Home Tin Tức Thời Sự Nga đặt mua tàu chiến Mistral của Pháp

Nga đặt mua tàu chiến Mistral của Pháp PDF Print E-mail
Tác Giả: Alla Lazareva / BBC Ukraina - Viết từ Paris   
Thứ Hai, 14 Tháng 12 Năm 2009 10:16

Các bàn thảo gần đây giữa Nga và Pháp cho thấy Moscow muốn mua tàu chiến loại hiện đại của Pháp.

 Nga đang muốn mua tàu chiến hiện đại loại Mistral của Pháp.

Điều này làm cho một số quốc gia thuộc liên bang Xô Viết cũ quan ngại.

Tin nói rằng Moscow đang tiến gần đến việc mua một chiến hạm của Pháp, tàu tấn công loại Mistral. Chiến hạm này có khả năng chở theo 16 trực thăng, 13 xe tăng và 450 lính. Phí tổn từ 600 đến 750 triệu USD.

Các nước láng giềng của Nga, trong đó có Ukraine, Gruzia và ba nước vùng Baltic nói việc sắm sửa tàu chiến sẽ tăng thêm khả năng đe dọa quân sự từ Nga, gây thêm căng thẳng trong bối cảnh quan hệ đang gặp nhiều khó khăn.

Nika Laliashvili, thành viên của Ủy ban Quốc phòng thuộc Quốc hội Gruzia cho hay Tbilixi cực lực phản đối việc Pháp bán vũ khí cho Nga.

Nếu Paris nhất định muốn bán vũ khí cho Nga, Pháp sẽ trở thành thành viên đầu tiên của khối Nato tìm cách bán kỹ thuật quân sự cao cấp cho Moscow.

'Cực kỳ nguy hiểm'

Thủ tướng Nga Vladimir Putin bàn về khả năng mua chiến hạm của Pháp trong chuyến thăm Paris gần đây.

Ông Putin nói như sau: "Nga muốn mua, Pháp muốn bán,

"Chúng tôi có quyền dùng vũ khí vào thời điểm và nơi chốn phù hợp, một khi cảm thấy cần.”

Một số tướng Nga nói nếu như họ có chiếm hạm đó trong tay thời điểm cuộc chiến với Gruzia năm 2008, quân Nga có khả năng vào lãnh thổ Gruzia trong vòng 40 phút, thay vì 26 tiếng đồng hồ khi hải quân phải đi đường vòng từ biển Crime đến Sevastopol.

Thủ tướng Putin từng nói Nga sẽ dùng chiến hạm mua từ Pháp theo ý thích.
Dân biểu Gruzia, Nika Laliashvili nói hợp đồng mua vũ khí này sẽ tạo ra mối nguy hiểm to lớn đối với Gruzia.

Bộ trưởng Ngoại giao Estonia, Urmas Paet chia sẻ quan điểm này.

"Bổ xung thêm kỹ thuật quân sự tại Biển Đen không phải là ý tưởng hay.

Ngay ở Pháp, một số người cũng nêu quan ngại.

Francoise Thom, chuyên gia về Xô Viết, dạy tại Đại học Sorbonne, Paris cho hay: "Nếu Pháp quyết định bán vũ khí cho Nga, chúng ta cần hiểu hậu quả lâu dài của quyết định này.

"Hiển nhiên là Nga sẽ dùng vũ khí đó để thực hiện các vụ xâm lược quốc gia láng giềng,

"Có vẻ như Pháp bật đèn xanh cho Nga để tiến hành chiến tranh giành lãnh thổ.”

Thiếu vốn

Trong khi đó, ông Andre Glucksmann, nhà văn kiêm triết lý gia hàng đầu của Pháp lo ngại Nga sẽ dùng chiến hạm này để hù dọa nước khác.

Ông nói: "Các quốc gia vùng Biển Đen, Biển Caspia, và Biển Baltic tỏ ý lo lắng.

"Ba Lan và quốc gia vùng Baltic cần nói rõ sự chống đối của họ. Brussels cần can thiệp, không để chuyện mua bán như vậy xảy ra.”

Một số sĩ quan Nga về hưu thừa nhận hải quân Nga hiện đang ở trong tình trạng lạc hậu.

Xưởng đóng tàu chính cho hải quân Nga, nơi từng xuất xưởng các hàng không mẫu hạm và tàu chiến, hiện nằm ở nam Ukraina.

Những gì hải quân Nga đang có hiện nay thua phía Mỹ tới 20 lần.

Đô đốc Blyznyukov nói hiện chưa rõ Nga sẽ đậu tàu tại quân cảng nào.
Giới chế tạo vũ khí của Nga phản đối vụ mua tàu chiến Pháp. Họ muốn chính phủ đầu tư khoản tiền này để hồi sinh công nghiệp quốc phòng trong nước. Công nghệ quân sự của Nga, họ thừa nhận, thiếu vốn trầm trọng trong những năm qua.

Đô đốc Serhiy Blyznyukov người Ukraina, cố vấn cho Bộ Quốc phòng nước này cho hay, nếu Moscow mua tàu Pháp, ông không rõ liệu chiến hạm Mistral sẽ đậu ở căn cứ Biển Đen hay không.

Căn cứ hải quân tại Sevastopol, ông nói, thiếu cơ sở hạ tầng để đón tàu này. Điều này có nghĩa Nga sẽ phải đậu tàu tại căn cứ hải quân phía Bắc. Hoặc tại hạm đội Thái Bình Dương.

Ông Blyznyukov nói thêm nhiều khả năng sau này Nga sẽ hiện đại hóa căn cứ hải quân tại Sevastopol.

Một giải pháp nữa cho Nga, theo ông Blyznyukov, đó là việc mở một căn cứ mới tại Biển Đen, đặt tại cảng Novorossiysk. Địa điểm này hải quân Ukraina sẽ tiếp quản từ Nga, khi hợp đồng mướn căn cứ tại Biển Đen hết hạn vào năm 2017.

Bộ Quốc phòng Nga cho hay họ đang tiếp tục thương thảo việc mua chiến hạm từ Pháp. Quyết định về chuyện này sẽ được công bố vào cuối năm 2009.