Máy bay Su của Nga - nỗi ám ảnh của Không lực Mỹ |
Tác Giả: Saigonecho sưu tầm | ||||||||
Thứ Hai, 18 Tháng 1 Năm 2010 05:41 | ||||||||
Máy bay Su, đặc biệt là Su-30MKI và Su-35BM, được coi là mối đe doạ nghiêm trọng đối với ưu thế trên không của Mỹ và Australia, có thể làm thay đổi cán cân sức mạnh không quân ở châu Á-Thái Bình Dương. Kỳ I: Quật ngã "đại bàng" Điều khiến Mỹ và đồng minh lo lắng nhất là các máy bay Su tỏ ra có nhiều ưu thế hơn các máy bay tiêm kích chủ lực thế hệ 4 của Mỹ như F-15 Eagle (Đại bàng), F-16 Fighting Falcon (Chim ưng chiến), F/A-18 Hornet (Ong bắp cày), thậm chí có thể thách thức “siêu chiến đấu cơ” F-22 Raptor và F-35 Lightning II thế hệ 5. Ưu thế vượt trội Năm 1992, Su-27 lần đầu tiên vượt Đại Tây Dương sang Mỹ diễn tập. Ở các tình huống không chiến, Su-27 đều giành thắng lợi trước F-15. Trong cuộc tập trận không quân Mỹ - Ấn Cope India 2004 tổ chức tại Ấn Độ, F-15 của Không quân Mỹ đã bị Su-30K đánh bại nhiều lần. Ở cuộc tập trận tiếp theo Cope India 2005, các phi công Mỹ đặc biệt ấn tượng với Su-30MKI khi nó giành thắng lợi trong đa số các cuộc “giao chiến” với cả F-16 và F-15 - 2 loại máy bay tiêm kích chủ lực của Không quân Mỹ. Tướng Hal M. Homburg, Tư lệnh Bộ chỉ huy Không quân chiến đấu (Air Combat Command) - Không quân Mỹ, nói đây là điều hoàn toàn bất ngờ đối với các phi công Mỹ. Công nghệ Nga trong tay người Ấn Độ đã phát đi “tín hiệu cảnh tỉnh” Không quân Mỹ. Ông nói: “Không quân các nước được trang bị những máy bay này có thể đe doạ ưu thế trên không của Mỹ ”. Trong cuộc tập trận mô phỏng trên máy tính ở căn cứ không quân Hickam, Hawaii, Mỹ vào tháng 8/2008, các máy bay Su-30 “ảo” cũng đánh bại một cách thuyết phục máy bay tiêm kích thế hệ 5 là F-35 đang được quảng cáo ồn ào mà Australia dự kiến chi 16 tỷ USD để mua 100 chiếc.
Tiến sĩ Carlo Kopp, chuyên gia phân tích hàng đầu của Trung tâm Nghiên cứu khoa học Air Power Australia cho rằng, các máy bay mới của Nga mà các nước châu Á - Thái Bình Dương mua có thể “tước vũ khí” các máy bay tiêm kích tiên tiến của Không quân Australia. Máy bay Su-30 mang được số tên lửa tầm xa gấp nhiều lần nên khi chúng tấn công bằng vài tên lửa một lúc sẽ bắn hạ bất kỳ máy bay Australia với xác suất gần như 100%. Theo ông Kopp, kịch bản khả quan nhất đối với Không quân Australia là “1 đổi 1”, tức là để tiêu diệt 1 chiếc Su-30, họ phải mất 1 chiếc F/A-18E/F Super Hornet hoặc F-35 Lightning II. Sau khi tấn công, máy bay Australia sẽ hết sạch tên lửa và “bất lực” trước Su-30 khác.
Sau cuộc tập trận không quân Red Flag 2008 tại Mỹ, tạp chí hàng không uy tín của Anh Flight,số tháng 11/2008, đã đề nghị các độc giả website của mình bầu chọn loại máy bay tiêm kích tốt nhất thế giới từ một danh sách, trong đó có Su-30MKI, F-22 và F-15. Su-30MKI được bầu chọn là loại máy bay tiêm kích tốt nhất thế giới khi giành được 59% số phiếu bầu. Tháng 2/2009, tại Thượng viện Mỹ, TNS đảng Cộng hòa James Inhofe nói: “Tất cả chúng ta đều thừa nhận rằng, trừ máy bay F-22 và F-35 JSF (Joint Strike Fighter), người Nga đang chế tạo máy bay Su vượt trội các máy bay tấn công tốt nhất của chúng ta là F-15 và F-16”. Tình báo Mỹ săn lùng bí mật của Su Lo lắng trước số lượng ngày càng tăng và tính năng chiến đấu ưu việt của Su-27/Su-30, tình báo và Không quân Mỹ đang ráo riết dò la các bí mật tính năng của chúng để tìm ra chiêu thức đối phó, chuẩn bị cho những cuộc đối đầu trên không với máy bay Su có khả năng diễn ra trong tương lai. Trong họ Su, Su-30MKI là một trong những loại có khả năng chiến đấu cao nhất, gần với máy bay mới Su-35 thế hệ 4++ của Nga mà Mỹ coi như đối thủ nhiều khả năng nhất thời gian tới của F-22 và F-35. Bởi vậy, tình báo Mỹ rất chú ý tìm hiểu Su-30MKI để tìm ra các điểm mạnh, yếu và có kinh nghiệm đối phó các máy bay Su.
Năm 2004, Không quân Mỹ đã cử F-15 lặn lội sang tận Ấn Độ tham dự cuộc tập trận chung Mỹ-Ấn đầu tiên có tên Cope India để “mục sở thị” khả năng của Su-30MKI. Trong khi đó, Không quân Ấn Độ lại muốn thấy F-16, loại máy bay hiện đại nhất của đối thủ truyền kiếp Pakistan. Không thấy F-16 xuất hiện, Ấn Độ cũng “giấu phỏm”, không chịu đưa ra Su-30MKI mà chỉ cho Su-30K tham gia.
Năm 2008, Mỹ đã “khẩn khoản” mời Không quân Ấn Độ cử 6 máy bay tiêm kích Su-30MKI lần đầu tiên dự cuộc tập trận quốc tế Red Flag 2008 tổ chức tháng 7-8/2008 tại căn cứ không quân Nellis, Las Vegas, bang Nevada, Mỹ. Theo hãng tin Headlines Today, khi tốp máy bay Ấn Độ bay vượt đại dương, Mỹ đã cho hai máy bay trinh sát RC-135 bám theo chặn thu mã vô tuyến và tần số công tác của radar trên Su-30MKI. Trong quá trình tập trận, phía Mỹ tiếp tục dò xét tính năng kỹ thuật của radar N-011М Bars của Su-30MKI. Để có “giáo cụ trực quan” thường xuyên, Mỹ còn tìm cách mua Su-27 để sử dụng trong việc huấn luyện phi công và tìm ra các biện pháp đối phó. Theo Strategypage ngày 11/5/2009, Mỹ đã mua hai Su-27 của Ukraine để kiểm tra hiệu quả của radar mới và hệ thống chế áp điện tử. |