Home Tin Tức Thời Sự Sinh viên An tôn Trần Văn Sơn bị công an Hà Nội bắt giữ

Sinh viên An tôn Trần Văn Sơn bị công an Hà Nội bắt giữ PDF Print E-mail
Chúa Nhật, 31 Tháng 1 Năm 2010 00:38

Sau khi viếng Mình Thánh Chúa và cầu nguyện tại nhà thờ, SV Trần Văn Sơn bị công an đánh.

 

 
 Ông Nguyễn Hữu Vinh, một người thường viết bài trên các báo điện tử Công Giáo bị công an đánh ngày 11 tháng 1 năm 2010. Trong hình, ông nằm bất tỉnh dưới chân công an. (Hình: chuacuuthe.com)

HÀ NỘI 30-1 (NV) - Tu sinh gốc Giáo Phận Vinh từ Hà Nội tới giáo xứ Ðồng Chiêm đã bị công an đánh đập và bắt giữ.

“Cộng đoàn Vinh tại Hà Nội xin thông báo: Sinh viên An tôn Trần Văn Sơn bị công an Hà Nội bắt giữ và đánh đập vô cớ vào khoảng 10 giờ sáng nay 30 tháng 1 năm 2010, tại xã An Tiến, huyện Mỹ Ðức, thành phố Hà Nội, trên đường viếng Ðồng Chiêm trở về.”

Bản tin của “Cộng đoàn Vinh tại Hà Nội” loan báo như vậy trong bản tin phổ biến cùng ngày.

Bản tin này cho biết sinh viên Sơn là tu sinh dòng thánh An tôn Padua, quê ở huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, hiện đang học ở trường trung cấp y dược Lê Hữu Trác quận Hoàng Mai, Hà Nội.

Nguồn tin tường thuật sự việc cho biết “Khoảng 8 giờ sáng ngày 30 tháng 1 năm 2010, ba tu sinh sang thăm giáo xứ Ðồng Chiêm. Sau khi viếng Mình Thánh Chúa và cầu nguyện tại nhà thờ, các bạn lên đường trở về Hà Nội. Khi đến khu vực xã An Tiến, cách Ðồng Chiêm khoảng 1 cây số, thì bị công an chận bắt và đánh đập. Anh An tôn Trần Văn Sơn đã chạy xuống bờ mương để tránh đòn nhưng công an tiếp tục huy động nhân viên để chận bắt rồi đưa về UBND xã An Tiến”.

Theo nguồn tin, công an Hà Nội không những bắt sinh viên Sơn mà còn bắt cả hai sinh viên đồng hành tên Phùng và tên Công.

“Cực lực phản đối những hành vi liên tục vi phạm pháp luật cách ngang nhiên với công dân Việt Nam được pháp luật bảo hộ, nhất là đối với anh chị em Công Giáo và đặc biệt là anh An tôn Trần Văn Sơn sáng ngày 30 tháng 1 năm 2010”. Cộng đoàn Vinh tại Hà Nội ra bản tuyên cáo nói như vậy và đòi nhà cầm quyền Hà Nội phải trả tự do ngay cho các người bị bắt cũng như “mở cuộc điều tra và truy tố những người ngang nhiên đánh đập, bắt giữ công dân trái pháp luật như một sự kỳ thị tôn giáo.”

Bản tuyên cáo cũng đòi hỏi chế độ Hà Nội phải “chấm dứt ngay việc phong tỏa giáo dân giáo xứ Ðồng Chiêm trái pháp luật và đảm bảo cho mọi công dân, giáo dân được quyền tự do đi lại thăm viếng những anh chị em mình tại giáo xứ Ðồng Chiêm.”

Theo nguồn tin trên, không những bắt giữ sinh viên nói trên mà còn bắt dẫn về phòng trọ để lục soát phòng trọ và đồ đạc, quay phim tất cả những dụng cụ, đồ dùng của các sinh viên.

Ngày 11 tháng 1 năm 2010, ông Nguyễn Hữu Vinh, một giáo dân Công Giáo thường viết bài phổ biến trên các diễn đàn thông tin Công Giáo về các vụ tranh chấp đất đai, đã bị công an đánh trọng thương khi đến giáo xứ Ðồng Chiêm.

Ông Vinh đã phải nằm viện nhiều ngày.

Khi xảy ra vụ đánh và bắt giam một số giáo dân ở giáo xứ Tam Tòa, thành phố Ðồng Hới, một linh mục Giáo Phận Vinh tới cầu nguyện hiệp thông cũng bị đánh thương tích trầm trọng hồi năm ngoái.

Từ khi dùng chất nổ phá Thánh Giá của giáo xứ Ðồng Chiêm dựng trên núi Chẽ (giáo dân gọi là Núi Thờ) bị giáo dân phản đối dẫn đến cuộc đàn áp ngày 6 tháng 1 năm 2010, xông an phong tỏa giáo xứ này. Tất cả những người không phải cư dân địa phương đều bị cấm đến gần. Trong giáo xứ, lúc nào cũng có lực lượng hàng trăm cán bộ công an và quân đội tới canh giữ.

Vụ phá hủy Thánh Giá của giáo dân Ðồng Chiêm đã tạo thành một làn sóng giận dữ khắp nơi. Tòa Tổng Giám Mục Tổng Giáo Phận Hà Nội ra một bản tuyên bố phản đối hành động “phạm Thánh” đi ngược lại những lời tuyên truyền “tôn trọng quyền tự do tôn giáo của nhân dân”.

Thánh Giá bằng xi măng cốt sắt bị phá hủy thì giáo dân tìm cách dựng lại với các Thánh Giá bằng tre ít nhất hai lần nhưng đều bị nhà cầm quyền địa phương phá tiếp.

Thánh Giá dựng ở trên núi nhìn xuống nghĩa trang Công Giáo không ảnh hưởng gì tới an nguy của ai thì bị coi là “vi phạm pháp luật” trong khi hàng trăm ngàn căn nhà xây “không phép” ở các thành phố thì lại được chế độ Hà Nội để yên, không thấy bắt phá bỏ. Cả ngàn nhà xây dựng trên đê sông Hồng hoặc những con đê nơi khác ảnh hưởng tới sự an nguy của hàng triệu người cũng vẫn không bị phá bỏ dù có nhiều lời tố cáo trên báo chí của chế độ.

Ðến nay đã gần một tháng, giáo xứ Ðồng Chiêm vẫn còn bị phong tỏa.