Tranh chấp tại giáo xứ Đồng Chiêm, Hà Nội |
Tác Giả: Gia Minh, phóng viên RFA |
Thứ Tư, 06 Tháng 1 Năm 2010 22:28 |
Sáng sớm ngày 6 tháng 1-2010, tại xứ Đồng Chiêm, thuộc thôn Đồng Chiêm, xã An Phú, huyện Mỹ Đức, Hà Nội đã xảy ra tranh chấp giữa chính quyền với giáo dân.
Theo tin của mạng Vietcatholic, hằng trăm cảnh sát cơ động và chính quyền địa phương đã đến triệt hạ cây Thánh giá trên Núi Chẻ tại xứ Đồng Chiêm. Một số giáo dân phản ứng đã bị trấn áp, bị đánh đập. Gia Minh liên lạc với phía Nhà thờ Đồng Chiêm, và Ủy Ban Nhân dân Xã An Phú để tìm hiểu tình hình và trình bày thông tin liên quan.
Thông tin về việc chính quyền địa phương yêu cầu giáo dân Xứ Đồng Chiêm phải tháo dỡ cây thánh giá được dựng trên Núi Chẻ được tờ Lao Động loan đi từ hồi tháng chín. Ngay vào thời điểm đó chúng tôi liên lạc với linh mục Nguyễn Văn Hữu, phụ trách giáo xứ để tìm hiểu về thông tin liên quan và được ông cho biết:
Trên xã có ý kiến như thế nhưng chúng tôi nói với các cấp là trước khi chúng tôi làm (dựng Thánh Giá) thì chẳng thấy quí ban, các cấp chính quyền nói gì; đang khi làm cũng không thấy chính quyền có ý kiến gì. Giờ làm xong rồi mà tháo dỡ, đó là vấn đề tế nhị và khó. Chính quyền thì nói rồi họ cũng sẽ dỡ.
Đất này là đất của giáo xứ Đồng Chiêm từ trước cho đến nay. Từ hồi thành lập giáo xứ cho đến khi chính quyền nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời thì giáo xứ vẫn sử dụng đất đó. Trên quả núi thì giáo dân người ta chôn cất những trẻ em vô tội. Khi sang chế độ mới này thì dân không xin làm sổ đỏ vào trong đất sử dụng của nhà xứ, vì người dân nghĩ rằng đó là nơi chôn cất các hài nhi, và nhà xứ vẫn đang sử dụng. Lâu lắm rồi chúng tôi có nguyện vọng dựng cây Thánh Giá lên trên đại phần mộ của tổ tiên, các trẻ em, ông bà qua đời từ xưa cho đến nay. Việc xây dựng Thánh Giá cao hơn 5 mét trên núi chỉ có cây thì không ảnh hưởng gì. Dân chúng tôi xem đó là núi cấm, Núi Thờ linh thiêng, nên không khai thác gì cả. Chúng tôi giữ gìn và làm đẹp thêm cảnh quan nữa. Những núi chung quanh thì dân chặt cây, khai thác đá. Nhiều người bị đánh, bị thươngVào sáng ngày 7 tháng 1 sau khi có thông tin về việc chính quyền địa phương và cảnh sát cơ động đến để triệt hạ Thánh giá và đánh đập những giáo dân phản đối, chúng tôi lại liên lạc với linh mục Nguyễn Văn Hữu và được thông báo: Sự việc xảy ra khi chúng tôi – linh mục chính xứ và phó xứ, đang đi tĩnh tâm tại Tòa Giám mục Hà nội. Theo thông báo thì sự việc xảy ra từ lúc hai giờ sáng đến độ bảy giờ sáng. Chính quyền đã có sự sắp đặt, họ phong tỏa các đường vào, và ngăn chặn không cho dân đến chứng kiến việc chính quyền tháo dỡ , đập phá Thánh Giá. Dân thấy việc làm không đường đường chính chính của chính quyền, giữa ban ngày nên họ cũng bất bình và phản kháng.
Cây Thánh Giá thì họ cưa đến tận gốc ở chân núi, rồi cưa ra từng mảnh và đập không còn hình thù gì chỉ còn một số miếng bê tông thôi. Khi về tôi cũng chưa gặp chính quyền địa phương, và chúng tôi thiết nghĩ có gặp cũng không cải thiện được tình hình vì đánh đập giáo dân cũng đã đánh đập rồi và phá Thánh Giá thì cũng phá rồi. Khi sống trong môi trường, hoàn cảnh thì chúng tôi biết nếu có đưa đơn hay làm gì thì cũng vô vọng… Sau chuyến đi thăm Vatican của ông chủ tịch Nguyễn Minh Triết, có một số cán bộ chính quyền đến nói với chúng tôi là khép lại quá khứ mở ra một kỷ nguyên mới; trong khi chính quyền nói là phải chống lại phản động thì họ lại bảo chúng tôi phản lại đấng mà chúng tôi tôn thờ, đó xem ra mâu thuẫn. Các cấp chính quyền đến gồm từ thành phố đến xã. Giải thích của chính quyềnChúng tôi liên lạc với Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã An Phú, Huyện Mỹ Đức để tìm hiểu chủ trương của chính quyền trong vấn đề này:
Ông Chủ tịch xã: Họ nói thế là không đúng. Việc làm của họ Ban Hành giáo cũng tự nhận là sai, có văn bản xử lý hành chính của xã rồi. Chúng tôi không muốn ‘đao to, búa lớn’ nên vận động tuyên truyền mặt trận, đoàn thể: thanh niên, phụ nữ, hội cựu chiến binh, chỉ riêng hội phụ nữ cũng đồng tinh nhưng không được cao. Việc đó để tự tháo dỡ thôi với sự hỗ trợ bảo vệ. Xã, thôn bố trí thôi. Gia Minh: Việc tháo dỡ sao tiến hành lúc hai giờ sáng? Ông Chủ tịch xã: Ai bảo hai giờ sáng, việc tuyên truyền như thế không đúng. Bắt đầu 5 giờ anh em chúng tôi mới thực hiện. Chúng tôi làm công khai. Gia Minh: Còn việc đánh hai phụ nữ bị thương thì thế nào thưa ông? Ông Chủ tịch xã: Đấy là tự người ta. Mấy ‘con mẹ’ ăn vạ ném vào anh em tôi, dân ném linh tinh một số thôi. Chúng tôi đưa ra bệnh viện một lúc rồi về, xong về nghe ai tuyên truyền lại ra Hà Nội thì đó là việc của họ. Gia Minh: Việc tháo dỡ một cây Thánh Giá như thế có cần đến cả mấy trăm công an cơ động không? Ông Chủ tịch xã:Đó và việc đề phòng anh em bị họ ném đất đá thôi. Gia Minh: Họ nói dựng Thánh Giá không có ảnh hưởng gì mà còn giữ cảnh quan nữa? Ông Chủ tịch xã: Tốt nhất hôm nào ông về trực tiếp địa phương, giờ nói ‘mênh mông’ cũng khó. Sự kiện chính quyền địa phương tại xã An Phú, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội cho phá dỡ Cây Thánh giá trên đỉnh Núi Chẻ hôm ngày 6 tháng 1 vừa qua, cũng tương tự vụ việc tại giáo xứ Bàu Sen, huyện Bố Trạch,tỉnh Quảng Bình vào khi lực lượng địa phương cũng bao vây giáo dân để tháo dỡ bức tượng Đức Mẹ mà giáo dân dựng trên Núi Lèn nhìn xuống nghĩa trang của giáo xứ, với tâm nguyện được an ủi khi sống cũng như lúc qua đời. |