Home Tin Tức Thời Sự Việt Nam tăng cường tiềm lực hải và không quân nhằm phòng thủ Biển Đông đối phó với Trung Quốc

Việt Nam tăng cường tiềm lực hải và không quân nhằm phòng thủ Biển Đông đối phó với Trung Quốc PDF Print E-mail
Tác Giả: Trọng Nghĩa   
Thứ Năm, 17 Tháng 12 Năm 2009 10:55

Khi đặt mua tiềm thủy đỉnh và chiến đấu cơ của Nga, trị giá hơn 2 tỷ đô la, phải chăng Hà Nội đang chuẩn bị đối phó với việc Trung Quốc tăng cường lực lượng quân sự tại vùng Biển Đông ?

Gần đây Bắc Kinh ngày càng có thêm hành động cứng rắn để áp đặt chủ quyền tại Hoàng Sa và Trường Sa.

 

Tầu ngầm loại "Kilo" của Nga(Nguồn : US Navy) 

Số vũ khí to lớn mà Hà Nội vừa chính thức đặt mua của Matxcơva phải chăng là nhằm nâng cao tiềm lực của quân đội Việt Nam để đối phó với mối đe doạ của Trung Quốc trên Biển Đông ? Theo giới phân tích được hãng tin Pháp AFP trích dẫn hôm nay (17/12), thì đó chính là mục tiêu của Việt Nam.

Việc hiện đại hoá trang thiết bị quân sự là một vấn đề bình thường đối với mỗi quân đội, đặc biệt trong trường hợp của Việt Nam mà kho vũ khí được cho là đã quá cũ kỹ. Tuy nhiên, lần này, Việt Nam đã cụ thể hoá kế hoạch đặt mua 6 chiếc tiềm thủy đỉnh loại Kilo của Nga, chuyên dùng trong lãnh vực chống các loại tàu trên mặt nước cũng như dưới mặt nước.

Trị giá của hợp đồng là 2 tỷ đô la được xem là khá lớn so với tiêu chuẩn của Việt Nam. Bên cạnh đó, Hà Nội còn mua thêm hàng chục chiến đấu cơ Sukhoi 30 MK2 và có thể sẽ đặt thêm một số tàu tuần tra hay hộ tống hạm.

Đối phó với Trung Quốc đang tăng cường lực lượng

Việc Việt Nam dành một ngân sách đáng kể cho việc hiện đại hoá lực lượng hải quân và không quân, nhất là cho việc thành lập một hạm đội tàu ngầm được cho là nhằm mục tiêu đối phó với Trung Quốc.

Theo ông Richard Bitzinger, chuyên gia phân tích quốc phòng tại Học Viện Nghiên Cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore thì mục tiêu hàng đầu của Việt Nam là : "đối phó với đà gia tăng lực lượng quân sự của Trung Quốc tại vùng Biển Đông".

 

           Sukhoi 30 của Nga

Đối với ông Peter Abigail, giám đốc Học Viện Chính Sách và Chiến Lược Úc thì hành động của Việt Nam không có gì đáng ngạc nhiên vì lẽ Việt Nam đang có nhiều lo ngại về vùng biển của mình, nhất là tại khu vực Biển Đông.

Mối quan ngại của Hà Nội mới đây đã được Tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng bộ Quốc phòng Việt Nam công khai nêu bật khi ông giới thiệu Quyền Sách trắng về Quốc phòng của Việt Nam vào tuần trước.

Phát biểu với các phóng viên báo chí cũng như các tùy viên quân sự và giới ngoại giao ở Hà Nội, tướng Vịnh cho rằng : "Tình hình liên quan đến tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông đã tạo ra một số mối quan ngại cho vấn đề quốc phòng của Việt Nam và tạo ra một số thách thức mới ". Cho dù vậy, thứ trưởng bộ Quốc phòng Việt Nam vẫn cho rằng tình hình dù phức tạp nhưng "sẽ không dẫn đến xung đột võ trang".

Việt Nam cần bổ khuyết ''thế yếu chiến lược''

Đối với giáo sư Carlyle Thayer, chuyên gia về Việt Nam tại Học Viện Quốc phòng Úc, thì đây là lời thừa nhận công khai rõ rệt nhất từ trước đến nay của Việt Nam về tình hình căng thẳng trở lại với Trung Quốc tại Biển Đông.

Phải nói là trong thời gian gần đây Trung Quốc càng lúc càng có những hành động cứng rắn để áp đặt chủ quyền của Bắc Kinh tại vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa. Gần đây nhất là vụ chận bắt hai chiếc tàu đánh cá của Việt Nam ở khu vực Hoàng Sa, buộc chính quyền Việt Nam phải gởi công hàm phản đối.

Sự cố này nối tiếp theo một loạt những vụ khác từ việc bắt giữ, tịch thu tái sản cho đến hành hạ ngư dân Việt Nam, buộc phải nộp phạt mới thả ra.

Trung Quốc đã cử một đội tàu tuần tra hùng hậu xuống Biển Đông và không che giấu ý định sẽ tăng cường thêm lực lượng trong khu vực. Theo các nhà quan sát, với Căn cứ Hải quân hiện đại của họ tại Tam Á trên đảo Hải Nam, Trung Quốc hoàn toàn có thể dễ dàng tung lực lượng xuống vùng Biển Đông.

Theo giáo sư Thayer, do vị trí điạ dư của mình, với một bờ biển rất dài và tiềm năng dầu khí dồi dào ngoài khơi, Việt Nam đang bị yếu thế về mặt chiến lược, do đó đang tìm cách bổ khuyết. Việc trang bị tàu ngầm, theo giáo sư Thayer, ít ra có thể cung cấp cho Việt Nam năng lực răn đe, bảo vệ các quyền lợI trên biển của mình.

Các chiến đấu cơ Sukhoi 30 MK2 đặt mua thêm cũng cho phép Việt Nam dùng không quân để yểm trợ cho lực lượng trên biển, sẽ được tăng cường thêm bằng các chiếc tàu tuần tra mà theo tin của báo chí Nga, Việt Nam cũng đang tìm cách đặt mua.

Tóm lại theo giới phân tích, tình hình căng thẳng với Trung Quốc tại Biển Đông đã buộc Việt Nam phải trang bị thêm vũ khí để dự phòng bất trắc.