Home Tin Tức Thời Sự Tên đường Sài Gòn, rối như canh hẹ

Tên đường Sài Gòn, rối như canh hẹ PDF Print E-mail
Tác Giả: Saigon Cô Nương   
Thứ Tư, 16 Tháng 12 Năm 2009 13:41

“Hà Nội băm sáu phố phường
Hàng Gạo, Hàng Ðường, Hàng Muối trắng tinh”

 Tên những con đường đã trở nên thân thuộc với người Sài Gòn. (Hình: Hàm Anh)

Chỉ nghe tên biết được ngay phố ấy bán thứ gì. Thật ra phố Hà Nội phải có đến gấp đôi con số đó, ba mươi sáu là chỉ một phần.
Ðà Lạt phô bày đặc điểm của mình bằng cách lấy tên loài hoa như đường Mimosa, đường Mai Anh Ðào... nhưng chỉ có thế là hết. Thật tiếc khi không có đường Tú Cầu, Ðỗ Quyên hay Phượng Tím, Trà Mi...

Ở những xứ lịch sử ngắn, không đủ danh nhân đặt tên đường thì cứ đặt số. Ðường song song được đánh số chẵn hay lẻ tùy hướng ngang hay dọc như bàn cờ xem ra lại đơn giản và tiện lợi. Cứ đọc con số đường có thể ước được ngay vị trí của nó nằm ở khoảng nào.
Nhưng Việt Nam thì khác. Bốn ngàn năm lịch sử tạo nên số danh nhân đủ để đặt tên đường. Các vua quan, tướng tài, văn nhân, các trận chiến lớn... tỏa rộng phủ khắp thành phố.

Sài Gòn trước kia chỉ có tám quận gọi chung Sài Gòn-Chợ Lớn, chung quanh là tỉnh Gia Ðịnh. Vì thế có đường Lê Lợi-Sài Gòn hay Lê Lợi-Gia Ðịnh, Phan Chu Trinh-Sài Gòn hay Phan Chu Trịnh-Gia Ðịnh, Bùi Thị Xuân-Sài Gòn hay Bùi Thị Xuân-Gia Ðịnh...

Ðường trong khu dân cư Miếu Nổi đầy những hoa nhưng nghe vẫn thấy “nôm na” làm sao! (Hình: Hàm Anh)
 Bây giờ thì vô số đường mới mở, lắm nơi chỉ là con hẻm thông được đổ bê-tông, gắn tấm bảng là biến thành đường. Ðường nhiều quá, tên đường trở nên thiếu phải đặt trùng nhau. Rất nhiều địa chỉ đường phải chú rõ, không phải thuộc tỉnh nào mà là thuộc quận nào. Như Phạm Ngũ Lão-quận 1 hay Phạm Ngũ Lão-Gò Vấp, Cao Thắng-quận 3 hay Phú Nhuận... Cô Giang, Cô Bắc, Huỳnh Thúc Kháng... ở trung tâm thành phố là những con đường rộng rãi nhưng khi ra quận, huyện khác, đó chỉ là những con đường mới mở nhỏ hẹp: Lê Lai nằm ở quận Một, Tân Bình và Gò Vấp còn Phan Chu Trinh, Chu Văn An, Lê Lợi... có mặt vừa quận Một, vừa Phú Nhuận vừa Tân Phú... Cho nên đi tìm nhà mà không nói rõ con đường đó nằm ở quận nào thì không thể mò ra được.

Chưa kể nhiều con đường dài cả mấy cây số, đi qua nhiều quận nên cũng rắc rối đôi chút. Cùng một đường, nhưng quận 1 là Trần Hưng Ðạo, thuộc quận 5 là Ðồng Khánh, sau 1975 đổi thành Trần Hưng Ðạo A và Trần Hưng Ðạo B và cuối cùng là Trần Hưng Ðạo-quận 1, Trần Hưng Ðạo-quận 5; Hồng Bàng ở quận 5 và quận 6; Nguyễn Tri Phương thuộc quận 5 và quận 10...

Một con đường chạy lượn theo sông nhưng thay đổi tên tùy đoạn, đi ngang rạch Bến Nghé có tên Bến Chương Dương, đến kinh Tàu Hủ là Bến Hàm Tử, qua kinh Bến Nghé thành Trần Văn Kiểu. Ðối diện với bờ bên kia là Bến Vân Ðồn, Hưng Phú và Bến Bình Ðông...
Tên đường đặt theo từng cụm danh nhân như khu vực Cầu Ông Lãnh có nhóm “Khởi nghĩa Yên Bái”: Nguyễn Thái Học, Cô Giang, Cô Bắc, Phó Ðức Chính, Ký Con, Nguyễn Khắc Nhu...

Nhóm “đời nhà Trần” ở khu Tân Ðịnh gồm Trần Nhật Duật, Trần Khát Chân, Trần Quang Khải, Trần Quí Khoách...
Trận đánh thì có Hàm Tử, Chi Lăng, Chương Dương, Bạch Ðằng, Vân Ðồn, Nhật Tảo...

Nhóm nhà thơ Hồ Xuân Hương, Bà Huyện Thanh Quan, Ðặng Trần Côn, Nguyễn Gia Thiều, Tú Xương... ở liền kề nhau nơi những con đường biệt thự yên tĩnh, rợp mát bóng cây, cách xa ồn ào thế sự để xướng họa thi ca mây nước.

Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh song song hai mặt cửa Ðông và cửa Tây chợ Bến Thành, một bên bàn chuyện Ðông du, một bên cải cách theo Tây. Chí hướng hai cụ tuy gần mà xa, xa mà gần, tuy giống mà khác, khác mà giống là vậy.

Tên các danh nhân ngoại quốc như Pasteur, Yersin, Calmette...
Tên đường theo khu vực như đường Bàn Cờ, Chánh Hưng, Xóm Củi, Phú Thọ, Phổ Quang, Hạnh Thông Tây... Hương lộ 80B có nghĩa đường làng được lên cấp thành đường Nguyễn Ánh Thủ.

Các cư xá đặt tên đường nội bộ riêng. Cư xá Tân Sơn Nhất có đường Lam Sơn, Yên Thế, Trà Khúc... Khu dân cư Miếu Nổi đầy những hoa: đường Hoa Cau, Hoa Phượng, Hoa Sứ... mặc dù hoa nhưng nghe vẫn thấy “nôm na” làm sao!

Hay nhất là cư xá Bắc Hải. Con đường xương sống rộng nhất chạy dài chính giữa là Trường Sơn. Dọc Trường Sơn là Bạch Mã, Ba Vì, Châu Thới... Ngang Trường Sơn là Hồng Hà, Hương Giang, Cửu Long... Tên đường đặt vang lên vừa hào hùng đất nước lại vừa quê hương tự tình.

Hiện nay thành phố đã nới rộng ra hai mươi bốn quận huyện, một số quận mới thành lập như 2, 7, 9, 12, nhiều khu dân cư mới được xây dựng, mạnh nơi nào nơi ấy đặt tên. Bên cạnh Ðô Ðốc Lộc, Lê Sát... là Ðộc Lập, Bác Ái, Tự Do... Trần Hưng Ðạo, Châu Vĩnh Tế, Tây Sơn đều chen chúc ngang nhau.

Các vị vừa qua bị choán chỗ cũng ráng tìm nơi nào đó dung thân: Trần Quý Cáp đến Bình Thạnh. Thành Thái, Duy Tân cũng thế. Không biết khi nào đến phiên Lê Văn Duyệt, Phan Thanh Giản, Võ Tánh... bởi vì trong thực tế Lăng Ông vẫn là một di tích lịch sử, nơi thờ cúng linh thiêng của dân chúng thành phố và trường Trung học Ba Tri (Bến Tre) đã đổi tên thành trường Phan Thanh Giản, sắp tới tỉnh cũng sẽ cho dựng tượng cụ Phan. Viện Sử Học đã kết luận: “Với nhận thức mới trên quan điểm lịch sử cụ thể, nhân vật Phan Thanh Giản xứng đáng được tôn vinh bằng nhiều hình thức khác nhau.” Vì vậy chắc các vị này thế nào cũng sẽ trở lại tên đường.

Ðặt đường bằng tên không đủ nên nhiều nơi phải dùng con số kèm theo tên khu dân cư. Ví dụ đường số 2 khu Lý Chiêu Hoàng, đường số 15 khu Bình Phú, đường D1 khu Văn Thánh Bắc... Ðã có đường Lê Thánh Tôn ở quận 1 lại thêm Lê Thánh Tông ở quận Tân Phú, đường Huyền Trân Công Chúa ở quận 1 và đường quận 1... Những con đường mới mở này thường được quy hoạch bằng nhau, các danh nhân ngồi cạnh bình đẳng chứ không phân chia công trạng để ngự trên các con đường dài ngắn, rộng hẹp khác nhau như trong nội thành. Quận Bảy mặc dù một số đường có đặt tên: Lưu Trọng Lư, Trần Văn Khánh... nhưng xem chừng đường ngang ngõ dọc không hết nên đặt theo số: đường Số 3, Số 8... cho đến đường Số 22, Số 37, 53...

Ðó là các khu mới mở, đường sá vẽ trước từ trên dự án nên rất ngay ngắn, đánh số rất dễ kiếm. Nhưng hiện nay dân số thành phố đã lên tới tám triệu, nhiều khu dân cư bình dân tự phát mọc lên như nấm khắp nơi. Trong khi đợi nhà nước đặt tên thì họ tự đặt tên đường với nhau. Như đường Hẻm Sinco, đường Bên Hông Trường Mầm Non, đường Kế Xí Nghiệp Ðông Lạnh, đường Bờ Sông, đường Sông Suối...

Nhà nước cũng chịu không nổi, đổi tên mới đàng hoàng nhưng vẫn còn sót đường Nhà Kho Pepsi, đường Giao Thông Hào Ấp 3, đường Bờ Tuyến... Tên những con đường này dĩ nhiên không nằm trên bản đồ thành phố, đi đến tận khu vực lần hỏi thăm dân địa phương may ra mới tìm thấy.
Ông Cao Lỗ xây thành ốc cho vua An Dương Vương yên vị bên quận Tám qua cầu chữ Y tới ngay, trong khi bà Bát Nàn vẫn lăm le vác đơn đi kiện. Tại sao cùng nữ tướng dưới trướng Trưng Vương mà bà Lê Chân đường hoàng có tên đường và cả tên trường học mà Bát Nàn đại tướng quân không được đoái hoài tới. Trình Minh Thế là một nhân vật lịch sử quá gần nên mất tên là đương nhiên.

Sau năm 1975, đường mang tên các vị vua nhà Nguyễn bị dẹp bỏ hết trừ vua Hàm Nghi, Gia Long thành Lý Tự Trọng, Khải Ðịnh thành Nguyễn Thị Tần, Ðồng Khánh thành Trần Hưng Ðạo B. Ngoài ra còn Tự Ðức thành Nguyễn Văn Thủ, Minh Mạng thành Ngô Gia Tự. Riêng vua Thành Thái không hiểu sao lại nhường chỗ cho An Dương Vương, nhà vua lui về ở nép dưới đuôi Nguyễn Tri Phương nối dài. Duy Tân bị Pháp bắt và đày lên đảo Réunion ở Ấn Ðộ Dương thành Phạm Ngọc Thạch, ngoài việc là một nhà vua yêu nước thì con đường cây dài bóng mát đó đã “Trả Lại Em Yêu,” mất đi mỹ hiệu con đường tình nhân của một thời.

Yên Ðổ mất tích ở quận 1, dành chỗ cho Lý Chính Thắng, sau này mới thấy cụ lấp ló hiện ra ở một con đường nhỏ xíu mới mở bên Tân Phú, cùng số phận như vậy là Phan Ðình Phùng. Ðường Cộng Hòa chạy từ chợ Nancy (Trần Hưng Ðạo) tới bùng binh Cộng Hòa biến thành Nguyễn Văn Cừ trong khi bùng binh vẫn giữ tên công trường Cộng Hòa và đường Cộng Hòa ở quận Tân Bình thì vẫn chạy dài miên man. Trần Quốc Toản chỉ là một cậu bé chưa nhiều công trạng! Chiếm một đại lộ vừa rộng vừa dài thật phí nên rút lui cho Ba Tháng Hai, chạy qua chiếm chỗ Nguyễn Ðình Chiểu. Cũng như cụ Yên Ðổ, cụ Ðồ Chiểu vốn văn nhân, lại hỏng mắt làm sao đấu tay đôi với tiểu tướng họ Trần nên lẳng lặng chuyển qua quận 3 và Phú Nhuận.

Nguyễn Văn Thoại công lao đào kênh Vĩnh Tế ở An Giang bị Lý Thường Kiệt thay thế, ông đành rời bỏ nội ô để ra trấn giữ một con đường dài từ quận Tân Phú sang Bình Tân...
Hằng trăm con đường mới được thành lập, các vị danh nhân thi nhau đổi chỗ và đặt chỗ mới. Cho nên việc đặt tên đường còn rắc rối dài dài.