Home Tin Tức Thời Sự Cái to thì nhỏ, mà cái nhỏ lại rất to

Cái to thì nhỏ, mà cái nhỏ lại rất to PDF Print E-mail
Tác Giả: Tư Ngộ/Người Việt   
Thứ Ba, 09 Tháng 2 Năm 2010 15:19


Cái to thì bóp lại cho nhỏ, còn cái nhỏ thì xé ra to. Ðây là cách cai trị của cái nhà nước “của dân, do dân và vì dân” ở Việt Nam

tùy nhu cầu bảo vệ cái chế độ độc tài đảng trị.

 Huỳnh Ngọc Sĩ ăn hối lộ gần $2 triệu, một vụ án to nhưng được bóp lại rất nhỏ khi chỉ bị tòa tuyên án 3 năm tù. (Hình: AFP/Getty Images)

 Ngày 2 tháng 2, năm 2010, Nông Ðức Mạnh, tổng bí thư đảng CSVN, đọc bài diễn văn nhân dịp kỷ niệm 80 năm thành lập đảng, được truyền hình trực tiếp, nói “tất cả quyền lực thuộc về nhân dân.”

Ðây là một lời tuyên bố mà bất cứ người dân nào cũng đều nhìn thấy ngược hẳn lại trong thực tế. “Nhân dân” mà hó hé, làm không theo đúng lệnh của “đầy tớ” là ‘đầy tớ” cho nhân dân đi tù dễ như chơi.

Ngày 5 tháng 2, năm 2010, “đầy tớ” lôi vợ chồng “nhân dân” Ðỗ Bá Tân-Trần Khải Thanh Thủy ra xử án. Hai vợ chồng ông Tân bị vu cho cùng một tội danh, nhưng chồng thì chỉ bị 2 năm tù treo trong khi vợ thì bị tới 3 năm rưỡi tù giam.

Trong phiên xử, Luật Sư Trần Vũ Hải biện hộ cho ông Tân và bà Thủy cho thấy họ chỉ là những nạn nhân của một trò vu cáo bẩn thỉu của chế độ. Phiên tòa được dàn dựng để trả thù không hơn không kém. Bà Trần Khải Thanh Thủy viết sách, viết báo vạch ra những cái đểu cáng ngang ngược phản lại quyền lợi và quyền làm người của người dân mà chế độ vẫn trâng tráo tuyên truyền “của dân, do dân và vì dân.”

Luật Sư Hải tố cáo trò dựng đứng vu cáo của hệ thống công an, tòa án, bất chấp các nguyên lý căn bản về tư pháp với các dẫn chứng rõ ràng, cụ thể. Vậy mà thân chủ của ông vẫn bị kết án tù. Dù luật sư cãi đanh thép đến mấy, đúng đến mấy cũng không có tác dụng gì.

“Hội đồng xét xử” kia đã được học bài phải làm gì để vu cáo cho người ta. Luật Sư Hải nêu rõ thực trạng của toàn bộ vụ án dàn dựng này, giả sử là có thật như vậy, chỉ là chuyện nhỏ, giải quyết bên ngoài tòa án. Nhưng sự việc đã được biến thành thật to để bỏ tù nạn nhân (kẻ thù) của chế độ.

Trước đó, ngày 29 tháng 1, năm 2010, Phạm Thanh Nghiên bị bỏ tù ở Hải Phòng cũng không khác. Cô gái nhỏ bé gầy còm 35 kg này làm gì được ai? Xin phép biểu tình thì không cho, cô chỉ ngồi biểu tình ngay ở nhà mình với bấm bảng nhỏ “Trường Sa, Hoàng Sa là của Việt Nam” mà bị bắt và bỏ tù với bản án 4 năm.

Ngày 20 tháng 1, năm 2010, Trần Huỳnh Duy Thức bị kết án tới 16 năm tù, Lê Công Ðịnh bị kết án 5 năm tù, Nguyễn Tiến Trung bị kết án 7 năm tù, Lê Thăng Long bị kết án 5 năm tù trong một phiên xử ở Sài Gòn.

Tất cả ba vụ án nói trên đều bị tố cáo là vi phạm thủ tục hình sự tố tụng, xâm phạm quyền tự do phát biểu, tự do báo chí của công dân. Hai tổ chức luật sư quốc tế OIA và UIA họp báo ở Quốc Hội Pháp ngày 8 tháng 2, năm 2010, nhằm vận động chính phủ, Quốc Hội Âu Châu để họ mạnh mẽ hơn nữa đối với vấn đề vi phạm nhân quyền của chế độ Hà Nội.

Sáng sớm ngày 6 tháng 1, năm 2010, một lực lượng hùng hậu khoảng 600 người từ công an, cán bộ, cảnh sát Cơ Ðộng võ trang đầy đủ lựu đạn cay, roi điện, gậy, khiên đến bảo vệ cho đám người đặt mìn phá nổ Thánh Giá mà giáo dân giáo xứ Ðồng Chiêm dựng trên núi Chẽ (giáo dân gọi là Núi Thờ), lấy cớ “xây dựng bất hợp pháp.” Thánh Giá dựng trên sườn núi, không có người qua lại và nhìn xuống nghĩa địa như một chỗ tựa tinh thần cho các người đã lìa đời.

Một số giáo dân ngăn cản hành động “phạm Thánh” đã bị đám sai nha của nhà cầm quyền đánh trọng thương. Ðến nay, hàng trăm công an, cán bộ cộng sản vẫn còn đầy ngập ở giáo xứ nghèo Ðồng Chiêm để canh chừng, khủng bố.

Thánh Giá chơ vơ trên núi, chẳng động chạm gì tới ai ngoài giá trị tinh thần với Giáo dân thì bị phá sập. Trong khi đó, hàng trăm ngàn ngôi nhà xây “không phép” ở các thành phố, kể cả Hà Nội, thì chẳng sao. Hay giáo xứ Ðồng Chiêm không hối lộ, còn những chủ nhân các tòa nhà cao tầng ở Hà Nội nhét tiền chặt họng đám quan chức có quyền lớn nhỏ rồi thì chẳng sao?

Thánh Giá trên núi Thờ ở Ðồng Chiêm cần phải phá bỏ để giữ “kỷ cương phép nước” như tờ Hà Nội Mới đe nẹt, còn hàng trăm ngàn ngôi nhà không phép kia thì không cần “kỷ cương phép nước”? Hay “kỷ cương phép nước” chính là tiền hối lộ?

Gần một chục người treo biểu ngữ chống tham nhũng, kêu gọi đa nguyên đa đảng, tuyên bố Trường Sa, Hoàng Sa là của Việt Nam, bị kết án tù hồi năm ngoái ở Hà Nội và Hải Phòng thì cần phải bỏ tù để giữ “kỷ cương phép nước”?

Còn đảng viên của chế độ “chạy chức, chạy quyền” từ trên xuống dưới thì mặc kệ, không đụng chạm “kỷ cương phép nước”? Ðây là chuyện nhỏ hay chuyện lớn?

Ăn hối lộ, ăn cắp của công được nhìn nhận là vô cùng phổ biến ở Việt Nam dù từng được nhìn nhận là “quốc nạn,” là giặc “nội xâm” vẫn còn nguyên đó. Ðây là chuyện nhỏ hay chuyện lớn? Ðám quan chức chóp bu đảng nhiều lần nói tham nhũng là nguy cơ tiêu diệt chế độ, nhưng trên thực tế nếu không bao che cho nhau thì làm sao tham nhũng hoành hành được?

Hơn một năm trước, một bài thơ ngắn vẽ ra một hình ảnh rất “ấn tượng” về một nước Việt Nam ở trong chế độ cộng sản hiện nay. Bài thơ này được truyền tụng đi khắp nơi trên Internet và không biết ai là tác giả, đến nay vẫn còn nguyên giá trị:


Việt Nam là một đất nước nhỏ.

Trong đất nước rất nhỏ đó có một cái thủ đô rất to.

Trong cái thủ đô rất to có những con đường rất nhỏ.

Trên những con đường rất nhỏ lại có những ngôi biệt thự rất to.

Trong những ngôi biệt thự rất to có những cô vợ nhỏ.

Những cô vợ nhỏ là của các ông quan to.

Các ông quan to xách những cái cặp rất nhỏ,

Trong những cái cặp rất nhỏ có những dự án rất to.

Những dự án rất to nhưng hiệu quả lại rất nhỏ.

Hiệu quả rất nhỏ nhưng thất thoát thì rất to.

Thất thoát thì rất to nhưng trách nhiệm thì rất nhỏ.