiến Việt Nam

Trong ba ngày, từ 12 đến 14 Tháng Hai sắp đến, nhiếp ảnh gia Nick Út, người từng đoạt giải thưởng Pulitzer, sẽ có cuộc triển lãm hình ảnh phóng sự báo chí cùng nhiếp ảnh gia Huỳnh Ngọc Dân. Cuộc triển lãm được tổ chức tại phòng sinh hoạt Nhật Báo Người Việt, với hơn 100 tác phẩm của cả hai tác giả. Cách đây nhiều năm, một cuộc triển lãm tương tự, cũng của hai tác giả này, đã phải đóng cửa vào thời điểm cuối, trước khi diễn ra tại Việt Nam . Nhân chuyến ghé thăm Nhật Báo Người Việt, nhiếp ảnh gia Nick Út đã dành cho Hà Giang cuộc phỏng vấn sau đây.

***

 
 Nhiếp ảnh gia Nick Út. (Hình: Nick Út cung cấp)
 

 Một gia đình chạy loạn tại An Lộc năm 1972.

(Hình: Nick Út cung cấp)

 

 Có điều gì tương đồng sau 37 năm? Hình chụp tại Sài

Gòn năm 2009. (Hình: Nick Út cung cấp)

 

 Dòng chữ ký tặng của nhiếp ảnh gia Eddie Adams dành

cho Nick Út. (Hình: Người Việt/Chụp từ tài liệu của Nick Út)

Hà Giang: Chào nhiếp ảnh gia Nick Út, xin ông cho biết sơ vài nét về cuộc triển lãm của ông, và của nhiếp ảnh gia Huỳnh Ngọc Dân, được tổ chức vào đúng dịp Tết Nguyên Ðán năm nay tại phòng sinh hoạt nhật báo Người Việt.

 Nick Út: Ðây là một cuộc triển lãm có rất nhiều hình ảnh chụp từ cuộc chiến Việt Nam, những hình ảnh của Mùa Hè Ðỏ Lửa, của người dân chạy nạn từ miền Trung vào miền Nam, rồi hình ảnh của biến cố năm 1975, của cuộc di tản tị nạn. Tôi cũng di tản theo đồng bào qua bên Mỹ, qua Mỹ lại tiếp tục làm việc cho AP, và những hình ảnh chụp cho tới ngày nay.

Hà Giang: Cuộc triển lãm ảnh có tên là “From Hell To Hollywood,” những hình ảnh của chiến tranh Việt Nam thì chữ “Hell” có thể hiểu được, nhưng tại sao lại là Hollywood, mà không là một địa danh nào khác như Los Angeles, California chẳng hạn?

Nick Út: “Hollywood” là vì khi làm việc cho AP ở vùng Los Angeles, tôi có nhiều cơ hội chụp hình nhiều tài tử tại những phiên tòa xử các nhân vật nổi tiếng của Hollywood, như Elizabeth Taylor và Michael Jackson. Vả lại, đề tài “ Hollywood ” thì tương phản với chiến tranh hơn, hấp dẫn người xem hơn.

Hà Giang: Chúng tôi nghenói là những tấm hình được triển lãm trong dịp này chính là những tấm hình trước đây ông định triển lãm ở Sài Gòn nhưng sau đó bị hủy bỏ. Ðiều này có đúng không, thưa ông?

Nick Út: Thật ra lý do đơn giản chỉ là vì Hội Nhiếp Ảnh Việt Nam không có đủ thì giờ chuẩn bị, nên họ muốn hoãn lại quá thời hạn tôi có thể ở Việt Nam , cho nên cuộc triển lãm không thành. Trong số gần 100 tấm ảnh, một số hình được nhiều người biết, nhưng cũng có nhiều hình đặc biệt mà đồng bào chưa thấy. Tôi muốn cho đồng bào, nhất là đồng bào ở Sài Gòn, nhìn lại những hình ảnh đau thương, của 35 năm cuộc chiến Việt Nam.

Hà Giang: Trong những tấm hình sắp được triển lãm, đối với ông những tấm hình nào đặc biệt nhất?

Nick Út: Ðó là hình cô Kim Phúc, lúc chín tuổi, bị bom napalm, quần áo bị đốt cháy phừng phừng, vừa chạy vừa gào thét, chụp năm 1972, mà nhiều người đã biết.

Hà Giang: Thưa ông, nhiều người nói rằng, bức hình của ông chụp Kim Phúc, và bức hình của tác giả Eddie Adams, chụp hình Tướng Loan bắn một đặc công Việt Cộng, là hai bức hình “song sinh” đặc trưng của chiến tranh Việt Nam. Cả hai đều mang lại giải thưởng Pulitzer cho tác giả. Ông có dịp nói chuyện với người “song sinh” của ông không?

Triển Lãm

Nick Út & Huỳnh Ngọc Dân


Thời gian: 12 Tháng Hai: 7PM-10PM

13, 14 Tháng Hai: 11AM-6PM

Tiếp tân: 12 Tháng Hai: 8PM-9PM


Ðịa điểm: Phòng sinh hoạt Nhật báo Người Việt

14771 Moran St. , Westminster , CA 92683


Chủ đề:

Nick Út: ‘from Hell to Hollywood ’

Huỳnh Ngọc Dân: ‘Nước Mỹ và Ðông Dương’

Hơn 100 tác phẩm nhiếp ảnh báo chí và nghệ thuật


Liên lạc: 951-867-0166
 

Nick Út: Trước khi Eddie Adams qua đời, ông ấy không muốn gặp ai, chỉ muốn gặp tôi, và tôi đã bay qua New York để thăm ông ấy ba ngày, trò chuyện về những kỷ niệm ở Việt Nam. Khi tôi trở lại Los Angeles thì ông ấy đưa cho tôi một cái hộp, mà mãi sau này tôi mới mở ra, trong đó có tấm hình đó, và ông ấy ký tặng ở đằng sau. Tôi đọc những dòng chữ của ông ấy mà buồn quá, nhớ lại cuộc chiến Việt Nam.

Hà Giang: Nghe nói đây là tấm hình đã giúp cho ông Eddie Adams đoạt giải Pulitzer năm 1968, nhưng cũng tấm hình ấy đã khiến ông ấy ray rứt suốt đời. Vậy trước khi chết, Eddie Adams có chia sẻ tâm sự này với ông không?

Nick Út: Ồ, có chứ! Eddie Adams tâm sự nhiều lắm, ông ấy nói: “Tôi là một nhiếp ảnh gia, chỉ ghi lại những gì ống kính nhìn thấy, nhưng trong trường hợp này, tấm hình này đã được ‘used’ một cách khiến tôi ân hận quá!” Ông ấy chỉ vào tấm hình và nói, trong hình này “hai người đã chết” tên Việt Cộng thì bị bắn chết, còn “chính tấm hình của tôi đã giết Tướng Loan.” Ðến lúc chết, ông ấy vẫn còn nhắc đến chiến tranh Việt Nam, đến tấm hình này, và ảnh hưởng của nó lên cuộc chiến. Ông ấy cho rằng Tướng Loan đã bị dư luận lên án oan ức.

Hà Giang: Có thể tấm hình đoạt giải của Eddie Adams Pulitzer năm 1968 đã “giết” Tướng Loan, nhưng chắc chắn là tấm hình đoạt giải Pulitzer năm 1973 của ông đã cứu sống cô Kim Phúc, ông có thể kể lại vài kỷ niệm liên quan đến tấm ảnh này?

Nick Út: Lúc đó là Mùa Hè Ðỏ Lửa 1972, sau khi bốn trái bom napalm nổ trên Quốc Lộ 1, ngay tỉnh lỵ Trảng Bàng, thì tôi thấy trước tiên là một bà cụ ẵm một đứa trẻ chạy kêu la cầu cứu, trên tay bà một đứa trẻ chết vì bị bom napalm rất nặng, và tôi nhìn vô đám khói thì thấy ba bốn đứa trẻ vừa chạy vừa la. Kim Phúc chạy vụt lên, người trần truồng, kêu la thảm thiết. Sau khi chụp hình xong, tôi nán lại, tưới nước giúp cho cổ rất nhiều. Lúc đó có ông thân sinh của Kim Phúc đến, nói: “Ông ơi, có thể giúp mang con tôi đến nhà thương được không?” Tôi bằng lòng ngay, vì xe van của tụi tôi đậu ở gần chỗ nổ bom hơn khoảng một trăm thước.

Tôi mượn một cái áo đi mưa của quân đội Việt Nam Cộng Hòa, của sư đoàn 25, để che thân cho Kim Phúc. Chúng tôi cố gắng chạy xe thật nhanh từ Trảng Bàng về Củ Chi đến nhà thương sớm chừng nào tốt chừng nấy để cứu sống nạn nhân. Lúc đó, người tài xế và tôi đoán chắc là Kim Phúc chết trong xe, vì cô hét la trong xe, mấy đứa nhỏ cũng la: “Tụi con chắc là chết.”

Lúc đó đang giao tranh, trên quốc lộ số 1, xe cộ và trâu bò chạy rất nhiều. Chạy mãi đến được Củ Chi thì các bác sĩ và y tá rất bận, quân mình bị thương cũng nhiều. Mọi người cho là chắc Kim Phúc sẽ chết nên lo cho mấy người khác trước. Tôi đưa thẻ báo chí, và nhờ các cô y tá giúp giùm, nói là vì gia đình Kim Phúc đã có mấy người chết rồi. May mắn là cô ấy được đưa vào phòng cấp cứu và hôm sau được đưa về Sài Gòn.

Hà Giang: Trong một cuộc phỏng vấn, bà Kim Phúc nói ông đã cứu mạng bà ấy (the man who saved my life). Hai người bây giờ còn liên lạc với nhau không?

Nick Út: Tôi rất thương Kim Phúc, và coi Kim Phúc như người cháu trong gia đình. Chúng tôi vẫn liên lạc thăm hỏi nhau thường xuyên như những người thân thuộc. Chúng tôi vừa gọi phôn chúc Tết nhau!

Hà Giang: Trở lại cuộc triển lãm, còn những hình ảnh nào đáng nói nữa không?

Nick Út: Tôi đã đi đến khắp các chiến trường ở miền Nam Việt Nam, cũng như ở Kampuchea và Lào. Có rất nhiều hình ở đại lộ kinh hoàng, ở miền Trung, hình ở Kampuchea, hình người Miên bỏ chạy, không ngờ rồi chúng ta cũng bỏ chạy theo họ.

Hà Giang: Cảm ơn thời gian ông dành cho chúng tôi.