Paris sẵn sàng đối phó với một trận hồng thủy lịch sử |
Tác Giả: Tú Anh / RFI |
Thứ Ba, 19 Tháng 1 Năm 2010 16:33 |
Bên cạnh tình hình động đất tại Haiti tiếp tục chiếm trang nhất, báo chí Pháp không quên nhìn lại thủ đô của mình. Ảnh chụp cảnh ngập lụt tại Paris vào tháng giêng năm 1910(Ảnh : DR) Đây không phải là một sự lo lắng thái quá, vì cách nay đúng một trăm năm, vào ngày này năm 1910, mực nước sông Seine tăng hơn 8 mét, nhấn chìm toàn bộ nhà ga Orsay và hơn 40 cây số đường phố. Từ đó đến nay, chính quyền thành phố đặt lũ lụt lên đầu danh sách nguy cơ đe dọa thủ đô nước Pháp. Với tựa : « chỉ cần một cơn lụt là cả thành phố tiêu vong », nhật báo cánh tả Libération dành hai trang báo với ảnh nước ngập nhà ga Orsay, nay là một bảo tàng viện danh tiếng, và bản đồ ghi cảnh nước sông Seine tràn ngập theo hình vòng cung lên tận đại lộ Champs Elysées ở phía bắc và nhà ga Austerlizt cũng như nơi mà hiện nay là Thư viện Quốc gia ở phía nam. Cách nay đúng 100 năm, sau những cơn mưa lớn vào mùa hè và mùa thu, toàn bộ các mạch nước ngầm và sông hồ ở phía bắc nước Pháp đã bão hòa. Ngày 19, 24 giờ sau cơn mưa tầm tã, mực nước ba con sông Seine, Marne, và Yonne tăng đồng loạt. Ngày 20, mực nước lên đến 3,80 mét. Một tuần sau, tại khu vực ga Austerlizt, mực nước lên đến 8,6 mét. Trong vòng 45 ngày, hơn 40 cây số đường phố Paris bị ngập, hệ thống xe điện ngầm, điện, lò sưởi, thùng rác công cộng… những tiện nghi hiện đại nhất của đầu thế kỷ bị rác rến, xác cây phủ lấp. May mắn là thiệt hại nhân mạng rất thấp : Chỉ có một người chết. Nhật báo cộng sản l’Humanité thời đó bình luận : « một xã hội mà người dân không được thông tin về những biến cố to lớn để đề phòng thì không khác chi một căn nhà không có nóc ». Rút kinh nghiệm của bài học đắt giá này, tại Paris và vùng phụ cận, cảng và cầu được nâng cao. Nhiều bờ đê được dựng lên. Nhà nước đã xây dựng những công trình vĩ đại, trong vòng 40 năm, thực hiện 4 hồ to lớn để điều chỉnh lưu lượng các con sông lớn. Vấn đề là theo vị giám đốc cơ quan công cộng mang tên « các đại hồ của sông Seine », thì dù cho các phương tiện phòng chống lũ lụt đã được cải thiện, nhưng con người vẫn chưa làm chủ được hiện tượng thiên tai này. Nguy hiểm hơn nữa là nếu xảy ra một trận hồng thủy như thời 1910, thì thiệt hại sẽ trầm trọng hơn, vì dân cư ngày nay đông đúc hơn. Hệ thống giao thông công cộng, liên lạc, điện, gaz tối tân hơn, nhưng cũng mong manh hơn và quá tùy thuộc vào nhau. Thiếu điện, thiếu liên lạc trong nhiều ngày liên tục sẽ rất nguy hiểm. Năm 1910, tại Paris chỉ có 65 ngàn nhà có điện, đa số có đèn dầu, nến, than củi. Ngày nay, không có điện là không có điện thoại, truyền hình, lò sưởi, nước nóng... Để đối phó với nguy cơ này có thể tái diễn với xác xuất 1/100 mỗi năm, cơ quan chuyên chở công cộng Paris đã chuẩn bị sẵn 69.000 bức tường bê tông tiền chế và 270 máy trộn bê tông để có thể nhanh chóng dựng lên 500 bức tường chận nước xâm nhập vào hệ thống xe điện ngầm và đường xe bus. Về điện lực, lệnh tổng động viên nhân lực sẽ được ban hành khi mực nước lên 6,5 mét. Tiền bạc bỏ ra đề phòng lụt có tốn kém quá chăng ? Công ty chuyên chở công cộng thẩm định là không, dù cho xác suất xảy ra thiên tai là 1 lần trong 900 năm. Kinh nghiệm thủ đô Praha của Tiệp trong vụ lụt năm 2002 đã bị thiệt hại hơn 300 triệu euros cho thấy trước thiệt hại cho Paris sẽ gấp 10 lần hơn vì hạ tầng cơ sở của thủ đô nước Pháp dồi dào hơn. Paris cũng đã có một bộ chỉ huy đặt trong một căn hầm kiên cố nằm dưới tòa nhà của cơ quan cảnh sát thủ đô, điều hợp mọi hoạt động khi có thiên tai. Ẩn số duy nhất là không hiểu thái độ của người dân ra sao khi thiên tai xảy ra ? Chỉ huy cơ quan này thẩm định rằng : « lũ lụt không phải chỉ tấn công một cá nhân nào. Không như cúm A, chỉ lây cho từng cá nhân, thiên tai ảnh hưởng đến cả một cộng đồng, tất cả mọi người cùng chung số phận ». |