Cửa chính và cửa sau đều là hàng TQ |
Tác Giả: BBC |
Thứ Sáu, 15 Tháng 1 Năm 2010 14:48 |
Nhà sản xuất Indonesia quan ngại về hàng rẻ của TQ tràn ngập thị trường, tuy nhiên Asean quyết định vẫn thực hiện Acfta. Hiệp định Thương mại tự do Asean Trung Quốc bắt đầu có hiệu lực từ đầu năm, dù nhà sản xuất lo ngại hàng rẻ Trung Quốc tràn ngập thị trường. Được coi là vùng tự do mậu dịch lớn nhất thế giới, hiệp định Acfta mất tám năm để đàm phán cho thị trường hơn 1,7 tỷ người tiêu dùng. Từ ngày 1/1 Việt Nam bắt đầu giảm thuế cho một số hàng từ Trung Quốc. Đến 2015 khoảng 90% dòng hàng Trung Quốc sẽ có thuế suất từ 0 đến 5%. Một số nhà sản xuất trong nước lo ngại khi ấy hàng rẻ của Trung Quốc sẽ vào Việt Nam qua cửa chính và tràn ngập thị trường trong nước. Trong khi hàng biên mậu, tức mặt hàng bình dân, kém chất lượng sẽ tìm cách vào cửa sau, tác động đến sản xuất nội địa. Dù ở kịch bản nào, thách thức đối với hàng Việt Nam là vô cùng lớn, như cuộc trao đổi sau đây giữa BBC Việt Ngữ với bà Phạm Chi Lan, chuyên viên kinh tế từ Việt Nam. Phạm Chi Lan: Trên thực tế hàng Trung Quốc vào Việt Nam từ trước đến nay qua cả hai con đường, chính thức và con đường biên mậu. Cả hai con đường đó hàng TQ có thể cạnh tranh trên thị trường Việt Nam, cạnh tranh mạnh với nhà sản xuất, nhà cung cấp ngay trên thị trường mình, làm khó cho các doanh nghiệp VN ngay trên thị trường nội địa. Khi con đường chính thức tăng lên, (do giảm thuế) lập luận của tôi vẫn là họ đi đường chính họ vẫn cạnh tranh được, họ chẳng cần phải đi đường biên mậu nữa. Nói vậy chứ, con đường biên mậu nó vẫn hữu hiệu đối với họ vì biên mậu nó giúp cho doanh nghiệp nhỏ hơn của Trung Quốc, những nơi không có được chất lượng hoặc cách làm ăn lớn như các doanh nghiệp lớn, vẫn có thể xâm nhập thị trường Việt Nam. Họ vẫn có thể qua các cửa khác nhau để qua Việt Nam được bằng con đường biên mậu. Đường biên mậu với cách làm không chính thức đó nó càng khó khăn hơn cho các doanh nghiệp Việt Nam, nói cho cùng nó có thể giảm được rất nhiều chi phí cho công ty TQ. BBC: Lộ trình của Hiệp định tự do Thương mại Asean Trung Quốc cho thấy tới năm 2015, 90 phần trăm dòng thuế đánh vào hàng Trung Quốc sẽ ở mức từ 0 đến 5%. Thưa bà liệu các công ty Việt Nam có chuẩn bị kịp không? Phạm Chi Lan: Thực sự tôi lo đây là thách thức rất lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam. Tôi lo rằng trong 5 năm nữa nhiều doanh nghiệp khi phải trực diện cạnh tranh với hàng TQ khi vào Việt Nam sẽ không dễ gì cạnh tranh nổi. Vì thời gian năm năm có thể không đủ cho họ để nâng cao năng lực cạnh tranh của họ để đối phó với hàng Trung Quốc. Ai cũng biết nâng cao năng lực cạnh tranh không dễ dàng, nó phụ thuộc một phần vào doanh nghiệp, phụ thuộc vào môi trường kinh doanh, vào điều kiện phát triển chung của nền kinh tế Việt Nam. Các điều kiện phát triển hiện nay có nhiều mặt chưa thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam. Đây là thực tế không thể nào bỏ qua. Trong khi về phía Trung Quốc có thể nói là các nhà cầm quyền của Trung Quốc cũng đã có nỗ lực rất lớn và có các chính sách rất khôn ngoan để hỗ trợ cho doanh nghiệp của họ. Vì vậy vị thế của họ có thể luôn luôn là tốt hơn so với vị thế của các doanh nghiệp Việt Nam ở ngay thị trường của mình. BBC: Liệu Việt Nam có dùng vũ khí tự vệ hay những hàng rào phi quan thuế, phi thương mại, ví dụ như mình có thể chứng minh quần áo của Trung Quốc chứa chất độc hại, và từ đó không cho nhập nữa. Hoặc tái đàm phán một số điều khoản, một khi nền sản xuất trong nước bị tổn hại. Khả năng đó ra sao thưa bà? Phạm Chi Lan: Những công cụ này về nguyên tắc, về pháp lý thì có đấy nhưng thực hiện được hoàn toàn không dễ. Trong những năm qua không ít lần báo chí Việt Nam rộ lên những thông tin như là một số sản phẩm của TQ có những độc hại này khác. Ví dụ như sản phẩm sữa chẳng hạn. Lúc ở Trung Quốc họ nhắc đến vụ sì căng đan chất melamine trong sữa. Nhưng ở Việt Nam để có đủ bằng chứng chứng minh sữa nhập từ Trung Quốc có thể đang gây tác hại cho người tiêu dùng đây thì là vấn đề không dễ dàng. Ở Việt Nam trên thực tế những hàng rào về kỹ thuật còn rất thiếu vắng. So với các nước khác người ta tham gia thương mại toàn cầu lâu và họ kinh nghiệm hơn thì hàng rào kỹ thuật của họ cao hơn rất nhiều, chặt chẽ hơn rất nhiều. Và rất là tinh vi để họ có thể bảo vệ cho thị trường nội địa. Nhưng Việt Nam thì chưa có được những công cụ tương ứng như vậy. Cũng như cách thức của Việt Nam trong hệ thống hành chính đôi khi nó làm cho phản ứng chậm trễ hơn bởi vì có nhiều cơ quan khác nhau cùng phụ trách về một việc cho nên khi có việc gì, chỗ này lại nhìn chỗ kia. Hoặc chờ đợi họ bàn bạc phân công lẫn nhau giải quyết thì cũng rất là khó.
|