Một thanh niên giết mẹ vì bị 'ép' phải trở thành bác sĩ? |
Tác Giả: Người Việt |
Thứ Bảy, 06 Tháng 2 Năm 2010 11:10 |
SANTA ANA (OC Register) - Nguyễn Lâm Sơn không bao giờ lớn tiếng với mẹ, mãi đến lúc anh ra tay giết bà. Sơn Nguyễn chụp hình với mẹ. Tại sao một người con hiếu thảo lại có thể bóp cổ chết mẹ mình được? (Hình: Marie Nguyễn cung cấp) Sơn, 31 tuổi, vốn là đứa con ngoan, biết vâng lời, ít khi rời xa mẹ. Bà Nguyễn Thu Nương là bậc cha mẹ luôn tận tụy nuôi con, ước mơ được thấy đứa con đầu lòng của mình lớn lên trở thành bác sĩ. Ðó là lý do tại sao mọi người trong gia đình đều sửng sốt khi hay tin Sơn bóp cổ giết chết người mẹ 71 tuổi của mình tại căn nhà ở Garden Grove, hôm 21 tháng 12, năm 2008. Sơn khai với cảnh sát mình đã bóp cổ giết chết mẹ. Nghi vấn ám ảnh mọi người là phải chăng Sơn chủ ý giết mẹ, và tại sao anh đặt tay lên cổ bà. Hiện Sơn đang đối diện với vụ xử án giết mẹ. Anh tuyên bố rằng mình vô tội. Phiên tòa sơ thẩm sẽ được mở vào hôm Thứ Sáu để quyết định khởi đầu vụ xử có bồi thẩm đoàn tham dự. Phiên tòa dự tính diễn ra trong tuần này nhưng phải dời lại vì anh phải nhập viện do có ý định tự tử. Hình cảnh sát chụp Sơn Nguyễn khi bắt giam. (Hình: OCDA) Dì của Sơn là bà Marie Nguyễn nói, “Tôi biết rõ hai mẹ con thương nhau lắm. Sơn là đứa con ngoan.” Gia đình họ Nguyễn từ Việt Nam sang định cư ở Mỹ năm 1983, ngụ ở San Diego. Bấy giờ Sơn mới lên 5 và Hải, người em trai chỉ được hai tuổi. Cha Sơn là ông Nguyễn Thịnh cưới mẹ anh lúc còn ở Việt Nam. Bấy giờ bà là một dược sĩ và lớn hơn ông 16 tuổi. Ở Mỹ, ông làm kỹ thuật viên về điện. Dì Marie sống ở Los Angeles, thường đến thăm gia đình họ vào các dịp lễ. Theo dì, mọi người trông rất hạnh phúc, bà Nương hay nói tốt về Sơn, khoe rằng anh được điểm cao ở trường. Dì Marie hồi tưởng, “Bà ấy rất hãnh diện về sự thông minh của con mình và nói về chuyện cậu ấy sẽ trở nên bác sĩ như thế nào.” Hải kể lại, mẹ mình là một người “tuyệt vời,” lo “chăm sóc” cho con cái. Nhưng thêm rằng, cá tính bà có một khiếm khuyết nhỏ. Hải nói, “Mẹ muốn mọi sự diễn ra theo ý mình.” Anh là người sẽ làm chứng để biện hộ cho Sơn. Hải tiếp, “Niềm hạnh phúc của mẹ chuyển thành sự uốn nắn chúng tôi theo ý bà.” Năm 2000, cha mẹ Sơn ly dị; tuy rằng, họ chưa rời xa nhau. Sự tách lìa này khiến Sơn khủng hoảng, anh khai với cảnh sát trong thời gian ấy anh từng bị đưa đi thẩm định tâm thần hai lần. Sơn kể là anh thấy buồn bực mỗi khi ba anh nói chuyện trên điện thoại với bạn gái của ông. Sau cùng khi cha mẹ Sơn dọn ra riêng, Hải chọn sống bên cha, trong khi Sơn ở cạnh mẹ. Hải không thể thực hiện được như ý của mẹ, anh không muốn làm bác sĩ hay dược sĩ. Bà quay sang hy vọng Sơn sẽ là bác sĩ. Hải, người đã lấy xong bằng cao học về tâm lý nói, “Mẹ đặt niềm tin vào việc đạt được một địa vị cao, và bà áp lực anh Sơn nhiều hơn.” Sơn học ngành sinh vật ở trường University of California, Irvine. Sau đó, anh theo học hai năm ở trường Dược tại Massachusetts, rồi chuyển sang học Y khoa tại Ross University, ở Caribbean. Bà Nương dọn sang sống ở đảo quốc Dominican để được gần bên Sơn. Anh mượn nợ để đi học nhưng bà cũng giúp đỡ anh thêm về mặt tài chính. Hai người sống trong một căn chung cư nằm nhìn sang phía trường. Vào mùa Thu năm 2008, Sơn rời trường Y và cùng mẹ dọn về Garden Grove. Anh khai với cảnh sát rằng, vào thời gian này anh cảm thấy bị nhiều áp lực phải trở thành bác sĩ hơn. Sơn nói, “Theo văn hóa nước tôi, cha mẹ nào cũng kỳ vọng con cái làm theo lời họ. Nếu con cái tuân theo lời thì mang lại vinh dự cho gia đình; ngược lại, chỉ làm mất mặt và coi như đồ ruồng bỏ.” Sơn khai rằng, chiều ngày 21 tháng 12, khi anh đang ngồi viết e-mail thì mẹ anh tiến lại gần. Anh cảm nhận được cơn phẫn nộ của bà, và tỏ ra muốn đối chất với Sơn. Bà hỏi anh có còn tiếp tục theo đuổi ngành Y nữa chăng. Anh đáp là anh muốn trở lại trường Dược vì anh chỉ còn một năm nữa là hoàn tất, thay vì phải trở lại ngành Y khoa. Bà Nương không bằng lòng, và nói anh cần nghĩ lại việc phải vượt trội hơn con cái của bạn bè bà. Anh kể, “Mẹ tôi nói, ‘Sao con không chịu nắm lấy cơ hội vì hiện nó đang ở trong tầm tay con, để có thể qua mặt chúng nó?’” Sơn khai với cảnh sát rằng anh bắt đầu to tiếng và mẹ anh từ tốn nói, “Tao là mẹ. Không đứa con ngoan nào lại bất kính đến nỗi lớn tiếng với mẹ như vậy.” Sơn kể tiếp, “Tôi đáp, ‘Sao mẹ không để cho con đi theo hướng con thích? Cái gì quan trọng với mẹ hơn, bạn bè của mẹ hay hạnh phúc của con mình?’” Mẹ Sơn bắt đầu nói anh cần phải nêu gương tốt cho Hải như thế nào. Sơn khai với cảnh sát là sau đó anh bắt đầu chịu buông xuôi và ngồi vò đầu một lúc. “Rồi cơn giận bùng lên, tôi đặt hai tay lên cổ bà và bóp mạnh.” Anh nói anh buông ra sau khoảng sáu bảy giây gì đó, và anh nghe tiếng mẹ ho. Sơn khai rằng anh lập tức chạy ra khỏi căn chung cư và ngủ suốt đêm trong xe. Sáng hôm sau khi trở vào thì mẹ anh đã chết. Anh gọi cảnh sát và bị bắt. Sơn có thể phải đối diện với bản án chung thân nếu xét thấy có tội sát nhân ở mức độ một hoặc hai. Luật sư biện hộ Rob Harley không nghĩ vụ này chắc sẽ đưa đến bản án giết người. “Ðây chẳng qua chỉ là một tai nạn tình cờ xảy đến trong cơn nóng giận.” Ông Harley dự tính sẽ cậy đến một chuyên gia về văn hóa, để làm chứng về tầm quan trọng của văn hóa Việt Nam là phải làm nở mặt cha mẹ, bằng cách gắng học cho giỏi. Ông định dùng điều này để giải thích cho bồi thẩm đoàn hiểu tại sao Sơn cảm thấy bị áp lực phải theo học trường Y. LS Harley nói, “Làm đẹp lòng mẹ, đối với anh ta còn quan trọng hơn hạnh phúc của chính mình.” Phó Biện Lý Cameron Talley tin tưởng Sơn sẽ bị buộc tội sát nhân. Ông ta nói, “Không có gì là tai nạn ở đây cả. Khi anh nóng giận anh không đặt tay lên cổ người khác mà chỉ tát tai hoặc nắm vai người ta. Theo tôi, anh ta đã nổi khùng và chỉ muốn giết phức mẹ mình đi thôi.” Dì Marie Nguyễn sẽ đến dự phiên xử, bà đến thăm cháu hai lần mỗi tuần ở Nhà Lao Quận Cam. Hai người không hề đề cập đến chuyện đã xảy ra. Bà nói, “Thật đau lòng cho nó lẫn cả cho tôi. Tôi cũng thương bà ấy, nhưng bà ấy đã không còn. Nay chỉ biết nghĩ đến cuộc đời của nó.” (TP) |