Home Tin Tức Thời Sự Một biển Ðông, hai cách đưa tin

Một biển Ðông, hai cách đưa tin PDF Print E-mail
Tác Giả: VietnamNet   
Chúa Nhật, 31 Tháng 1 Năm 2010 20:10

 Cùng một vấn đề biển Ðông, hai cách thông tin khác nhau từ Hà Nội và Bắc Kinh.

Việt Nam nói có nêu vấn đề biển Ðông, Trung Cộng  không nói

HÀ NỘI 30-1 (NV) - Cùng một vấn đề biển Ðông, hai cách thông tin khác nhau từ Hà Nội và Bắc Kinh. Từ đó, có thể suy diễn và nhiều thứ cũng như có thể đặt ra rất nhiều dấu hỏi nằm đằng sau từ ngữ báo chí tuyên truyền.

Ngày Thứ Bảy, Thông Tấn Xã Việt Nam khi đưa tin Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng “kết thúc tốt đẹp chuyến đi dự Hội nghị Thường niên Diễn đàn Kinh tế Thế giới năm 2010” tại Davos chỉ nói một câu cho biết ông đã thảo luận bên lề với một số nhà lãnh đạo khác gồm cả phó thủ tướng thường trực Trung Quốc Lý Kế Cường (Li Keqiang) “trao đổi các giải pháp nhằm thúc đẩy quan hệ song phương”.

 
Hỏa tiễn mới nhất của Trung cộng trình diện trong cuộc diễn hành
đánh dấu ngày Quốc Khánh 1 tháng 10 nam 2009 ở Bắc Kinh.
Trung Cộng mới bố trí loại hỏa tiễn tầm xa khả năng uy hiếp Bắc Ấn Ðộ,
Việt Nam, Ðài Loan, Đại Hàn và đảo Okinawa Nhật. (Hình: AFP/Getty Images
)

Nhưng bản tin từ VietnamNet, là báo điện tử có cơ quan chủ quản là Bộ Thông Tin Truyền Thông hôm trước đó khi đưa tin về chuyến dự hội nghị ở Davos thì viết, “Chiều 28 tháng 1, gặp gỡ bên lề Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos, Thụy Sỹ, lãnh đạo cấp cao hai nước Việt-Trung thống nhất từng bước giải quyết vấn đề trên biển trên cơ sở luật pháp quốc tế và nguyên tắc ứng xử trên biển Ðông DOC”.

Trong khi đó, Tân Hoa Xã ngày Thứ Bảy đưa tin Lý Kế Cường gặp một số lãnh tụ ngoại quốc, tổ chức quốc tế, gồm cả Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng. Phần viết về cuộc tiếp xúc với ông Dũng, Tân Hoa Xã cho biết ông Cường nói “Sự cải thiện hợp tác song phương giúp cải cách và phát triển cả ở Trung Quốc và Việt Nam, và cũng như cho hòa bình, ổn định và thịnh vượng của khu vực”. Tân Hoa Xã trích lời Lý Kế Cường nói thêm rằng “Trung Quốc muốn tăng nỗ lực với Việt Nam nhằm tăng cường các cuộc trao đổi (thăm viếng) thân hữu và hợp tác thiết thực trên nhiều lãnh vực, cho chủ đích thúc đẩy hợp tác đối tác chiến lược song phương”.

Tân Hoa Xã không nói gì hay dẫn lời gì của Lý Kế Cường về hợp tác giải quyết tranh chấp biển Ðông, tức không đả động gì tới chuyện biển Ðông.

Cũng trong bản tin này, Tân Hoa Xã thuật lời ông Dũng nói với ông Cường là Việt Nam “coi trọng mối quan hệ với Trung Quốc vốn đã được đào sâu trong nhiều lãnh vực. Việt Nam mong tiếp tục cải thiện sự tin cậy chính trị giữa hai nước và bành trướng hợp tác trao đổi thương mại và văn hóa giữa hai nước”.

Không có câu nào nói ông Dũng đề nghị gì với ông Cường về tranh chấp biển Ðông.

Trong bản tin VietNamNet nói trên, cơ quan thông tin của Bộ Thông Tin Truyền Thông còn nói rõ hơn rằng “Lãnh đạo hai nước tin tưởng vấn đề trên biển sẽ từng bước được giải quyết phù hợp với quan hệ hữu nghị tốt đẹp giữa hai nước, trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Luật biển 1982 và tinh thần DOC (tuyên bố về cách ứng xử ở biển Ðông giữa ASEAN và Trung Quốc tháng 11 năm 2002), đáp ứng nguyện vọng và lợi ích chính đáng của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực.”

Không phải lần đầu tiên

Việc đưa tin khác nhau giữa truyền thông hai nước đã từng xảy ra rồi, cũng liên quan tới Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng, vào cuối năm ngoái.

Ngày 16 tháng 10 năm 2009, Thủ Tướng Dũng đã có cuộc gặp mặt Ôn gia Bảo, thủ tướng Quốc Vụ Viện Trung Quốc, tại Thành Ðô, thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc, nhân dịp sang dự hội chợ triển lãm quốc tế tại đó.

Tờ Tuổi Trẻ khi loan tin này nói “Hai thủ tướng bày tỏ tin tưởng vấn đề trên biển sẽ từng bước được giải quyết phù hợp với quan hệ hữu nghị tốt đẹp giữa hai nước, trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Luật biển 1982 và tinh thần DOC; đáp ứng nguyện vọng và lợi ích chính đáng của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực.”

Nhưng Tân Hoa Xã khi loan tin về cuộc họp này nói “Thủ Tướng Ôn Gia Bảo và thủ tướng đối tác Nguyễn tấn Dũng cam kết giải quyết các vấn đề biên giới và biển Ðông một cách thích đáng (properly) trong khi ca ngợi mối quan hệ kinh tế và thương mại giữa hai nước”.

Trong bản tin này ngày 16 tháng 10 năm 2009 cũng như bản tin ngày 30 tháng 1 năm 2010, Tân Hoa Xã không nhắc gì đến “cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Luật biển 1982 và tinh thần DOC”. Bản tin ngày Tân Hoa Xã 16 tháng 10 năm 2009 nói Nguyễn Tấn Dũng “thề dàn xếp thích đáng (vowed properly settle) vấn đề biển Ðông và các vấn đề khác xuyên qua các cuộc thương thuyết thân hữu với Trung Quốc để bảo vệ sự phát triển của mối quan hệ song phương”.