Nhiếp ảnh viên Hugh van Es nổi tiếng về Sài Gòn di tản 1975 |
Tác Giả: T. Huyền (theo AP, BBC) |
Chúa Nhật, 13 Tháng 12 Năm 2009 09:08 |
Van Es được các bạn đồng nghiệp ca ngợi là người không biết sợ và đầy nhiệt huyết. Hugh van Es - phóng viên ảnh nổi tiếng thế giới với tấm hình về sự sụp đổ của chính quyền Sài Gòn năm 1975, mô tả một hàng người theo nhau leo lên trực thăng của CIA di tản - đã qua đời ngày 15-5-2009. Van Es trút hơi thở cuối cùng ở tuổi 67 tại Hong Kong, nơi ông đã sống suốt 35 năm qua. Người vợ cho biết ông bị xuất huyết não và bất tỉnh từ tuần trước. Hugh van Es năm 1969. Ảnh: Life. Dáng người gầy mảnh, giọng nói sôi nổi và rất hay châm biếm, van Es được các bạn đồng nghiệp ca ngợi là người không biết sợ và đầy nhiệt huyết. Ông đến Hong Kong làm phóng viên tự do năm 1967, rồi một năm sau đó đến Việt Nam làm nhân viên phụ trách âm thanh cho NBC News. Một thời gian sau, ông làm phóng viên ảnh cho AP ở Sài Gòn, từ 1969 đến 1972. Ba năm cuối của cuộc chiến ở Việt Nam, ông làm cho hãng tin UPI. Bức ảnh ông chụp một người lính với cây thánh giá nhỏ nổi bật trên nền chân dung màu tối của anh ta, chụp cách đây 40 năm, là bức ảnh nổi tiếng nhất thế giới mô tả trận chiến khốc liệt và đẫm máu ở đồi A Bia (Thừa Thiên Huế). Bức ảnh van Es chụp ngày 29/4/1975 về một chiếc trực thăng Mỹ trên nóc một tòa nhà, với dòng người như đàn kiến đang leo lên để tìm đường di tản, là một hình ảnh biểu tượng gây ấn tượng mạnh mẽ về cuộc tháo chạy của người Mỹ cũng như chính sách thất bại của họ ở Việt Nam lúc đó. Khi quân đội miền Bắc Việt Nam tiến đến gần Sài Gòn cuối tháng 4/1975, hàng nghìn người Việt đã theo các nhân viên dân sự và quân sự Mỹ rời bỏ đất nước. Họ ra đi chủ yếu bằng trực thăng bay từ nóc tòa đại sứ Mỹ. Cách đó một vài tòa nhà, những người khác theo nhau leo lên chiếc thang trên nóc tòa cao ốc là nơi ở của các nhân viên CIA và gia đình họ. Các chuyến bay ở đó được thực hiện bởi Air America - một dịch vụ chuyên chở bí mật do CIA điều hành. Từ địa điểm thuận lợi trên ban công của văn phòng UPI cách không xa, van Es đã thu lại hình ảnh đó với ống kính 300 mm - chiếc dài nhất mà ông có. Bức ảnh nổi tiếng thế giới do van Es chụp, là hình ảnh biểu tượng cho sự sụp đổ của chính quyền Sài Gòn tháng 4/1975. Sau này nhớ lại, Van Es cho hay không phải tất cả trong số khoảng 30 người leo thang khi đó di tản được, và chiếc UH-1 Huey đã quá tải khi cất cánh, chở vượt khả năng cho phép khoảng chục người. Nhà báo ảnh nổi tiếng Peter Arnett, cũng từng đưa tin về chiến tranh Việt Nam, bình luận rằng van Es là "một trong số ít các nhiếp ảnh gia phương Tây sẵn sàng chấp nhận hiểm nguy để ở lại chứng kiến giờ phút kết thúc cuộc chiến". Bức ảnh ngay lập tức mang lại danh tiếng như cồn cho Van Es, nhưng ông đã phải mất rất nhiều công sức và thời gian để giải thích cho mọi người, rằng tòa nhà trong bức ảnh không phải là của sứ quán Mỹ. Tấm ảnh sau đó còn trở thành biểu tượng với sự lan tỏa mạnh hơn nhiều, khi vở nhạc kịch Miss Saigon lấy hình ảnh minh họa những người lính Mỹ rời Việt Nam bằng trực thăng từ nóc nhà sứ quán. Van Es không hài lòng với việc hình ảnh ông chụp bị sử dụng như vậy và đã mất nhiều thời gian theo kiện, nhưng không thành. Sinh tại Hilversum, Hà Lan, Van Es đã học tiếng Anh từ nhỏ bằng cách la cà với các binh sĩ trong Thế chiến II.. Van Es kể rằng ông đã quyết định trở thành một nhà nhiếp ảnh từ tuổi 13, sau khi xem một triển lãm ảnh ở địa phương, về nhà nhiếp ảnh chiến tranh huyền thoại Robert Capa. Sau khi tốt nghiệp cao đẳng, Van Es bắt đầu công việc năm 1959 với văn phòng Nederlands Foto Persbureau ở Amsterdam. Khi cuộc chiến ở Việt Nam kết thúc năm 1975, van Es trở về Hong Kong, làm phóng viên tự do cho nhiều tờ báo Mỹ và châu Âu. Van Es đưa tin về cuộc nổi loạn của người Moro ở Philippines, và là một trong những nhà báo đầu tiên bay đến Kabul đưa tin về việc Liên Xô đưa quân vào Afghanistan. Trong đoàn chỉ có phóng viên quay phim của CBS Derek Williams vượt qua được cửa kiểm soát, còn mọi người bị ách lại ở phòng chờ transit. "Khi họ đang bị lùa trở lại máy bay", William nhớ lại, "Hugh nhìn thấy một cánh cửa mở ở phía bên tay trái, anh liền lao qua đó, chỉ mang theo túi đựng máy ảnh. Anh ấy chạy qua cổng sân bay rồi phi lên một chiếc taxi, cố về được khách sạn Intercontinental Hotel". Cảnh sát Afghanistan bắt van Es, nhưng máy bay đã cất cánh rồi, nên họ đưa ông trở lại khách sạn. Williams và van Es có ba ngày ở Kabuk trước khi bị trục xuất. Những tấm ảnh do van Es chụp, đăng trên tạp chí Time, là những hình ảnh đầu tiên mà thế giới được thấy về đoàn xe tăng của Liên Xô tiến vào Afghanistan. Đánh giá về van Es, ông Ernst Herb - chủ tịch câu lạc bộ phóng viên nước ngoài tại Hong Kong - nói rằng van Es "là niềm cảm hứng", "đã nắm được tinh thần của việc đưa tin".
|