Ngay cả khi kinh tế phục hồi, một số công việc ở Mỹ sẽ không còn |
Tác Giả: V.Giang / Người Việt |
Thứ Tư, 13 Tháng 1 Năm 2010 14:59 |
NEW YORK (WSJ) - Cuộc suy thoái kinh tế khởi sự hồi Tháng Mười Hai năm 2007 đánh một đòn nặng vào giới công nhân Hoa Kỳ. Chỉ trong hai năm, có đến 7.2 triệu người bị cho nghỉ việc, đưa mức thất nghiệp từ 5% lên 10%, theo Bộ Lao Ðộng. Tình trạng trầm trọng của cuộc khủng hoảng này cũng có ảnh hưởng lâu dài đến thị trường lao động. Một số công việc mất đi sẽ có trở lại. Nhưng một số khác coi như mất hẳn. Hàng dài người tại một hội chợ kiếm việc làm dành riêng cho cựu quân nhân Hoa Kỳ. (Hình: Getty Images) Nhiều công việc được tạo ra nhờ phát triển trong thị trường nhà cửa và tín dụng coi như sẽ bị xóa luôn sau vụ sụp đổ vừa qua. “Mức hoạt động kinh tế lớn lao liên quan đến lãnh vực nhà cửa, tôi thấy sẽ không quay trở lại,” theo lời nhà kinh tế ở đại học Harvard Lawrence Katz. “Ðó từng là một phần không lấy gì lành mạnh cho nền kinh tế.” Có thể không lành mạnh, nhưng là một cơ hội kiếm tiền cho những người đàn ông không có bằng đại học. Cứ một trong ba công việc, tổng cộng khoảng 6 triệu việc làm, bị mất đi trong lãnh vực sản xuất kể từ năm 1997 đến nay. Sự phát triển trong ngành xây cất giúp cho những người từng trong lãnh vực sản xuất này có cơ hội kiếm được số lương khấm khá. Nay, cánh cửa đó cũng đóng lại. Với khoảng 1.6 triệu công việc làm bị mất trong hai năm qua, ngành xây cất chiếm khoảng một phần năm trong số các công việc bị mất từ khi cuộc suy thoái kinh tế khởi sự. Với những người có trình độ học vấn cao hơn, ngành tài chánh sẽ không còn cho nhiều cơ hội làm tiền nhiều như trước. Thomas Philippon, một kinh tế gia tại trường thương mại Stern thuộc đại học New York University, ước lượng khu vực tài chánh mất khoảng 548,000 công việc, tức 6.6% tổng số nhân sự của ngành này, và ông Philippon cho rằng sẽ còn có thêm áp lực giảm người trong ngành tài chánh. Trong các lãnh vực khác của thị trường lao động, cuộc suy thoái kinh tế đẩy mạnh tình trạng giảm nhân sự trong một số lãnh vực mà trước sau gì cũng xảy ra. Vào Tháng Mười Một năm ngoái, số người làm trong các tiệm bán dĩa nhạc giảm 36% so với hai năm trước đó, theo Bộ Lao Ðộng. Số người làm trong các công ty cung cấp danh sách để gửi thư quảng cáo (mailing list publishers) giảm 23% và giảm 46% ở các tiệm rửa hình. Ðây là những công việc mà với sự phổ biến tràn lan của mp3, Google và kỹ thuật số, trước sau gì cũng không còn. Nhưng với ảnh hưởng của kinh tế đối với các doanh nghiệp vốn đã suy yếu, thành phần lao động trong những ngành này bất ngờ bị đẩy vào thế mất việc ào ạt thay vì diễn ra từ từ. Cuộc suy thoái cũng cho các công ty cơ hội cắt giảm người trong những phần vụ không còn cần thiết như trước, như thư ký và nhân viên phòng phát thơ của công ty. Số người làm công việc văn phòng và điều hành giảm khoảng 10.1% kể từ khi cuộc suy thoái khởi sự. Hiện chưa ai biết các công việc sắp tới để thay thế công việc mất đi sẽ là gì. Nhưng Giáo Sư Katz ở Harvard nói rằng các kinh nghiệm quá khứ cho thấy dự đoán những điều này khó chính xác. “Một điều chúng ta học được là khi tiên đoán các công việc trong vòng 10, 15 năm tới, chúng ta nhiều khi chẳng biết được những công việc đó trong ngành nghề nào.” |