Trung Quốc thử thành công tên lửa đánh chặn |
Tác Giả: VnExpress | ||
Thứ Ba, 19 Tháng 1 Năm 2010 21:18 | ||
Quyết định của Bắc Kinh công bố ngay việc bắn thử tên lửa đánh chặn tuần trước được giới phân tích quốc tế đánh giá là đã giúp nước này tránh được một loạt chỉ trích như từng diễn ra cách đây hai năm.
Khi đó Trung Quốc cho phóng một tên lửa phá hủy vệ tinh thời tiết không còn dùng được nữa, nhưng không thông báo ngay về sự việc cũng như các hệ quả có thể kéo theo, trong đó có vấn đề rác từ vũ trụ phát sinh khi vệ tinh bị phá thành nhiều mảnh nhỏ. Ngược lại, lần này hãng thông tấn nhà nước Tân Hoa đưa tin về việc thử ngay tối hôm đó, và ngày hôm sau trong cuộc họp báo thường kỳ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Khương Du tái khẳng định thông tin. Ngoài việc khẳng định cuộc thử nghiệm chỉ mang tính chất phòng thủ, bà Khương nói thêm rằng không có rác vũ trụ nào được tạo ra từ vụ bắn thử có thể gây nguy hiểm cho các vệ tinh. "Điều này cho thấy hệ thống của Trung Quốc đã học cách khắc phục nhược điểm từ những sai sót trước đó và cải thiện sự phối hợp giữa các cơ quan", Philip Saunders, nhà nghiên cứu cao cấp của Viện Chiến lược quốc gia thuộc Đại học Quốc phòng Mỹ, nhận xét. "Trung Quốc thấu hiểu rằng việc thử tên lửa đánh chặn sẽ được các nước khác theo dõi, và nếu không công khai thông tin thì có thể bị chỉ trích", ông nói thêm. Tên lửa đánh chặn đòi hỏi những công nghệ tiên tiến như cảm biến vệ tinh và hệ thống dẫn đường. Nó cho phép một tên lửa đất đối không bay theo quỹ đạo đã định hình vòng cung, nhắm vào tên lửa mục tiêu đang bay trên không và phá hủy nó. AP cho biết hầu hết các nước đều đặt chương trình tên lửa đánh chặn của mình sau tấm màn bí mật. Trung Quốc được cho là đã mua một số lượng lớn tên lửa đất đối không trong những năm 1990, và kể từ đó tích cực phát triển loại tên lửa đánh chặn bản địa HQ-9, cũng như hệ thống tên lửa tiên tiến có tầm bắn xa hơn. Các quan chức quốc phòng Mỹ cho biết họ sẽ đưa việc Trung Quốc thử tên lửa đánh chặn và tên lửa phá vệ tinh vào trong báo cáo của chính phủ về vũ trụ và không gian. Báo cáo này là tài liệu tham khảo để xây dựng chính sách an ninh và chiến lược không gian trong ngắn hạn của Mỹ, ông Gregory Kulacki, nhà phân tích cao cấp và là trưởng dự án về Trung Quốc thuộc Chương trình An ninh Toàn cầu của Mỹ, cho hay. Về mặt công nghệ, việc phát hiện và đánh chặn một tên lửa đạn đạo không phải là mới mẻ hay ghê gớm, tờ Time nhận xét. Tuy nhiên việc Trung Quốc thử tên lửa ngay sau khi Mỹ công bố bán vũ khí tân tiến cho đảo Đài Loan là rất đáng chú ý. Mỹ một mặt vẫn công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với Đài Loan, mặt khác tiếp tục bán vũ khí cho Đài Loan và từ lâu vẫn ám chỉ rằng sẽ bảo vệ hòn đảo này nếu chiến tranh nổ ra. Cuộc thử tên lửa đánh chặn trên không là dịp để Trung Quốc chứng tỏ năng lực quân sự đang tăng tiến của mình. Đây cũng là thông điệp cho thấy sự giận dữ của Bắc Kinh trước hợp đồng mua bán trị giá hơn 1 tỷ USD nói trên. Chính quyền trung ương Trung Quốc từng tuyên bố sẽ dùng đến vũ lực nếu Đài Loan tuyên bố độc lập. "Từ cách đây 1.000 năm, Trung Quốc đã phát minh ra pháo để xua đuổi tà ma. Và hôm thứ hai, nước này đã bắn thử thành công hệ thống tên lửa phòng thủ nhằm xua ý định của Mỹ về việc bảo vệ Đài Loan", cây viết Mark Thompson của tờ Time nhận xét. "Mặc dù hãng thông tấn chính thức của Trung Quốc nhấn mạnh rằng việc thử tên lửa 'không nhắm đến bất kỳ quốc gia nào'", Thompson tiếp, "đây rõ ràng là một phản pháo bắn về phía Mỹ để chỉ trích việc nước này cung cấp vũ khí cho Đài Loan. |