Home Tin Tức Thời Sự Bị ăn chặn tiền Tết, 10 ngàn công nhân ở Trà Vinh đình công

Bị ăn chặn tiền Tết, 10 ngàn công nhân ở Trà Vinh đình công PDF Print E-mail
Thứ Hai, 01 Tháng 2 Năm 2010 17:52

 . . . dù chế độ Hà Nội tự nhận là “của dân, do dân và vì dân.”

 
 Công nhân công ty Mỹ Phong tràn ra từ cổng phân xưởng A3 để đình công. (Hình: LÐV)

TRÀ VINH (TH) - Một cuộc đình công lớn đã xảy ra ở Trà Vinh vì công nhân cáo buộc chủ ăn chặn tiền Tết.

“Liên tục trong 3 ngày 28-29-30 tháng 1, toàn bộ hơn 10,000 công nhân Công ty Giày Da Mỹ Phong tại Trà Vinh đã đình công vì bị chủ ăn chặn tiền Tết.”

Nguồn tin của Ủy Ban Bảo Vệ Lao Ðộng Việt Nam cho hay như vậy và cho biết cuộc đình công còn tiếp diễn.

Nhiều cuộc đình công ở Việt Nam đã xảy ra trong thời gian gần đây liên quan đến tiền thưởng Tết bị giới chủ nhân tìm cách tránh né. Trả lương tháng 13 hoặc tiền thưởng vào dịp Tết là số tiền giúp công nhân có thêm ít tiền tiêu tết đã thành truyền thống suốt nhiều năm qua.

Theo nguồn tin tổ chức Bảo Vệ Lao Ðộng Việt Nam, có 16 công nhân đã bị xỉu và 2 trong số những công nhân tổ chức đình công ở công ty Mỹ Phong đã bị công an bắt và chủ đuổi việc. Hệ thống công đoàn cũng như guồng mày nhà nước CSVN không đứng về phía công nhân để bảo vệ họ dù chế độ Hà Nội tự nhận là “của dân, do dân và vì dân.”

Tổ chức Bảo Vệ Lao Ðộng Việt Nam biết được tin vụ đình công ở Trà Vinh nhờ một tổ chức bạn là Phong Trào Lao Ðộng Việt cung cấp tin tức và hình ảnh. Hầu hết các cuộc đình công đều bị ém nhẹm. Là một tổ chức trong nước tranh đấu cho quyền lợi lao động, tổ chức Lao Ðộng Việt cho hay họ thâu lượm được từ công nhân và dân chúng vùng phụ cận tin tức về vụ đình công lớn ở tỉnh Trà Vinh như sau:

“Tập thể công nhân uất ức vì chủ trừ tiền 2 lần: Trong năm, khi nhiều công nhân xin nghỉ vì việc gia đình v.v... thì chủ đã trừ lương tháng đó, nay đến Tết lại trừ thêm lần nữa. Tuy việc này chỉ ảnh hưởng đến số công nhân nói trên, nhưng mọi người đã đồng lòng đình công vì đã chồng chất quá nhiều uất ức.”

Nguồn tin cho biết, “Ðể ngăn chặn cuộc đình công lan rộng, công ty đã đóng lại cổng của mỗi xưởng. Do không khí nóng bức, ngộp thở khi bị đóng cửa, ít nhất 13 công nhân bị ngất xỉu, trong đó có ít nhất 3 công nhân phải được đưa vô bệnh viện.”

Tuy nhiên, theo nguồn tin, công nhân đã mở được cổng, và liên tục kéo nhau từ từng phân xưởng này đến các phân xưởng khác kêu gọi mọi người đồng lòng cùng nhau đình công.

Trong khi cuộc đình công tiếp diễn, nhiều người dân ở gần đây đã đến đứng trước cổng hô hào ủng hộ cho cuộc đình công mà họ cho rằng công nhân đang bị bóc lột. “Theo nguồn tin từ phía người dân cũng như từ phía công nhân, thì ngày 29 tháng 1, hai công nhân đã vượt qua được sự kiểm soát của bảo vệ, chạy ra để kêu gọi mọi người khác đình công, đã bị vây bắt và đuổi việc.”

UBBV nói rằng, “Trong mấy ngày tới, như thường lệ khi mọi cuộc đình công xảy ra, dự kiến các viên chức Ðảng mang danh nghĩa 'công đoàn' sẽ đi vô để thương lượng, khuyên công nhân quay lại làm việc. Tuy nhiên, nhiều công nhân nói với đại diện của Lao Ðộng Việt rằng họ sẽ đình công tiếp tục đến lúc công ty trả tiền lương và tiền thưởng Tết đúng đắn.”

Ðược biết, tại Trà Vinh, công ty Mỹ Phong có 2 chi nhánh. Chi nhánh 1 tại huyện Tiểu Cần có gần 7,000 công nhân, gồm 8 xưởng máy sản xuất và đang xây dựng thêm 8 xưởng nữa. Chi nhánh 2 ở huyện Trà Cứu có gần 4,000 công nhân gồm 4 xưởng máy, hiện đang xây thêm 4 xưởng và hai kho. Công ty này cũng đang xây dựng chi nhánh lớn tại tỉnh Vĩnh Long.

Ngày 23 tháng 1, 2010, hơn 500 công nhân công ty may quần áo bơi Thống Nhất tại Lô C1, khu công nghiệp Suối Dầu, Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa đã đồng loạt đình công đòi tăng lương, trả tiền thưởng Tết.

Trước đó, ngày 13 tháng 1, 2010, hơn 8,000 công nhân hãng giầy Taekwang Vina (chuyên sản xuất giày thể thao, 100% vốn Hàn Quốc) tại khu công nghệ Biên Hòa 2, thành phố Biên Hòa, tỉnh Ðồng Nai đã đồng loạt ngừng việc tập thể, đòi quyền lợi.

Theo bản tin VietnamNet, giới công nhân đòi “công ty phải công khai thang bảng lương, thực hiện chế độ làm việc phù hợp cho công nhân nữ mang thai... Ngoài ra công nhân còn phản ứng việc doanh nghiệp chậm công bố mức thưởng Tết, đề nghị thực hiện ngay trợ cấp thôi việc, trợ cấp độc hại.”