Home Tin Tức Thời Sự Nhận giải Hòa Bình Nobel - Tổng thống Obama bênh vực chiến tranh vì chính nghĩa

Nhận giải Hòa Bình Nobel - Tổng thống Obama bênh vực chiến tranh vì chính nghĩa PDF Print E-mail
Tác Giả: Người Việt   
Thứ Sáu, 11 Tháng 12 Năm 2009 09:29

OSLO, Na Uy (Reuters) - Hôm Thứ Năm, khi nhận giải Nobel Hòa Bình, Tổng Thống Barack Obama bênh vực quyền của Hoa Kỳ khi mở những cuộc chiến tranh “chính nghĩa” như ở Afghanistan.

 Tổng Thống barack Obama vừa nhận văn bằng và huy chương trong buổi lễ trao giải Nobel Hòa Bình hôm Thứ Năm, 10 Tháng Mười Hai, năm 2009 tại Oslo, Na Uy. (Hình: Jewel Samad/AFP/Getty Images)

Ông công nhận rằng với tư cách một tổng thống thời chiến, việc Ủy Ban Nobel Na Uy lựa chọn ông để trao giải thưởng là một điều gây nhiều tranh luận.

Tại buổi lễ ở Oslo, bài diễn văn của ông Obama với lời khẳng quyết sẽ không “đứng yên” trước những đe dọa Hoa Kỳ, được chào đón bằng một hồi kèn trompet rộn rã.

Tờ Christian Science Monitor nói rằng, “Dù với quan điểm như thế nào thì tất cả mọi người đều phải đồng ý rằng ông Obama là người hùng biện.” Khi đề cập đến lý thuyết về chiến tranh, ông và những người viết diễn văn cho ông hiểu rõ cách đánh gục những sự chỉ trích. Phái tả hay phái hữu hữu - từ những ký giả của tờ tạp chí cấp tiến Nation cho đến cựu chủ tịch Hạ Viện Hoa Kỳ Newt Gingrich người Cộng Hòa bảo thủ - đều ca ngợi bài diễn văn của Tổng Thống Obama ở Na Uy trong buổi lễ tiếp nhận giải thưởng Nobel Hòa Bình dành cho ông. Ông Gingrich nói trên chương trình The Takeaway của đài phát thanh WNYC, “Theo tôi đây là một diễn từ rất hay. Ông ta hiểu rất rõ rằng đã được giải Nobel quá sớm, nhưng biết dùng cơ hội ấy để nhắn nhủ với mọi người là, hơn gì hết, thế giới vẫn còn xấu xa và ma quỷ.”

Bài phát biểu 4,000 từ của Tổng Thống Obama dài gần gấp đôi bài diễn văn nhiệm chức của ông đầu năm nay. Ông biện minh rằng buộc phải chấp nhận hiện trạng thế giới và với vai trò lãnh đạo của mình không thể nào khước từ chiến tranh để bảo vệ đất nước cùng dân chúng Hoa Kỳ.

Tổng Thống Obama cũng lập luận là phong trào bất bạo động đã không ngăn chặn được những binh đoàn của Hitler và thương thuyết không thể khiến ban lãnh đạo khủng bố al-Qaeda buông khí giới. Ông nói, “Cho rằng sức mạnh có lúc cần thiết không phải là cổ vũ cho chủ nghĩa hoài nghi yếm thế mà đó là sự thừa nhận thực tế lịch sử.”

Ông phác họa những tình huống mà chiến tranh là chính đáng và chỉ bằng niềm tin vào hòa bình thì sẽ không đủ để đạt được mục tiêu. Tổng Thống Obama không ngần ngại nói thẳng là khi ông quyết định đem thêm 30,000 quân đến Afghanistan, “sẽ có chết chóc, có những người bị giết” và “dù với chính nghĩa nào thì chiến tranh vẫn là thảm kịch của con người.”

Ông nêu lên sự ám ảnh của một cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân mới, có thể ở Trung Ðông hoặc Ðông Á, và kêu gọi có những biện pháp chế tài cứng rắn hữu hiệu đối với những nước không tuân hành luật lệ quốc tế - một lời cảnh cáo đối với Iran và Bắc Hàn.

Tổng Thống Obama cũng công nhận có những chỉ trích rằng ông chưa xứng đáng nhận giải thưởng vì ít có thành tích cụ thể để chứng tỏ sau gần 11 tháng nắm chức vụ, khi nói rằng ông “còn đang ở màn đầu, không phải màn cuối, trên sân khấu thế giới.”

Bài diễn văn nhận giải thưởng của ông Obama, xen lẫn những lời đề cập tới những người lãnh giải hòa bình trong quá khứ, nổi bật với chủ đề về chiến tranh.

Ông lên tiếng chỉ chín ngày sau khi ra lệnh gởi thêm 30,000 binh sĩ Mỹ tới Afghanistan để tăng cường cho cuộc chiến tranh từ tám năm nay. Ông Obama hy vọng các binh sĩ phụ trội sẽ giúp bẻ gẫy động năng cuộc nổi dậy của Taliban và có thêm thời gian huấn luyện các lực lượng an ninh Afghanistan để họ nhận lãnh nhiệm vụ do người Mỹ chuyển giao.

Ông đã đi dây bằng lời khi đề cập tới sự mâu thuẫn về chuyện một vị tổng thống nhận giải thưởng cao nhất cho hòa bình, trong khi đang theo đuổi hai cuộc xung đột lớn tại nước ngoài, ở Iraq và Afghanistan.

“Có lẽ vấn đề sâu xa nhất chung quanh việc nhận giải thưởng này là sự kiện rằng tôi là tổng tư lệnh của một nước đang ở giữa hai cuộc chiến tranh,” ông nói.

“Sẽ có những lúc mà các nước - hành động riêng rẽ hoặc có phối hợp - thấy rằng việc sử dụng vũ lực không những cần thiết mà còn được biện minh về phương diện đạo lý,” ông nói, khi giải thích thêm rằng những cuộc tấn công ngày 11 Tháng Chín 2001, do al-Qaeda chủ mưu từ Afghanistan, đã buộc Hoa Kỳ phải mở cuộc chiến tranh tại đó.

Ông Obama nói Hoa Kỳ phải duy trì các tiêu chuẩn đạo đức khi mở những cuộc chiến tranh cần thiết và có chính nghĩa.

  Một thành viên nhóm “The World Can't Wait” (Thế giới Không thể Chờ đợi), trong cuộc biểu tình hôm Thứ Năm tại New York phản đối quyết định của Ủy Ban Nobel Na Uy trao giải thưởng Hòa Bình cho người vừa ra lệnh tăng thêm quân để tiếp tục cuộc chiến tranh ở Afghanistan. (Hình: Chris Hondros/Getty Images)

“Khi vũ lực là điều cần thiết, chúng ta có một lợi ích về đạo đức và chiến lược, trong việc tự ràng buộc với một số quy tắc đạo đức,” ông nói.

Khi cam kết đóng cửa trại tù ở vịnh Guatanamo giam giữ những nghi can khủng bố nước ngoài, và chuẩn bị đưa các tù nhân ra xét xử trên đất Hoa Kỳ, ông Obama đã cố phục hồi căn bản đạo đức cao mà những người chỉ trích cáo buộc Hoa Kỳ đã từ bỏ dưới thời người tiền nhiệm của ông, Tổng Thống George W. Bush, trong cuộc chiến chống khủng bố.

Ðã có tiếng hoan hô vang dội của khoảng 900 vị khách được mời khi ông Obama nhận giải thưởng trong đại sảnh tòa thị chính Oslo. Ông trở thành vị tổng thống Hoa Kỳ đương nhiệm thứ ba được nhận giải thưởng trong lịch sử 108 năm của giải Nobel.

Cũng nên nhắc lại rằng người sáng lập giải, ông Alfred Nobel, trước đó đã là nhà phát minh ra thuốc nổ, chủ nhân hãng chế tạo vũ khí Bofors nổi tiếng.

Khác với các giải Nobel Khoa Học, Kinh Tế, Văn Chương thường được cân nhắc trên thành quả về quá khứ có khi tới một vài thập niên trước, giải Nobel Hòa Bình căn cứ vào những nhận định gần hơn hay đương thời. Vì vậy từ trước đến nay đã có rất nhiều tranh cãi không đồng ý với sự tuyển chọn, cho rằng có người không xứng đáng được giải hoặc người xứng dáng lại không được chọn.

Một trong nhiều trường hợp ấy là giải Nobel Hòa Bình cho Henri Kissinger và Lê Ðức Thọ, được công bố ngày 17 Tháng Mười, năm 1973. Báo chí Na Uy lúc ấy chỉ trích là hai nhà thương thuyết này thật sự không đem lại hòa bình như đã ký kết trong hiệp định Paris Tháng Giêng năm đó vì thực tế 9 tháng sau đó chiến cuộc vẫn tiếp diễn mạnh mẽ ở miền Nam Việt Nam. Tại Thụy Ðiển, tờ Dagens Nuheter cho rằng Kissinger “là thương thuyết gia giỏi nhưng chỉ là người thi hành chính sách cho (Tổng thống) Nixon chứ chưa làm được điều gì phù hợp với lý tưởng Nobel”, còn Lê Ðức Thọ “chẳng qua chỉ thực hiện một thủ đoạn trong chủ trương vũ lực của ban lãnh đạo Bắc Việt.” Tờ New York Times ở Hoa Kỳ cho là quyết định của Ủy Ban Nobel vội vã và quá sớm. Hai thông tấn xã AP. Reuters dự đoán Lê Ðức Thọ sẽ theo lệnh của Bộ Chính Trị đảng Cộng Sản Việt Nam từ chối nhận giải. (HC)