Báo Thái lo việc Việt Nam mua vũ khí |
Tác Giả: BBC |
Thứ Hai, 21 Tháng 12 Năm 2009 22:20 |
Các hoạt động dồn dập của Việt Nam trong hai tuần qua trong lĩnh vực quốc phòng và đối ngoại đang được các quốc gia trong khu vực theo dõi một cách chặt chẽ. Thái Lan quan ngại chạy đua vũ trang Đã có ý kiến bày tỏ quan ngại trước việc Việt Nam ký hợp đồng mua thêm nhiều vũ khí và trang thiết bị quốc phòng, nhất là tàu ngầm và chiến đấu cơ hiện đại từ Nga. Báo tiếng Anh Bangkok Post xuất bản tại Thái Lan vừa có bài xã luận tựa đề "Hãy cân nhắc lại việc mua vũ khí (Rethink this arms buildup)" nói về chủ đề này. Bài xã luận bắt đầu bằng nhận định rằng hợp đồng khổng lồ mua vũ khí từ "người bạn Nga cũ" của Việt Nam có khả năng sẽ làm "tăng căng thằng trong khu vực và tái khởi động một cuộc chạy đua vũ trang hơn là thúc đẩy hòa bình". Tờ báo tiếng Anh hàng đầu của Thái Lan than phiền về bức màn bí mật bao trùm hợp đồng này. Theo Bangkok Post, các thông tin về việc Việt Nam mua tàu ngầm và chiến đấu cơ hiện đại bị rò rỉ từ châu Âu, và ngay cả khi bên ngoài biết rồi thì Hà Nội vẫn lặng thinh không có một lời giải thích. "Đây là hợp đồng mua vũ khí lớn đầu tiên trong cả khu vực từ khi Việt Nam tham gia Asean. Hà Nội cần phải giải thích nhiều." Báo Bangkok Post, từng là tờ báo lớn trong khu vực nhưng đã thu hẹp trong những năm gần đây, nhận định rằng thông tin Việt Nam bỏ hàng tỷ đôla ra mua tàu ngầm và chiến đấu cơ là điều gây quan ngại vì "không đội Su-30 (mà ông Nguyễn Tấn Dũng định mua) là quá hiện đại so với không quân các nước khác trong khu vực". "Việc mua tàu ngầm lại còn "gây lo lắng hơn nữa". "Hợp đồng này mang lại cho Việt Nam loại vũ khí mà các đối tác của Hà Nội trong khối các quốc gia Đông Nam Á không hề có." Nhà chức trách Thái Lan, theo Bangkok Post, nhiều thập niên nay luôn bác bỏ yêu cầu mua tàu ngầm của hải quân và quân đội. Giới chuyên gia thì cho rằng tàu ngầm không có tác dụng lắm trong việc tuần tra hay bảo vệ các vùng biển nông ven bờ. Tăng cứng rắn? Theo báo Thái, việc Trung Quốc và Đài Loan - các bên tham gia tranh chấp khác - có trong tay tàu ngầm là yếu tố quyết định để Việt Nam ký hợp đồng với Nga.
"Tuy nhiên điều này sẽ mang lại các hậu quả khôn lường, phần lớn là không có gì tích cực." Bangkok Post nói quyết định tăng cường không quân và hải quân của Việt Nam có hai khả năng: Một là Hà Nội ngày càng quan ngại về tình trạng tăng căng thẳng ở ngoài khơi. Điều này bất lợi không chỉ cho Việt Nam mà cả các nước khác trong khu vực. Khả năng thứ hai là bản thân Việt Nam muốn khơi mào hành động, tăng cứng rắn trong bảo vệ các tuyên bố chủ quyền. Bài xã luận nhấn mạnh: "Điều này không thể chấp nhận được". Báo Bangkok Post nhắc lại rằng Việt Nam tham gia Asean năm 1995, sau hơn một thập niên mà tờ báo này gọi là "đối đầu gây chết người với cả nhóm". Tờ báo cũng cáo buộc Việt Nam đã cho lính đột nhập vào Thái Lan sau khi xâm lược Campuchia năm 1977. "Trong 14 năm qua, Việt Nam đã là một nước láng giềng đặc biệt tử tế, nhất là khi tính đến các vụ xung đột vũ trang và bất đồng chính trị trong quá khứ." "Cách hành xử của Việt Nam đã làm giảm quan ngại của các đối tác Asean khác vốn cũng tham gia tranh chấp chủ quyền tại Trường Sa." Bởi vậy, Bangkok Post cho rằng Việt Nam cần nghĩ lại kế hoạch"tái khởi động cuộc chạy đua vũ trang ở khu vực Asean". "Bằng không, Việt Nam cần công khai toàn bộ các chi tiết của các hợp đồng mua vũ khí và giải thích rõ lý do." Bài xã luận kết luận bằng khuyến cáo lãnh đạo Asean, nhất là ông Tổng thư ký Surin Pitsuwan, một người Thái, cần trực tiếp thảo luận với Hà Nội về việc tăng cường vũ trang "nghiêm trọng" này. "Không có lý do gì cho Việt Nam bắt đầu một chương trình tái vũ trang, cả về mặt kinh tế lẫn chính trị."
|