Home Tin Tức Thời Sự Việt Nam kiện Mỹ về thuế chống bán giá tôm đông lạnh

Việt Nam kiện Mỹ về thuế chống bán giá tôm đông lạnh PDF Print E-mail
Tác Giả: Đức Tâm/BBC   
Thứ Ba, 09 Tháng 2 Năm 2010 11:12


Đầu tháng 2 vừa qua, Việt Nam cho biết đã khởi động thủ tục kiện lên Tổ chức Thương mại Quốc tế

 về việc Hoa Kỳ áp dụng thuế chống bán giá phá đối với tôm đông lạnh xuất khẩu.

Từ cuối 2004, bộ Thương mại Mỹ đã ra phán quyết là tôm đông lạnh và đóng hộp của Việt Nam bán phá giá trên thị trường Hoa Kỳ. Mức thuế áp dụng là từ 4,13 % đến 25,76 %. Vừa qua, bộ Thương mại Hoa Kỳ có ý định xem xét lại quyết định này, nhưng Hiệp hội các nhà chế biến tôm Mỹ đã đòi duy trì mức thuế này vì cho rằng các sản xuất tôm Mỹ vẫn bị thiệt hại do tôm nhập khẩu của Việt Nam cũng như một số nước. Trong bối cảnh đó, Việt Nam đã tiến hành các thủ tục kiện Mỹ trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại Thế giới.

Sau đây là phân tích của chuyên gia Nguyễn Xuân Nghĩa từ California, Hoa Kỳ.

RFI: Việt Nam đang làm thủ tục khiếu nại trước Tổ chức Thương mại Thế giới về việc Hoa Kỳ đòi tăng thuế đánh trên tôm đông lạnh Việt Nam xuất khẩu qua Mỹ. Đây là lần đầu kể từ khi gia nhập Tổ chức Thương mại mà Việt Nam muốn sử dụng cơ chế quốc tế để chống lại quyết định của một thành viên khác. Xin anh trình bày lại bối cảnh của hồ sơ này.

Nguyễn Xuân Nghĩa: Nói về bối cảnh thì có một lúc rất nhiều hồ sơ dồn dập về mậu dịch hay ngoại thương của Việt Nam. Cho nên cần nhìn thấy toàn cảnh trước khi nói riêng về số phận của con tôm Việt Nam trên bàn ăn của Mỹ.

Trước hết, kinh tế thế giới vừa ra khỏi vụ tổng suy trầm toàn cầu và xứ nào cũng gặp nhiều khó khăn để hồi phục thị trường ngoại thương, chính quyền nào cũng ưu tiên bảo vệ quyền lợi kinh tế và xã hội ở nhà. Cho nên tranh chấp về mậu dịch giữa các nước đã trở thành gay gắt hơn. Thí dụ như hôm Thứ Năm mùng bốn vừa qua, Liên Hiệp Âu Châu quyết định triển hạn thêm 15 tháng việc tăng thuế nhập nội phụ trội trên giày dép do Trung Quốc và Việt Nam bán vào Âu châu. Giày Việt Nam sẽ chịu thuế suất phụ trội là 9,7%. Hồ sơ giày dép khiến ta chú ý là kinh tế Âu châu chưa phục hồi.

Riêng tại Mỹ thì dù kinh tế đã hồi phục mà còn bấp bênh và thất nghiệp vẫn quá cao. Dù đảng Dân Chủ đang kiểm soát cả hành pháp và tư pháp mà chưa biết xoay trở ra sao trong khi xu hướng bảo hộ mậu dịch nổi lên rất mạnh vì thế lực của các nghiệp đoàn và trung tâm vận động vào hành lang chính trị. Vì vậy mà việc Việt Nam hay bất cứ xứ nào muốn xuất khẩu qua Mỹ để thoát cơn suy trầm đều gặp sự chống đối từ bên trong nước Mỹ. Việc Đạo luật Canh nông mới đã tạo cơ hội cho hiệp hội ngư sản Mỹ gây vấn đề về nhãn hiệu cá da trơn của Việt Nam hồi năm ngoái chỉ là một phần thôi. Bây giờ, Việt Nam mà muốn nhấn tới và kiện ngược Hoa Kỳ về tôm đông lạnh thì tôi cho là cần thiết và chính đáng, chỉ cách đó mới dẫn đến việc thương thảo và nói chuyện phải quấy. Nhưng trận đánh này sẽ cỏn dai dẳng và liên hệ đến nhiều hồ sơ khác nữa.

RFI: Vẫn nói về bối cảnh, thưa anh, thị phần tôm đông lạnh và tôm đóng hộp của Việt Nam hay một số quốc gia Á châu khác trên thị trường Mỹ là nhiều hay ít mà lại có thể xẩy ra kiện tụng về tôm cá như vậy?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Nói chung, ngư nghiệp Hoa Kỳ thuộc loại tiên tiến nhất thế giới về các ngành đánh lưới cận duyên và viễn duyên. Riêng về các ngành nuôi tôm cá trong lục địa thì thật ra lại rất nhỏ, chủ yếu vẫn là nhập vào từ các nước Á châu, nhất là Thái Lan, và sau này các nước Mỹ châu La tinh. Các loại tôm nhập nội như vậy có thể chiếm một thị phần lớn, có khi đến 90% vì một nghịch lý là Hoa Kỳ lại lạc hậu hơn nhiều nước Á châu về kỹ nghệ nuôi tôm ấy. Nhưng, dù chỉ tập trung tại các tiểu bang miền nam và quy tụ vài vạn ngư phủ, kỹ nghệ này vẫn tác động mạnh vào chính trường Mỹ, nhất là trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn hiện nay. Vì vậy, từ năm năm rồi, họ đòi kiện mấy nước Á châu và Nam Mỹ vì tội bán phá giá vào Mỹ mà rốt cuộc thi chỉ kiện được Trung Quốc hay Việt Nam vì hai xứ này chưa có chế độ kinh tế thị trường đích thực.

Trong khi ấy, và nhìn từ Việt Nam thì ngư nghiệp xứ này là thành phần hiếm hoi đã được tư nhân hoá, hoạt động mạnh tại khu vực đồng bằng Cửu Long và đóng góp nhiều cho xuất khẩu với chỉ tiêu có thể lên tới nhiều tỷ đô la trong một năm. So với Mỹ thì chưa thấm tháp gì nhưng thật sự nuôi sống cả triệu người Việt ở trong nước.

RFI: Như vậy thì vì sự vận động hành lang chính trị Mỹ mà tôm đông lạnh hay cả cá da trơn Việt Nam đều bị chiếu cố, thế Việt Nam có thể làm được những gì và thủ tục kiện tụng sẽ tiến hành ra sao?

Nguyễn Xuân Nghĩa: 2010 này là năm tranh cử tại Mỹ nên giới dân cử phải quan tâm đến yêu cầu hay khiếu nại của cử tri và các hiệp hội tư nhân của họ vận động rất mạnh vào chính trường. Quan trọng nhất là thành phần cử tri tại các tỉnh miền nam xưa hay vốn dĩ không mấy tin tưởng đảng Dân Chủ. Vì vậy, bộ Thương mại Hoa Kỳ không dễ dàng gì gạt qua một bên những chuyện khiếu nại và vận động ấy, nhất là trong hoàn cảnh bấp bênh chính trị của hành pháp và cả lập pháp Dân Chủ. Vài vạn người của họ tác động mạnh hơn cả triệu ngư dân đang nuôi tôm cá tại Việt Nam. Đấy là một thực tế phũ phàng.

Về phía Việt Nam thì ta không quên rằng Hoa Kỳ có một xã hội đa nguyên và nhiều thành phần nghề nghiệp lại có lợi khi nhập cảng và phân phối ngư sản Á châu và Việt Nam với giá rẻ nếu có phẩm chất an toàn. Các thành phần này, thí dụ như hiệp hội các nhà nhập cảng và hàng ăn, cũng có thể tác động theo chiều hướng có lợi cho mình, nếu mình biết và biết dùng đòn bậy. Ta có thấy điều ấy trong cơ chế Âu châu khi nhiều nước chưa chắc đã đồng ý với việc tăng thuế trên giày dép hay hàng dệt sợi của Việt Nam hoặc Trung Quốc. Điều đáng tiếc là Hà Nội không bênh vực ngư phủ Việt Nam khi họ bị Trung Quốc ức hiếp thì làm sao kêu gọi người Việt tại Mỹ chú ý đến số phận của ngư phủ ở nhà và bênh vực con tôm con cá Việt Nam ngoài chợ hay trên bàn ăn của Mỹ?

Về thủ tục kiện tụng, Việt Nam chính thức thông báo cho Tổ chức Thương mại Thế giới việc khiếu nại với Mỹ, sau đó trực tiếp tống đạt một bản tham vấn với đại diện Hoa Kỳ tại tổ chức này. Phía Hoa Kỳ có 60 ngày để trả lời hoặc dàn xếp hoặc thu hồi quyết định tăng thuế xuất trên tôm Việt Nam. Nếu việc ấy không thành thì đầu tháng tư, việc kiện tụng mới là chính thức và Tổ chức Thương mại Thế giới sẽ bổ nhiệm một cơ chế trọng tài để cứu xét đơn khiếu nại của Việt Nam. Cơ chế ấy sẽ điều tra, nghiên cứu và tham khảo ý kiến của các phe liên hệ trước khi ra phán quyết. Việc ấy đòi hỏi thời gian vì tổ chức này phải thụ lý cả ngàn hồ sơ tương tự từ gần hai trăm thành viên. Từ khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới thì đây là lần đầu mà Việt Nam tiến vào lĩnh vực pháp lý để đánh một trận mà thật ra chưa có nhiều kinh nghiệm và có lẽ nên học hỏi kinh nghiệm tương tự của Thái Lan. Về lý thì Việt Nam có thể thắng với xác suất khá cao. Nhưng, vấn đề không đơn giản như vậy và quan hệ với Mỹ không chỉ có con tôm đông lạnh với hệ quả chính trị cũng là tất yếu. Quan trọng nhất là trong mối quan hệ ấy Việt Nam có hành xử độc lập hay chỉ mở đường kiện Mỹ cho quyền lợi tương đồng của Trung Quốc hay không?