Home Tin Tức Thời Sự Việt Nam, 10 sự kiện nổi bật trong năm 2009

Việt Nam, 10 sự kiện nổi bật trong năm 2009 PDF Print E-mail
Tác Giả: Người Việt   
Thứ Năm, 31 Tháng 12 Năm 2009 21:52

 1. Gia tăng đàn áp tôn giáo

Nhà cầm quyền Việt Nam trong năm 2009 gia tăng các đợt đàn áp tôn giáo mà nổi bật nhất là vụ Giáo xứ Tam Tòa và Tu viện Bát Nhã Lâm Ðồng

* Giáo phận Vinh biểu tình

 Hàng ngàn giáo dân Giáo Phận Vinh hiệp thông với Tam Tòa. (Hình: huongvedaihoidanchua.net)

Ngày mùng 2 Tháng Tám, 2009 có ít nhất nửa triệu giáo dân thuộc 178 giáo xứ của giáo phận Vinh đã biểu tình tại nhiều nơi khác nhau, tố cáo nhà cầm quyền Ðồng Hới đánh đập các linh mục tu sĩ nam nữ và giáo dân.

Họ mang theo cờ Tòa Thánh và nhiều biểu ngữ yêu cầu nhà nước cộng sản Việt Nam chấm dứt các cuộc bách hại Kitô hữu giáo xứ Tam Tòa và trả lại nơi thờ phượng cho tín hữu cũng như chấm dứt chiến dịch vu khống Giáo Hội Công Giáo qua các phương tiện truyền thông.

Ðây là cuộc biểu tình lớn thứ hai sau cuộc biểu tình ngày 26 Tháng Bảy, 2009 với gần 250,000 tín hữu thuộc 18 trên tổng số 19 hạt tham dự.

Các cuộc biểu tình này được tổ chức để phản đối vụ đánh đập, bắt giữ một số tín đồ Công Giáo khi họ dựng một nhà tạm che mưa nắng (ngày 20 Tháng Bảy, 2009) trên nền nhà thờ Tam Tòa, thành phố Ðồng Hới, tỉnh Quảng Bình, bị bỏ hoang suốt từ thời chiến tranh đến nay.

Nhà cầm quyền địa phương đàn áp vì cho đó là một di tích chiến tranh “tội ác đế quốc Mỹ” cần phải duy trì trong khi phía Công Giáo thì muốn đòi lại tài sản để xây dựng nhà thờ như cũ.

Các cuộc biểu tình này với số lượng người tham gia một cách kỷ luật và đông đảo nhất từ trước tới nay ở Việt Nam mà không do nhà nước tổ chức.

* 400 Tăng sinh Bát Nhã phải ra đi

Tượng đài Mẹ tại công trường Bông Hồng Cài Áo, tu viện Bát Nhã, Lâm Ðồng, bị đập phá cuối Tháng Sáu, 2009. (Hình: phapnanbatnha.net) 

Cuối Tháng Sáu, 2009, tu viện Bát Nhã, thuộc xã Dambri, thị xã Bảo Lộc, tỉnh Lâm Ðồng, rơi vào hỗn loạn, khi, gần 200 người kéo vào đập phá và đòi đuổi gần 400 tăng sĩ đang tu tập theo pháp môn Làng Mai ra khỏi tu viện.

Ðêm Thứ Bảy, 27 Tháng Sáu, kéo dài cho đến khuya 28, rạng sáng 29, khoảng 200 “thanh niên xã hội đen” kéo vào tấn công tu viện, đập phá bếp ăn, quăng đồ đạc của giới tu sĩ, và yêu cầu gần 400 tăng sinh, giáo thọ tại đây phải rời tu viện.

Những người tu tập, là môn đồ của Thiền Sư Nhất Hạnh, từ chối lời yêu cầu.

Tình thế giằng co kéo dài cho đến ngày 13 Tháng Tám, khi truyền thông quốc tế đưa tin, lần đầu tiên phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao CSVN nói rằng: môn đồ của Thiền Sư Nhất Hạnh chỉ được phép ở lại tu viện Bát Nhã đến ngày 2 Tháng Chín, 2009.

Ngay sau đó hàng ngàn người đã ký thỉnh nguyện thư yêu cầu nhà cầm quyền Việt Nam ngưng đàn áp các Tăng sinh Bát Nhã.

Sáng ngày 27 Tháng Chín, một lần nữa tu viện Bát Nhã bị công an tấn công.

Ngày 30 Tháng Chín, Thiền Sư Nhất Hạnh, bằng bút danh Nguyễn Lang, lần đầu tiên lên tiếng về vụ Bát Nhã trong hai bức thư, một gởi cho Chủ Tịch Việt Nam Nguyễn Minh Triết, một gởi cho nhân sĩ, trí thức trong và ngoài nước.

Sau đó, nhà cầm quyền và công an tiếp tục quấy phá khiến các tăng sinh phải rời tu viện Bát Nhã sang ẩn náu tại chùa Phước Huệ. Lúc này số tăng sinh chỉ còn 200 người.

Sau 3 ngày liên tiếp (9, 10, 11 Tháng Mười Hai) bị nhà cầm quyền và công an gây áp lực, “Thượng Tọa trụ trì chùa Phước Huệ - Thích Thái Thuận - đã phải ký vào biên bản cam kết với chính quyền sẽ yêu cầu các Tăng sinh Làng Mai rời khỏi chùa trước thời hạn chót là ngày 31 Tháng Mười Hai.

Ngày 29 Tháng Mười Hai, theo Thượng Tọa Thích Thái Thuận, hầu hết các tăng sinh Làng Mai đã rời chùa Phước Huệ, vụ Bát Nhã coi như đã chấm dứt.

Hiện nay, Làng Mai đang vận động chính phủ Pháp cho những tăng sinh Làng Mai sang Pháp tị nạn nhưng chưa rõ kết quả ra sao.

2. Chống khai thác Bauxite Tây Nguyên

Trang mạng “Bauxite Việt Nam” bị tin tặc đánh sập trong Tháng Mười Hai, 2009. (Hình: Người Việt) 

Sự kiện Việt Nam đồng ý cho các nhà thầu Trung Quốc khai thác bauxite tại Tây Nguyên đã dấy lên làn sóng phản đối của người Việt Nam cả trong lẫn ngoài nước, trong đó có hàng ngàn tiếng nói lương thức của các nhà khoa học, văn hóa, trí thức...

Ðiều đặc biệt nhất là sự xuất hiện trang mạng “Bauxite Việt Nam.” Ngày 19 Tháng Tư, 2009, blog bauxite Vietnam xuất hiện. Báo điện tử cá nhân (blog) này ra đời sau khi các ông Nguyễn Huệ Chi, Phạm Toàn và Nguyễn Thế Hùng và 132 người nữa, hầu hết là trí thức các ngành chuyên môn ký tên trên bản kiến nghị ngày 12 Tháng Tư, 2009 gửi nhà nước Việt Nam khuyến cáo ngừng khai thác bauxite, nghiên cứu cho kỹ lưỡng trước khi tiến hành. Lúc đầu họ chỉ có hộp thư (e-mail) rồi chuyển sang blog. Nhưng vì sự hưởng ứng quá nhiều và quá nhanh, họ chuyển sang thành trang mạng (website) lấy tên bauxitevn.info. Từ đó đến nay đã có hơn 17.5 triệu lượt người vào đọc các bài viết, đọc tin và phản hồi, góp ý hoặc gửi bài viết.

Số người ký tên vào kiến nghị gửi nhà nước phổ biến trên mạng ngừng ở con số gần 3,000 người. Nhưng trang báo này không còn ngừng ở dự tính ban đầu là phản biện về chương trình khai thác bauxite, mà đã trở thành một diễn đàn thông tin đa chiều, khách quan về mọi mặt liên quan đến tình hình đất nước.

Nhóm chủ trương bauxitevn đã gửi 3 bức thư ngỏ đến lãnh đạo nhà nước và Quốc Hội về chương trình khai thác bauxite nhưng đều không có hồi âm cho đến nay. Trước sự lớn mạnh của nó, kẻ xấu giấu mặt đã đánh sập bauxitevn.info ít nhất 5 lần mà lần cuối cùng xảy ra trong Tháng Mười Hai.

Ðây là báo điện tử có tầm ảnh hưởng vượt lên tất cả hệ thống báo đảng và nhà nước dù chỉ xuất hiện mới một thời gian ngắn. Nhóm chủ trương khẳng định “Bauxite Việt Nam không phải là một trang chính trị đối lập mà chỉ là một trang mạng của trí thức lên tiếng góp ý xây dựng đối với đất nước,” nhưng độc giả có thể tìm thấy ở đây những thông tin thuộc loại “nhạy cảm” mà không một tờ báo chính thức nào ở Việt Nam dám đăng tải.

3. Trung Quốc cấm ngư dân Việt Nam đánh cá trên biển Ðông - Ðâm chìm tàu đánh cá, bắt giữ ngư dân Việt, tập trận ở Hoàng Sa Trường Sa

 Cha con ông Lê Ðủ ở Quảng Ngãi, hai trong số nhiều ngư dân bị Trung Quốc bắt và đánh đập. (Hình: SGTT)

Cuối Tháng Sáu, 2009, Trung Quốc loan báo cấm đánh cá trên biển Ðông trên vùng biển họ đánh dấu hình “lưỡi bò” mà họ ngang ngược xác định chủ quyền, từ ngày 15 Tháng Sáu đến ngày 1 Tháng Tám, 2009. Nằm trong “lưỡi bò” chiếm đến 80% biển Ðông này là các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

Trong thời gian này, ngư dân Việt Nam đánh cá gần quần đảo Hoàng Sa đã bị đâm chìm tàu hoặc bị kéo tàu về đảo Phú Lâm đòi tiền chuộc. Thậm chí chạy đến trú bão cũng bị đánh đập và cướp hết tài sản.

Vừa dứt hạn cấm đánh cá là Trung Quốc, ngày 16 Tháng Tám, 2009 tổ chức tập trận qui mô phối hợp nhiều lực lượng khác nhau ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Từ cấm đánh cá, đâm chìm tàu, bắt ngư dân Việt đến tổ chức tập trận qui mô, báo bán chính thức của Trung Quốc bắn tiếng là muốn thử ý chí của người Việt Nam xem có dám phản ứng gì trước sự khiêu khích của họ trong sự tranh chấp chủ quyền biển đảo.

4. Công bố Sách Trắng Quốc Phòng, mua tàu ngầm, chiến đấu cơ


Bộ Trưởng Quốc Phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh thăm Mỹ làm Bắc Kinh khó chịu. (Hình: Getty Images)
 

Ngày 08 Tháng Mười Hai, 2009 Bộ Quốc Phòng Việt Nam họp báo công bố “Sách Trắng Quốc Phòng.” Ðây chỉ là lần thứ ba kể từ năm 1998 đến nay có chuyện công khai hóa chi tiêu quốc phòng.

Sách Trắng Quốc Phòng Việt Nam cho hay ngân sách hàng năm 27 ngàn tỉ đồng hay khoảng $1.4 tỉ USD, chiếm 1.8% ngân sách nhà nước. Sự công bố diễn ra ít ngày trước khi ba phái đoàn ra ngoại quốc hoặc ký hợp đồng mua tàu ngầm, chiến đấu cơ, hoặc hỏi mua võ khí trang bị.

Sách Trắng Quốc Phòng của Việt Nam cho biết quân đội khoảng 450 ngàn người và khoảng 5 triệu quân dự bị.

Ngày 15 Tháng Mười Hai, 2009, Nguyễn Tấn Dũng, thủ tướng, cầm đầu một phái đoàn đến Nga ký hợp đồng mua 6 tàu ngầm hạng Kilo và có thể cả một số võ khí khác, gồm cả chiến đấu cơ đa năng SU-30MK2, tàu tuần, trực thăng võ trang.

Các chi tiết của hợp đồng từ trị giá đến số lượng không được tiết lộ ngoài điều ông Dũng xác nhận với báo Nga là có chuyện mua tàu ngầm.

Nhưng báo chí Nga dựa vào nguồn tin kỹ nghệ nói Việt Nam mua của Nga 6 tàu ngầm hạng kilo và điều đình mua thêm 12 SU-30MK2. Trị giá 6 tàu ngầm khoảng $1.8 tỉ USD bao gồm cả việc thiết trí căn cứ tàu ngầm ở Cam Ranh. Tàu ngầm hạng Kilo được coi là hiện đại trang bị hỏa tiễn, khó phát hiện, có khả năng tác chiến chống hạm và tàu ngầm ở trong các vùng biển nước nông như quanh Việt Nam.

Vụ mua bán này được báo chí Nga xác định là vụ bán võ khí quan trọng, nâng việt Nam lên số 3 nước khách hàng quan trọng nhất của họ.

Bên cạnh chuyện ký hợp đồng ở Nga, Bộ Trưởng Quốc Phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh, cùng thời gian trên, xin Mỹ bỏ lệnh cấm bán võ khí sát thương và hỏi mua trực thăng võ trang, máy bay vận tải quân sự của Pháp. Ngoài ra, Thứ Trưởng Quốc Phòng Nguyễn Huy Hiệu, cùng thời gian, đi xem xưởng đóng tàu chiến của Hàn Quốc và một công ty sản xuất phần mềm điều khiển các loại trang bị và võ khí điều khiển điện tử.

Ba phái đoàn Việt Nam đi ngoại quốc cùng một lúc và mua võ khí được báo chí nhà nước hô hoán ầm ỹ chứ không che giấu như suốt nhiều chục năm qua. Tranh chấp chủ quyền biển đảo giữa Việt Nam và Trung Quốc có rất nhiều căng thẳng trong năm 2009.

5. Hàng loạt các nhà đầu tranh dân chủ bị bắt và bỏ tù

 Luật Sư Lê Công Ðịnh. (Hình: Getty Images)

Ngày 13 Tháng Sáu, 2009, nhà cầm quyền Việt Nam bắt giam luật sư nhân quyền Lê Công Ðịnh ở Sài Gòn. Ít ngày trước đó đã bắt ông Trần Huỳnh Duy Thức và ông Lê Thăng Long.

Ðến ngày 7 Tháng Bảy, 2009 thì bắt thêm ông Trần Anh Kim ở Hải Phòng và Nguyễn Tiến Trung ở Sài Gòn.

Hai ông Kim và Trung đều công khai xác nhận mình là các đảng viên đảng Dân Chủ Việt Nam. Khi chế độ Hà Nội mở họp báo về các cuộc bắt giữ này, người ta thấy các ông Ðịnh, Duy Thức và Long cũng bị cột vào đảng nói trên và thêm nhiều hoạt động chống đối chế độ với những tổ chức khác, bị cáo buộc là “phản động” hay “khủng bố.”

Bốn ông Ðịnh, Trung, Kim, Duy Thức được thấy nhìn nhận tội lỗi qua đoạn video phổ biến trên truyền hình Việt Nam ngày 19 Tháng Tám, 2009 giống như đọc thuộc lòng bài viết sẵn của công an. Lúc đầu họ chỉ bị vu cho tội “tuyên truyền chống nhà nước” theo điều 88 Luật Hình Sự mà bản án cao nhất đến 20 năm tù. Nhưng gần đây, họ bị đổi tội danh sang thành “Âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân” theo điều 79 của Luật Hình Sự mà bản án tối đa lên đến tử hình.

Thạc sĩ tin học Nguyễn Tiến Trung. (Hình: Blog Nguyen Tien Trung

Ông Trần Anh Kim bị lôi ra tòa đầu tiên, ngày 28 Tháng Mười Hai, 2009 và bị kết án 5 năm rưỡi tù. Các người còn lại sẽ bị ra tòa ngày 20 Tháng Giêng, 2010.

Song song đó, 9 người ở vận động dân chủ ở Hà Nội, Hải Phòng bị bỏ tù. Ðầu Tháng Mười, từ ngày mùng 6 đến ngày 9 Tháng Mười, 2009 nhà cầm quyền Việt Nam đã mở các phiên tòa tại Hà Nội và Hải Phòng bỏ tù 9 người tham gia đấu tranh dân chủ.

Sáu trong số 9 người đó bị cáo buộc tham gia treo các biểu ngữ chống tham nhũng, đòi đa nguyên đa đảng và tuyên bố các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam. Các ông Trần Ðức Thạch, Vũ Hùng và Phạm Văn Trội bị xử riêng ở Hà Nội từng người một. Nhưng 6 ông bị xử chung ở Hải Phòng gồm Nguyễn Xuân Nghĩa, Nguyễn Mạnh Sơn, Ngô Quỳnh, Nguyễn Văn Tính, Nguyễn Kim Nhàn, Nguyễn Văn Túc.

Ông Nghĩa bị kêu án nặng nhất với 6 năm tù và 3 năm quản chế. Dù báo chí của chế độ gọi là “vụ án xâm phạm an ninh quốc gia rất nghiêm trọng” nhưng họ lại không bị khép vào điều 79 mà chỉ bị vu cho tội “tuyên truyền chống nhà nước” theo điều 88 của Luật Hình Sự.

Chính phủ, Quốc Hội Hoa Kỳ và Âu Châu cũng như các tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế đều lên án các phiên tòa này là xâm phạm quyền tự do phát biểu và quyền tự do chính trị của người dân đã được ghi trên Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền, Công Ước Quốc Tế về Các Quyền Dân Sự và Chính Trị mà CSVN đã đặt bút ký cam kết tuân hành.

6. Hạm trưởng USS Lassen Lê Bá Hùng thăm Việt Nam

 Hạm Trưởng Lê Bá Hùng tại cảng Tiên Sa, Ðà Nẵng. (Hình: Getty Images)

Chiến hạm USS Lassen, một trong những chiến hạm tối tân nhất của Hải Quân Hoa Kỳ trang bị hỏa tiễn điều khiển, ghé thăm cảng Tiên Sa, Ðà Nẵng, ngày 7 Tháng Mười Một, 2009. Ðây là chuyến thăm viếng bình thường của Hải Quân Mỹ trong khu vực được xếp đặt giữa nhà cầm quyền Việt Nam với chính phủ Hoa Kỳ sau khi hai nước bình thường hóa quan hệ ngoại giao. Nhưng sự việc được dư luận quan tâm theo dõi là người chỉ huy chiến hạm nói trên lại là một người gốc Việt Nam, Hải Quân Trung Tá Lê Bá Hùng.

Cha của ông, cũng là một sĩ quan cao cấp của Hải Quân VNCH, Hải Quân Trung Tá Lê Bá Thông, mang các con chạy trốn cộng sản khi miền Nam sụp đổ và khi đó ông Hùng mới 5 tuổi.

Ông Thông đưa gia đình định cư ở Bắc Virginia, làm người phụ thâu ngân đứng xếp đồ cho khách (bagger) ở siêu thị leo dần đến chức quản lý, nuôi các con ăn học. Ông Hùng đã theo gương cha, ghi tên học ở Học Viện Hải Quân, ra trường năm 1992 hạng danh dự. Mười bảy năm sau, trở thành hạm trưởng và trở lại quê cũ ở vị trí mà chính ông cũng không thể nào hình dung ra khi còn nhỏ.

Khi chạy trốn, gia đình ông Thông được một tàu Hải Quân Mỹ vớt. Khi trở lại Việt Nam, người con của ông là một hạm trưởng Hoa Kỳ, một câu chuyện được mô tả như chuyện huyền thoại.

Một số người cho đây là một tín hiệu chính trị trong mối quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Hoa Kỳ vào lúc có nhiều căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc về các vấn đề chủ quyền biển đảo.

7. Báo chí Úc tiếp tục phanh phui vụ hối lộ 10 triệu đô la Úc in tiền Polymer cho Việt Nam

Lương Ngọc Anh, tổng giám đốc công ty CFTD, bị báo Úc The Age tố đứng làm bình phong nhận tiền hối lộ cho quan chức VN để công ty Securency (Úc) trúng thầu in tiền giấy nhựa polymer. (Hình: báo ÐCSVN) 

Ngày 30 Tháng Mười, 2009, báo The Age ở Úc lại tiếp tục khui vụ hối lộ cho quan chức Việt Nam để in tiền giấy nhựa cho nước này từ năm 2001. Ðiểm chính của bài viết này nói nhiều về cá nhân ông Lương Ngọc Anh, tổng giám đốc công ty Phát Triển Công Nghệ (viết tắt là CFTD) ở Hà Nội.

Vụ này đã từng khiến cho Lê Ðức Thúy, thống đốc Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam mất chức.

Người ta biết muốn có các hợp đồng béo bở, các công ty ngoại quốc phải thương thuyết và ký hợp đồng với các công ty bình phong, cơ sở kinh doanh có cái vỏ tư nhân nhưng thật sự là nhận tiền của hối lộ của các công ty nước ngoài rồi chuyển lại cho những kẻ thụ hưởng thật sự (tức quan chức cao cấp trong hệ thống đảng và nhà nước CSVN).

Bài báo của The Age cho rằng nếu không có mối quan hệ chặt chẽ với hệ thống quyền lực và công an, Lương Ngọc Anh không thể có được các hợp đồng mua sắm vừa lớn vừa “nhậy cảm” từ in tiền đến trang bị kỹ thuật cho công an, trang bị quốc phòng.

Trong một cuộc hội thảo về phòng chống tham nhũng ở Việt Nam, ngày 28 Tháng Mười Một, 2008 tham vụ Tòa Ðại Sứ Hòa Lan tại Việt Nam, Beng Van Loosdlecht, phát biểu, “Chúng tôi đang có cảm nhận là thế cờ chống tham nhũng đã đảo ngược, bị sai lệch. Con cá bé bị bắt, con cá to lại lọt lưới.”

Bình luận về vụ này, Tổng Thanh Tra Chính phủ Việt Nam Trần Văn Truyền nói các tin do báo Úc khui ra chỉ dùng để “tham khảo” trong khi ông Phó Tổng Thanh Tra Mai Quốc Bình có vẻ thành thật hơn nên nói vụ việc này “khó nói lắm.”

8. Phá giá đồng bạc Việt Nam 5%

 Việt Nam đã ra lệnh phá giá đồng tiền 5% vào đầu Tháng Mười Hai, 2009. (Hình: HoanDinhNam/Getty Images)

Thị trường tài chính tại Việt Nam đã chao đảo sau ngày 26 Tháng Mười Một, khi ngân hàng nhà nước ban hành lệnh phá giá đồng tiền 5% bên cạnh việc tăng lãi suất ngân hàng, thu hẹp biên độ tỉ giá hối suất và ép các công ty xuất cảng có nhiều ngoại tệ phải bán bớt lại cho nhà nước.

Ðây là những biện pháp đưa ra nhằm chống đỡ cho đồng nội tệ đang gặp cơn khốn đốn và dự trữ ngoại tệ xuống rất thấp. Tỉ giá chính thức liên ngân hàng từ 17,034 đồng/USD được nâng lên thành 17,961 đồng/USD, mất giá 5.4%.

Ông Nguyễn Văn Giàu, thống đốc Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam, loan báo hôm 25 Tháng Mười Một, là các biện pháp nói trên nhằm “can thiệp nhanh và mạnh nhằm bình ổn thị trường ngoại hối đang hết sức căng thẳng hiện nay.”

Ðồng bạc đã mất giá trị nhanh vì một số yếu tố, gồm cả tình trạng thiếu đô la. Bởi vậy, Ngân Hàng Nhà Nước đã phải buộc hệ thống ngân hàng kìm giữ ngoại tệ vì nguồn ngoại hối dự trữ xuống thấp do hậu quả giảm sút của xuất cảng, đầu tư ngoại quốc và tiền kiều hối. Những lời đồn đãi đồng bạc sắp bị đánh sụt giá làm người ta lo tích trữ, đầu cơ cả đô la và vàng làm cho thị trường nhốn nháo những ngày gần đây. Ngân Hàng Nhà Nước đã phải vội vàng cho nhập cảng 10 tấn vàng để đối phó với tình thế.

Sự kiện Việt Nam phá giá đồng bạc 5% đã được hầu hết các tờ báo chuyên về tài chính trên thế giới quan tâm.

9. Việt Nam đăng ký Thềm Lục Ðịa Mở Rộng tại LHQ

 Biển Ðông giàu tài nguyên của Việt Nam luôn bị láng giềng phương Bắc dòm ngó. (Hình: Getty Images)

Ngày 6 Tháng Năm, 2009, Việt Nam nộp hồ sơ đăng ký thềm lục địa mở rộng chung với Malaysia ở phần biển phía Nam mà hai nước có những phần giao tiếp, chồng lấn. Ngày 7 Tháng Năm, 2009, Việt Nam nộp riêng hồ sơ đăng ký thềm lục địa mở rộng ở phía Bắc.

Trung Quốc tức thì phản đối và lại còn đưa ra một tấm bản đồ biển Ðông đánh dấu bằng 9 đoạn đứt khúc, theo đó phần giữa và chiếm đến 80% biển Ðông là của Trung quốc.

Theo Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS), mà theo công ước này, các quốc gia ven biển được quyền mở rộng thềm lục địa của mình đến tối đa là 350 hải lý căn cứ vào điều kiện địa chất, địa mạo của từng khu vực để xác định.

Trung Quốc chống các bản đăng ký của Việt Nam vì đang chiếm của Việt Nam quần đảo Hoàng Sa và một phần quần đảo Trường Sa. Trong năm qua, Trung Quốc đã tổ chức nhiều cuộc tập trận qui mô quanh các quần đảo này để đe dọa Việt Nam và các nước khác liên quan đến tranh chấp chỉ quyền biển đảo.

10. Bão lụt gây thiệt hại nặng nề

 Hàng trăm ngàn người dân miền Trung mất nhà cửa sau 3 cơn bão liên tiếp, số 9, 10 và 11. (Hình: Getty Images)

 Ba cơn bão số 9, 10 và 11 liên tiếp đánh vào miền Trung Việt Nam gây ra những thiệt hại nặng nề về người và vật chất. Trong đó có tiếp tay của sự tắc trách của các giới chức phụ trách việc xả lũ

Như vụ thủy điện A Vương xả lũ làm ngập Quảng Nam hồi bão số 9, tổng giám đốc công ty cổ phần thủy điện Sông Ba Hạ cũng thừa nhận đã xả lũ từ ngày 2 Tháng Mười Một, 2009. Ðiều đó đã góp phần nhấn chìm thành phố Tuy Hòa và một số vùng ở Phú Yên mà trong vụ này có tới 70 người bị thiệt mạng vì lũ.

Cuối Tháng Chín đầu Tháng Mười, nhà máy thủy điện A Vương ở Quảng Nam hối hả xả lũ đã góp phần nhấn chìm hàng trăm ngàn dân ở hạ lưu hai con sông Vu Gia và Thu Bồn. Hậu quả là 35 người chết.

Cũng dịp này, nhà máy thủy điện Bình Ðiền trên thượng nguồn sông Hương cũng xả lũ không thấy tiết lộ số người chết nhưng thành phố Huế và các khu vực phụ cận ngập lụt, tài sản vật chất, ruộng nương hư hại trầm trọng.

Từ đây, theo những tiết lộ trên báo chí, người ta được biết chỉ trên 200 km của hai con sông Vu Gia và Thu Bồn có tới 110 dự án thủy điện chồng chất lên nhau. Nhiều con sông khác ở miền Trung và Tây nguyên cũng có rất nhiều dự án thủy điện với những hậu quả không thể lường hết. Chúng trở thành dự án vì người ta chỉ nhìn thấy thủy điện đẻ ra tiền mà không kể tới các hậu quả tai hại có thể nhiều hơn lợi nhuận của điện.