Home Tin Tức Thời Sự Quan ngại an ninh ở Haiti sau động đất

Quan ngại an ninh ở Haiti sau động đất PDF Print E-mail
Tác Giả: BBC   
Thứ Bảy, 16 Tháng 1 Năm 2010 17:05

Các quan ngại về an ninh đang gia tăng tại thủ đô của Haiti, do việc phân phối hàng cứu trợ tới các nạn nhân động đất bị trở ngại.

 Mới chỉ có rất ít lượng hàng cứu trợ được chuyển tới tay các nạn nhân vụ động đất Haiti.

Vài ngày sau vụ động đất tàn phá Port-au-Prince làm chết hàng chục ngàn người, đã có các tường thuật nói các băng đảng đang hoành hành cướp bóc dân chúng.

Các quan chức nói hàng ngàn tù nhân đã thoát ra sau khi nhà tù chính bị phá hủy.

Hàng cứu trợ đã được đưa tới, nhưng hầu như chưa chuyển ra được khỏi khu vực sân bay bị tắc nghẽn.

Thiệt hại cho cảng biển, đường sá và các cơ sở hạ tầng khác khiến làm chậm tiến độ phân phối đồ thực phẩm, nước uống và thuốc men.

Thảm họa lịch sử

 Việc phân phối đồ cứu trợ cho các nạn nhân gặp khó khăn khiến người ta lo ngại về vấn đề an ninh ở thủ đô Haiti.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton loan báo sẽ tới Haiti vào hôm thứ Bảy để đánh giá mức độ thiệt hại và để chuyển tới nhân dân Haiti "sự ủng hộ, đoàn kết và cảm thông vững bền, dài lâu của chúng tôi".

Tâm trạng tuyệt vọng của các nạn nhân sống sót sau trận động đất hôm thứ Ba làm tăng thêm các lo sợ về vấn đề an ninh tại Port-au-Prince.

Có tới 4.000 tù thoát khỏi trại giam, trong đó nhiều người được cho là đã ra khỏi nhà tù trung tâm.

Số cảnh sát hiện diện tại thủ đô hiện khá ít, tuy đang có một số thành viên Brazil thuộc lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc tuần tra trên các đường phố.

Phóng viên BBC Nick Davis có mặt tại Port-au-Prince nói anh chỉ thấy các đoàn xe chở người rời khỏi thành phố để tìm kiếm thực phẩm, nước uống và thuốc men.

Liên Hợp Quốc nói số người tìm cách vượt biên sang Cộng Hoà Dominic láng giềng và sang các thành phố ở phía bắc Haiti dâng cao.

Tính sơ bộ, thiệt hại xảy ra đã vượt quá ra khỏi cả thủ đô Port-au-Prince; có tới 90% các tòa nhà ở Leogane, thị trấn cách thành phố chừng 9km về phía tây, bị hư hại, Liên Hợp Quốc cho hay.

Phát ngôn viên Văn Phòng Điều Phối Nhân Đạo Liên Hợp Quốc nói các nhân viên cứu trợ đang phải đối phó với "một thảm họa lịch sử".

Bà Elisabeth Byrs nói: "Chúng tôi chưa từng đối diện với thảm họa nào khủng khiếp tới vậy trong suốt quá trình hoạt động của Liên Hợp Quốc."

Bà nói tình thế thậm chí còn tệ hơn ở tỉnh Aceh của Indonesia sau trận sóng thần năm 2004.