Home Tin Tức Thời Sự Hoa Kỳ thành bãi chiến trường của băng đảng ma túy Mexico

Hoa Kỳ thành bãi chiến trường của băng đảng ma túy Mexico PDF Print E-mail
Tác Giả: V. Giang / Người Việt   
Thứ Hai, 14 Tháng 12 Năm 2009 10:48

CHULA VISTA, California (NY Times) - Eduardo Tostado là một doanh gia giàu có, với cơ sở làm ăn ở cả hai bên biên giới Hoa Kỳ và Mexico.

Ông ta có căn nhà lớn và địa điểm bán xe hơi cũ ở ngoại ô San Diego, và một nhà hàng hải sản ở Tijuana. 

Juan Estrada Gonzalez, bên phải, một trong chín nghi can bị xử ở San Diego. (Hình: San Diego Union Tribune)

Ông cũng ở trong băng đảng vùng biên giới, theo giới hữu trách-một nhân vật cao cấp trong băng ma túy Mexico hiện chiếm hữu phần lớn số cần sa đưa vào Hoa Kỳ và gây ra tình trạng bạo động trầm trọng nhất trong cuộc chiến ma túy kéo dài từ 40 năm qua. Ông thường xuyên nhậu nhẹt, lúc ở San Diego, lúc ở Tijuana.

Một tối, vào Tháng Sáu năm 2007, vợ ông, bà Ivette Rubio, nhận được cú điện thoại nói rằng ông bị bắt cóc và ông muốn bà phải bán nhà để lấy tiền đi chuộc mạng. Bà Rubio cho rằng ông chồng gọi mình lúc đang say rượu nên cằn nhằn phiền trách. Ðường dây điện thoại chợt im lặng.

 Eduardo Tostado ra tòa với tư cách nhân chứng ở San Diego. (Hình:AP)
Ông Tostado quả thật bị nhóm của Jorge Rojas-López cầm giữ. Rojas-López từng ở trong băng Arellano Félix, nhưng nay bỏ ra và chống lại băng này. Ðặt căn cứ ở vùng ngoại ô San Diego, Rojas-López có một toán gồm các tay sát thủ và những người chuyên nghề bắt cóc, nhằm chiếm lấy một phần thị trường cần sa.

Bên kia biên giới, chính phủ Mexico, với ngân khoản tài trợ khoảng $1 tỉ của Hoa Kỳ, đang vất vả đối phó với các băng ma túy, trong khi các băng ma túy cũng bận rộn triệt hạ lẫn nhau. Băng Arellano bị ảnh hưởng nặng nhất bởi các trận chiến này nên bể ra thành nhiều mảnh, vung vãi khắp nơi, sang cả bên biên giới Hoa Kỳ.

“Chúng tôi tin rằng băng Arellano Félix bị rã ra và không còn sức mạnh như từng có lúc trước,” theo lời Keith Slotter, người chịu trách nhiệm văn phòng FBI ở San Diego.

Theo ông Slotter, chỉ riêng ở San Diego đang có ba nhóm hoạt động riêng rẽ để chiếm hữu một phần thị trường. Họ gồm các tay súng gốc Hoa Kỳ và Mexico, thuê các căn nhà ở ngoại ô San Diego làm căn cứ lưu động, truy lùng thành viên các băng đảng lớn để đòi tiền chuộc lên đến hàng triệu đô la. Mục tiêu chính là hàng tỉ đô la tiền lời từ việc chuyển lậu hàng tấn cần sa và các loại ma túy khác cũng như kiểm soát khu vực biên giới ở Ciudad Juarez; Nogales và Tijuana -các cửa ngõ dẫn vào thị trường ma túy lớn nhất thế giới là Hoa Kỳ.

Giới hữu trách ở Kansas City, Missouri và Miami cũng đang điều tra băng Rojas-López về các vụ buôn lậu ma túy và giết người ở hai nơi này.

Rojas-Lopéz và tám thành viên khác trong băng có tên Los Palillos hiện đang bị xử ở San Diego về tội bắt cóc 13 người và giết 9 người từ năm 2004 đến 2007. Có sáu người khác đang tại đào.

Rojas-López tấn công băng Arellanos không chỉ vì muốn có phần trong thị trường ma túy, mà cũng vì muốn báo thù cho anh là Victor, một tay sát thủ bị chính thành phần chỉ huy trong băng Arellanos giết năm 2003 về tội vô kỷ luật.

Thân nhân của những người bị bắt cóc tránh né cảnh sát hay không cho biết các tin tức cần thiết. Họ lặng lẽ bán tài sản ở hai bên biên giới để có hàng trăm ngàn đô la chuộc mạng chỉ trong ít ngày.

Một số nạn nhân được thả ra. Một số khác bị quấn băng keo vào mặt cho đến khi tắt thở, bị bắn vào bụng, bị đánh nát người rồi ném xác ra đường như trong trường hợp một tay súng băng Arellanos đi truy tầm nhóm này nhưng lại bị bắt cóc trước. Hay họ cũng có thể bị cho vào các vại acid để không còn ai thấy xác, một phương thức gọi là “pozole”, món thịt hầm ở Mexico.

Trong trường hợp của ông Tostado, bà vợ ông đã can đảm báo với cảnh sát, và giới chức công lực cho hay đây là điều khiến cho ông ta còn sống tới ngày nay. Sau khi được giải thoát, ông Tostado khai hết mọi việc với cảnh sát và cho biết sẽ xa lánh băng đảng ma túy. Ông bán căn nhà ở Chula-Vista, bán luôn nhà hàng ở Tijuana sau khi có người đặt ba vại đựng acid với xương bên trong trước cửa nhà hàng năm 2008. (V.Giang)