Lịch sử khốn khổ của Haiti |
Tác Giả: Nick Caistor / BBC |
Thứ Năm, 14 Tháng 1 Năm 2010 17:59 |
Haiti có vẻ là nơi phải hứng chịu quá nhiều hậu quả của các đợt hỗn loạn, nghèo khổ và thiên tai. Và cũng như bao lần trước đây tại nước này, vào đúng lúc tình hình có vẻ đang tiến triển tốt hơn thì một thảm họa mới lại giáng xuống. Trước khi bị phá hủy trong trận động đất hôm thứ Ba, dinh Tổng thống Haiti là tòa nhà đẹp nhất thủ đô Port-au-Prince. Tòa nhà trắng toát sừng sững, với kiến trúc hài hòa, là biểu tượng của những hứa hẹn vốn thường bị dập tắt tại đất nước gồm 10 triệu dân này. Tòa dinh thự này tọa lạc tại Champ de Mars, là quảng trường khổng lồ gần khu cảng ở Port-au-Prince. Đây là trung tâm thành phố, nơi tất cả các tòa nhà hành chính và công sở tập trung.
Rất nhiều trong số đó, kể cả giáo đường, bệnh viện chính và trụ sở gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc được biết đã bị phá hủy trong trận động đất tồi tệ nhất xảy ra tại đất nước này trong hơn 200 năm nay. Thiên tai Hàng ngàn người được cho là đã thiệt mạng tại đây, và số người chết có thể còn lên cao hơn rất nhiều tại những khu ổ chuột gần đó như Cite Soleil - nơi hàng chục ngàn người nghèo nhất Haiti sống trong các lều gỗ hay kim loại, không có nước dùng, không hệ thống nước thải, không điện. Rất nhiều cư dân trong khu ổ chuột bị buộc phải tới Port-au-Prince vì điều kiện tại các vùng nông thôn còn khổ hơn. Tình trạng suy dinh dưỡng nghiêm trọng, Aids và các bệnh kinh niên khác đang lan tràn. Haiti chiếm 1/3 khu núi phía tây của đảo Hispaniola. Khi những người châu Âu lần đầu đặt chân tới đây cách đây hơn 500 năm, họ ngạc nhiên là đất nước này lại có nhiều rừng đến vậy. Giờ đây, chỉ còn 3% rừng nguyên sinh còn sót lại. Phần lớn các khu rừng đã bị chặt để lấy gỗ hoặc than củi, vốn là nhiên liệu phổ biến nhất tại nước này.
Chính việc chặt phá rừng đã làm gia tăng các hậu quả của một loạt trận bão đổ vào nước này năm 2008, làm gần một ngàn người thiệt mạng và một triệu người bị mất nhà cửa sau khi bốn cơn bão ập vào thành phố quan trọng là Gonaives trong vài tuần. Năm 2004, một cơn bão nhiệt đới đã đổ bộ vào phía tây bắc nước này. Cảng lịch sử Cap Haitien phải gánh chịu hậu quả, làm khoảng 3000 người thiệt mạng. Bão tố chính trị Bên cạnh thiên tai, Haiti còn phải gánh chịu nhiều hậu quả trong suốt lịch sử đầy biến động chính trị và các chế độ cai trị tồi. Khi ‘Baby Doc’ Duvalier bị truất quyền năm 1986, có vẻ như nước này cuối cùng cũng được hưởng một giai đoạn dân chủ. Sau vài năm bất ổn, hi vọng mới được hình thành và gắn với cuộc bầu cử năm 1990, khi cựu tu sĩ Công giáo Jean-Bertrand Aristide đắc cử. Tuy nhiên, giai đoạn cầm quyền của ông ta chấm dứt chỉ sau vài tháng, khi các tướng tá quân đội lên tước quyền.
Kinh nghiệm dân chủ tại Haiti bị cắt ngắn, hàng ngàn người trở thành nạn nhân của chế độ mới và hàng người người khác phải bỏ chạy khỏi nước này trên các xuồng bè tự tạo. Lượng thuyền nhân di tản quá lớn vào Mỹ năm 1994 đã thuyết phục Tổng thống Bill Clinton rằng đã đến lúc phải dẹp bỏ các sĩ quan quân đội ở Haiti. Một lần nữa, ông Jean-Bertrand Aristide được phục hồi quyền lực, và một kỷ nguyên chính trị mới có vẻ bắt đầu. Dưới sự cầm quyền của ông Aristide và người kế nhiệm là Rene Preval, cùng với sự trợ giúp của Liên Hiệp Quốc cũng như các tổ chức viện trợ quốc tế khác, đời sống đã cải thiện đôi chút, mặc dù Haiti vẫn là quốc gia nghèo nhất tại Tây bán cầu, với thu nhập bình quân chưa đầy hai dollar/ngày. Khi ông Aristide tái đắc cử Tổng thống nhiệm kỳ hai vào năm 2001, tình hình chính trị lại thụt lùi, với nhiều biến động và bạo lực gia tăng. Tổng thống Aristide bị buộc phải từ chức vào đầu năm 2004, sau vài tháng biến động chính trị leo thang tại nước này. Một lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ với 9000 lính được gửi tới Haiti từ đó nhằm mang lại ổn định và giúp xây đường xá cũng như các cơ sở hạ tầng quan trọng khác. Ông Clinton, khi đó là đặc sứ của LHQ, đã dẫn đầu các nỗ lực nhằm thuyết phục các nhà tài trợ quốc tế thực hiện cam kết viện trợ. Dập tắt hi vọng Dưới thời của Tổng thống Rene Preval, vốn đắc cử nhiệm kỳ hai vào năm 2006, tình trạng tại Haiti đã có những cải thiện quan trọng: công ăn việc làm được tạo ra, các khu ổ chuột trở nên đỡ bạo lực và bắt đầu có dấu hiệu gia tăng về du lịch.
Nhưng giờ đây, cũng như bao lần đã xảy ra trong quá khứ của Haiti, những hi vọng mới này lại bị dập tắt. Liên Hiệp Quốc và cộng đồng quốc tế phải đưa ra những nỗ lực khổng lồ đơn giản chỉ để cứu hộ cho hàng ngàn nạn nhân cũng như dọn dẹp sau động đất. Nói chuyện sau những thảm họa năm 2008, Tổng thống Preval nói Haiti cần sự giúp đỡ lâu dài chứ không nên để “luôn bị bỏ rơi một mình để đối phó với những thảm họa mới”. Đối diện với khu dinh Tổng thống tại Champ de Mars ở Port-au-Prince là một bức tượng lớn mô tả những người bị bỏ rơi trên hoang đảo, là các nô lệ bỏ trốn, vốn là biểu tượng của cuộc đấu tranh giành độc lập của Haiti vào cuối thế kỷ 18. Người dân Haiti giờ đây cần có tinh thần tương tự nếu họ muốn vượt qua thảm họa mới đây nhất giáng xuống nước này.
|