Home Tin Tức Thời Sự Hải quân Trung quốc lại tập trận trên biển Đông

Hải quân Trung quốc lại tập trận trên biển Đông PDF Print E-mail
Tác Giả: Người Việt   
Thứ Hai, 25 Tháng 1 Năm 2010 19:44

HẢI NAM 24-1 (NV) - Hải quân Trung Quốc lại tổ chức tập trận qui mô trên biển Ðông những ngày mới đây,

 trực tiếp cho thấy họ là chủ nhân của khu vực và đồng thời trực tiếp thách đố sự tranh chấp chủ quyền biển đảo của Việt Nam và các nước Ðông Nam Á.


Tàu chiến Trung Quốc thuộc Hạm Ðội Nam Hải tập trận bắn đạn thật trên biển Ðông ngày 19 tháng 1 năm 2010 vào lúc có sương mù dày đặc. (Hình: China Military Online)

 “Liên tiếp nhiều ngày, ảnh hưởng bởi sự giao tiếp của các dòng nước lạnh và ấm, thời tiết ở khu vực biển Nam Trung Hoa (Việt Nam gọi là biển Ðông) biến đổi với sương mù và mưa và tầm nhìn rất thấp.” Bản tin của báo Quân Sự Trung Quốc điện tử (Eng.ChinaMil.Com.CN) ngày 22 tháng 1 viết. “Bộ Chỉ Huy Hải Quân thuộc Hạm Ðội Nam Hải của Quân Ðội Trung Quốc nhân cơ hội này mở các cuộc diễn tập hải chiến dưới những điều kiện thời tiết phức tạp.”

Kèm theo bản tin này là tấm hình chụp chiến hạm của Hạm đội Nam Hải diễn tập bắn súng tấn công và phòng thủ ở khu vực biển Ðông bị bao bọc bởi sương mù dày đặc.

Từ năm ngoái đến nay, một mặt vẫn ca ngợi mối quan hệ Trung-Việt ngày một nâng lên tầm cao mới với các phái đoàn cấp cao qua lại họp hành, mặt khác những gì Trung Quốc hành động trên biển Ðông cho người ta thấy mặt trái khác hẳn của những lời tuyên truyền của Bắc kinh.

Ngày hải quân Trung Quốc tập trận dương oai trên biển Ðông, Tân Hoa Xã loan tin Chủ Tịch Hồ Cẩm Ðào, Thủ Tướng Ôn Gia Bảo và Chủ Tịch Quốc Hội Trung Quốc Ngô Bang Quốc, ngày 18 tháng 1 năm 2010, gửi thông điệp tới các chủ tịch đảng, chủ tịch nước, thủ tướng, chủ tịch Quốc Hội Việt Nam chúc mừng 60 năm thiết lập mối quan hệ hai nước.

Bản tin Tân Hoa Xã nói rằng “Các lãnh tụ Trung Quốc cam kết sẽ cùng với các lãnh tụ Việt Nam nỗ lực nâng cao mối quan hệ láng giềng tốt và hợp tác song phương, tăng cường các cuộc trao đổi hữu nghị và tăng cường các sự hợp tác hai bên cùng có lợi” nhằm phục vụ lợi ích căn bản của hai nước và đóng góp cho “hòa bình, ổn định và phát triển khu vực”.

Cũng trong bản tin này, Tân Hoa Xã nói các lãnh tụ CSVN gồm Nông Ðức Mạnh, tổng bí thư đảng, Nguyễn Minh Triết, chủ tịch nước, Nguyễn Tấn Dũng, thủ tướng, và Chủ Tịch Quốc Hội Nguyễn Phú Trọng nói “Việt Nam luôn luôn đánh giá cao và mong muốn phát triển toàn diện mối quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai đảng, hai chính phủ và hai dân tộc”.

Bản tin này nói thêm rằng “Các lãnh tụ Việt Nam tin rằng nỗ lực chung của hai đảng sẽ tiếp tục củng cố và phát triển mối quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Trung Quốc, cổ võ sự thịnh vượng của hai nước và lợi ích của hai dân tộc.”

Ngày 26 tháng 12 năm 2009, Trung Quốc ban hành “Luật bảo vệ hải đảo” nói trong đó có 6,900 đảo với diện tích rộng hơn 500m2 và 10,000 đảo với diện tích nhỏ hơn, gồm luôn cả các đảo trong các quần đảo đang tranh chấp chủ quyền với Việt Nam và các nước ASEAN.

Năm 2002, Trung Quốc đã ký cam kết với các nước ASEAN bản hiệp định về ứng xử trên biển Ðông nhằm “không làm phức tạp thêm tình hình”. Nhưng họ đã xây thêm nhiều cơ sở quân sự và phi trường trên đảo Ðồng Thanh (Việt Nam gọi là đảo Phú Lâm trong quần đảo Hoàng Sa). Trước đó, năm 2007, Bắc Kinh đã ra nghị quyết thành lập thành phố Tam Sa cấp huyện (gồm Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam và Ðông Sa) trực thuộc tỉnh Hải Nam. Thanh niên, sinh viên Việt Nam biểu tình chống đối quyết định bá quyền này trước tòa đại sứ, tổng lãnh sự Trung Quốc ở Hà nội và Sài Gòn.

Tin tức còn cho hay họ tiến hành xây dựng thêm cơ sở và phi trường ở đảo đá ngầm Vành Khăn (Mischief Reef) trong quần đảo Trường Sa.

Ngày 7 và 8 tháng 12 năm 2009, theo bản tin VNExpress, 3 tàu đánh cá của huyện đảo Lý Sơn đánh cá ở vùng biển Việt Nam gần quần đảo Hoàng Sa đã bị tàu tuần Trung Quốc bắt giữ, kéo về đảo Phú Lâm. Tại đây, toàn bộ ngư dân của 3 tàu đã bị dồn vào một tàu rồi bị buộc trở về. Toàn bộ 20 tấn ngư sản đã đánh được và toàn thể ngư cụ, nhiên liệu, trang bị hải hành đã bị tịch thu.

Không thấy phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Hà Nội nói gì. Hồi năm ngoái, nhiều tàu đánh cá của Việt Nam hoạt động gần Hoàng Sa đã bị tàu tuần Trung Quốc đâm chìm mà báo chí của chế độ chỉ dám loan tin là họ bị “tàu lạ” đâm chìm. Nhiều tàu đánh các khác đã bị kéo về Phú Lâm và đòi tiền chuộc.

Nhân dịp đến Bắc Ngao (Hải Nam) dự diễn đàn kinh tế, Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng gặp Ôn Gia Bảo, thủ tướng Trung Quốc, ngày 17 tháng 4 năm 2009. Báo điện tử chính phủ tường thuật cuộc gặp mặt này là “nhất trí trên tinh thần đồng chí anh em, quan tâm đến lợi ích của nhau, thông qua hiệp thương hữu nghị, tìm kiếm giải pháp thỏa đáng cho vấn đề còn tồn tại liên quan đến biên giới lãnh thổ”.

Những gì xảy ra sau đó cho đến nay đều là những chỉ dấu cho thấy ý đồ bành trướng, lấn chiếm mỗi ngày mỗi lộ rõ hơn của Bắc Kinh.

Khi đến tham dự cuộc hội thảo về vấn đề tranh chấp biển Ðông ngày 19 tháng 12 năm 2009 tổ chức ở Hà Nội, Tướng Pháp Daniel Schaeffer nói rằng người ta “đã thấy đủ ý chí độc chiếm biển Ðông của Trung Quốc”.

Ngày 7 tháng 1 năm 2010, đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam, Tôn Quốc Tường, đưa ra lời đe dọa trong cuộc họp báo ở Hà Nội rằng “đấu tranh sẽ thất bại”.

Báo điện tử quân sự Trung Quốc từng phổ biến tin tức, hình ảnh về các vụ bắt giữ ngư dân Việt Nam trên biển Ðông hồi năm ngoái.