Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh: Việt - Mỹ công khai hợp tác quốc phòng |
Tác Giả: TTXVN/Vietnam |
Thứ Năm, 17 Tháng 12 Năm 2009 11:10 |
Bộ trưởng Phùng Quang Thanh thăm hữu nghị chính thức Hoa Kỳ từ ngày 10-15/12, theo lời mời của người đồng nhiệm Robert Gates. Trả lời TTXVN ngay sau khi kết thúc chuyến thăm hữu nghị chính thức Hoa Kỳ, Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Quốc phòng, cho hay quan hệ hợp tác quốc phòng Việt - Mỹ được đặt trong mối quan hệ chung của hai nước, công khai, không ảnh hưởng đến nước thứ ba. Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh thăm Mỹ. Ảnh: TTXVN Quan hệ không ảnh hưởng nước thứ ba Xin Bộ trưởng cho biết mục đích chuyến thăm Hoa Kỳ lần này và nội dung các cuộc thảo luận của Bộ trưởng với phía Hoa Kỳ? Đại tướng Phùng Quang Thanh: Kể từ khi bình thường hóa và thiết lập quan hệ ngoại giao, hai nước đã trao đổi nhiều chuyến thăm cấp cao, trong đó có các đoàn quân sự. Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ đã hai lần sang thăm Việt Nam vào các năm 2000 và 2006; Bộ trưởng Phạm Văn Trà cũng đã thăm Hoa Kỳ năm 2003. Tháng 5 vừa qua, tại Hội nghị đối thoại an ninh châu Á (Đối thoại Shangri-la) ở Singapore, tôi và ngài Bộ trưởng Robert Gates đã gặp nhau bên lề hội nghị. Ngài Gates đã mời tôi sang thăm, bây giờ tôi mới thu xếp được. Thông thường, mỗi chuyến thăm ở cấp cao nhất thường được coi là một điểm mốc quan trọng cho việc khẳng định quan hệ hợp tác giữa các quốc gia và mở ra một giai đoạn hợp tác mới. Trong chuyến thăm lần này, chúng tôi có dịp trao đổi với nhau về những kết quả hợp tác trong thời gian qua cũng như những biện pháp để thúc đẩy quan hệ hợp tác đã và đang triển khai trong lĩnh vực quốc phòng lên một bước mới. Chuyến thăm cũng tiếp tục khẳng định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa của Đảng và Nhà nước Việt Nam, góp phần hiện thực hóa việc bình thường hóa quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ theo tinh thần tuyên bố chung giữa lãnh đạo cấp cao hai nước, qua đó nâng cao hơn nữa vị thế của đất nước cũng như của quân đội Việt Nam trên trường quốc tế và góp phần thúc đẩy hợp tác về kinh tế giữa hai nước. Bộ trưởng đánh giá thế nào về kết quả các cuộc thảo luận nói trên? Đại tướng Phùng Quang Thanh: Nói chung, cuộc thảo luận của chúng tôi là thẳng thắn, cởi mở và xây dựng, đi thẳng vào các vấn đề hai bên cùng quan tâm, quan hệ quốc phòng được đặt trong mối quan hệ chung của hai nước, công khai, không ảnh hưởng đến nước thứ ba và cả hai bên đều hài lòng về kết quả thảo luận ấy. Các cuộc gặp với các Thượng nghị sĩ James H.Webb và John McCain đều rất thú vị, bởi các vị này đã từng đến Việt Nam, hiểu Việt Nam và có những đóng góp tích cực trong phát triển quan hệ hữu nghị giữa hai nước. Trong cuộc gặp cố vấn An ninh quốc gia James Jones và Thứ trưởng thứ nhất Ngoại giao James B. Steinberg, hai bên cũng đã trao đổi về việc tăng cường quan hệ giữa hai nước trên các lĩnh vực, trong đó có quan hệ về quốc phòng. Về vấn đề dân chủ, nhân quyền, giữa Việt Nam và Mỹ còn một số khác biệt trong nhận thức, nhưng hai bên sẽ tăng cường sự hiểu biết nhau hơn thông qua cơ chế đối thoại về nhân quyền. Không đưa dự luật nhân quyền Việt Nam ra Thượng viện Xin Bộ trưởng cho biết phương hướng phát triển quan hệ giữa hai nước trong thời gian tới, nhất là trong các lĩnh vực mà hai nước đặc biệt quan tâm như tìm người Mỹ mất tích trong chiến tranh, các vấn đề nhân đạo, khắc phục hậu quả chiến tranh, nạn nhân chất độc da cam...? Bộ trưởng Phùng Quang Thanh: Trong chuyến thăm Hoa Kỳ tháng 6/2008 của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, lãnh đạo cấp cao hai nước đã nhất trí xây dựng quan hệ hữu nghị, tôn trọng lẫn nhau, hợp tác nhiều mặt vì lợi ích lâu dài của hai nước, không để những điểm còn khác biệt làm ảnh hưởng đến quan hệ hai nước. Quan hệ giữa hai nước đến nay đã cơ bản ổn định, mang lại lợi ích thiết thực cho cả hai bên. Đối với những lĩnh vực mà hai bên đặc biệt quan tâm cũng là những lĩnh vực mà hai bên đang hợp tác có hiệu quả như rà phá bom mìn, vật liệu nổ còn sót lại trong chiến tranh. Hoa Kỳ đã viện trợ trang thiết bị rà phá bom mìn trị giá trên 10 triệu USD, cung cấp bản đồ đánh phá của Không quân và Hải quân Hoa Kỳ trong thời gian chiến tranh. Về tìm kiếm quân nhân mất tích trong chiến tranh, hai bên đã tiến hành 97 đợt tìm kiếm và khai quật, Việt Nam trao trả 894 bộ hài cốt quân nhân Hoa Kỳ, đợt gần đây nhất là ngày 2/12 vừa qua, Việt Nam đã trao trả Hoa Kỳ 4 bộ hài cốt và Hoa Kỳ đánh giá cao những nỗ lực đầy tính nhân đạo của Chính phủ và Quân đội Việt Nam. Ngược lại, Hoa Kỳ cũng cung cấp thông tin giúp Việt Nam tìm được gần 1.000 trường hợp, tất nhiên con số đó còn rất khiêm tốn so với 300.000 bộ đội Việt Nam mất tích trong chiến tranh. Trong chuyến thăm này, Việt Nam đã trao cho phía Mỹ 13 điểm sẽ tổ chức khai quật hỗn hợp nhằm rút ngắn thời gian để sớm kết thúc việc tìm kiếm người Mỹ mất tích tại Việt Nam. Hoa Kỳ cũng hợp tác với Việt Nam trong việc tẩy rửa chất độc da cam, cung cấp cho Việt Nam những thông tin liên quan đến những vị trí tàng trữ, phun rải chất độc, tài trợ gần 800.000 USD qua các quỹ tư nhân để khắc phục từng phần. Trong cuộc gặp với các Thượng nghị sỹ James H.Webb và John McCain, tôi đã đề nghị với họ trên cương vị và khả năng của mình, ngăn không đưa dự luật nhân quyền cho Việt Nam ra Thượng viện, họ đã đồng tình không để việc đó xảy ra. Tôi cũng đã đề nghị với các Thượng nghị sỹ James H.Webb và John McCain vận động Quốc hội Mỹ gỡ bỏ lệnh cấm vận bán vũ khí sát thương đối với Việt Nam. Hai Thượng nghị sỹ hứa sẽ thảo luận với các đồng nghiệp của mình về vấn đề này. Bộ trưởng có nhận xét gì về cơ chế đối thoại giữa Bộ Quốc phòng hai nước, một biểu hiện cho thấy sự hợp tác giữa hai nước đi vào chiều sâu và thực chất? Bộ trưởng Phùng Quang Thanh: Quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong lĩnh vực quốc phòng trong những năm qua đã có nhiều bước phát triển tích cực. Theo tôi, một trong những nhân tố để thúc đẩy quan hệ là hai bên cần phải hiểu nhau, đã hiểu nhau rồi thì hợp tác chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả cao. Muốn vậy, cần phải có cơ chế đối thoại. Việc tăng cường đối thoại là nhằm để hiểu nhau hơn, hết sức tránh hiểu lầm và bàn các biện pháp thúc đẩy hợp tác mang lại hiệu quả thiết thực cho cả hai bên. |