Việt Nam có ít hay nhiều luật sư? |
Tác Giả: Trần Vinh Dự |
Thứ Ba, 22 Tháng 12 Năm 2009 11:15 |
Số lượng luật sư Việt Nam còn quá ít so với các nước khác trong khu vực. Đó là nhận định của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại buổi đối thoại với các luật gia thuộc Liên đoàn Luật sư Việt Nam sáng 8/12. Thủ tướng Dũng đưa ra nhận định này dựa trên so sánh giữa tỉ lệ luật sư tính theo đầu người ở Việt Nam so với ở các nước khác: Việt Nam có 1 luật sư trên 16.000 người dân. Trong khi ở Mỹ, tỷ lệ này là 1/250, Nhật Bản là 1/400, Singapore là 1/1.000, Thái Lan là 1/1.526. Nhận định này được nhiều báo trong nước và nước ngoài trích thuật lại. Lý do có lẽ là vì nó thể hiện ý nguyện của người đứng đầu ngành hành pháp liên quan đến lĩnh vực bảo vệ quyền của công dân. Nhận định của Thủ tướng Dũng có vẻ hiển nhiên. Thế nhưng nếu nhìn kỹ hơn thì nhận định này chưa hẳn đã đúng. Một cách đánh giá thừa hay thiếu lao động trong một ngành là dựa vào nhu cầu sử dụng lao động của ngành này. Tính tỉ lệ nhân công trong một ngành với dân số rồi so với nước ngoài để kết luận thường không chính xác. Có những nghề mà nước Mỹ có nhưng Việt Nam chưa có - không phải vì thiếu, mà là vì chưa cần: thí dụ nghề cắt cỏ thuê hay nghề kỹ sư chế tạo động cơ phản lực chẳng hạn. Trong ngành kinh tế học cũng vậy. Số lượng những người Việt được đào tạo Ph.D. ở nước ngoài không nhiều (nếu không muốn nói là còn rất ít), thế nhưng tìm việc làm tương xứng ở Việt Nam lại vẫn rất khó. Lý do là thị trường lao động chuyên môn cao này quá hẹp và chỉ có một số rất ít các nhà tuyển dụng sẵn sàng bỏ hầu bao trả lương cao cho đội ngũ kinh tế gia này. Tương tự như vậy, tỉ lệ luật sư ở Việt Nam tính theo đầu người đầu người không cao có thể không phải vì Việt Nam thiếu luật sư mà vì nhu cầu sử dụng luật sư của Việt Nam chưa cao. Điều này đến lượt nó lại có thể giải thích được bằng nhiều lý do. Thí dụ, có những đặc điểm của hệ thống chính trị ở Việt Nam (tư pháp không độc lập và tham nhũng cao chẳng hạn) khiến cho luật sư có ít ảnh hưởng thực tế đến kết quả phiên tòa. Ngoài ra, thu nhập thấp cùng với tập quán văn hóa truyền thống cũng khiến phần lớn công chúng không bao giờ cần tới luật sư. Để trả lời được câu hỏi Việt Nam có ít hay nhiều luật sư có lẽ cần phải dựa vào các tiêu chuẩn khác. Thí dụ như tính hệ số lương tương đối của ngành luật với các ngành khác ở Việt Nam rồi đem so với hệ số này ở các nước khác là một phương pháp tốt để nắm được độ “khan hiếm” nhân lực trên thị trường luật sư. Nhận định trên của Thủ tướng Dũng có lẽ sẽ không biến thành bất cứ chính sách nào, vì thế dù có sai cũng không có tác hại gì. Nếu nó biến thành chính sách, thí dụ nhà nước đặt mục tiêu đào tạo gấp 10 lần lượng sinh viên tốt nghiệp trường luật hàng năm hiện nay chẳng hạn, thì rất có thể nó sẽ tạo ra méo mó trên thị trường việc làm cho giới luật sư. Sinh viên luật tốt nghiệp có thể sẽ không xin được việc làm, và chất lượng đào tạo có thể sẽ thấp đi do các trường ĐH luật phải đào tạo quá công xuất.
|