Home Tin Tức Thời Sự Quan hệ Việt Nam - Vatican ấm dần

Quan hệ Việt Nam - Vatican ấm dần PDF Print E-mail
Tác Giả: Phạm Khiêm / BBC   
Thứ Sáu, 11 Tháng 12 Năm 2009 06:43

Chủ tịch nước Việt Nam ông Nguyễn Minh Triết vừa gặp Đức Giáo hoàng Biển Đức XVI tại Tòa thánh Vatican ngày 11/12.

Chủ tịch Triết và Đức Giáo hoàng tại Vatican hôm 11/12/2009

Cùng nhìn vào một mục tiêu: Chủ tịch Triết và Đức Giáo hoàng tại Vatican hôm 11/12/2009

Từ nhiều tháng nay dư luận trong nước và quốc tế quan tâm đến cuộc gặp này.

Một số người gọi đây là sự kiện ngoại giao hiếm hoi giữa Giáo hội Công giáo và nhà nước xã hội chủ nghĩa nhằm xây dựng niềm tin, khôi phục quan hệ ngoại giao.

Dù Việt Nam và Vatican chưa có quan hệ ngoại giao, năm 2007 thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã thăm Vatican, và được Đức Giáo hoàng tiếp đón.

Khi ấy cuộc nói chuyện diễn ra tại thư viện của Đức Giáo hoàng.

Lần này vị khách là chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, người đến thăm nhà nước Vatican trong chuyến thăm Ý.

Nghi thức đón tiếp thượng khách Việt Nam xem ra cũng là chủ đề giới thạo tin quan tâm.

Một nguồn tin của BBC cho hay Đức Giáo hoàng không gửi lời mời theo một thông lệ truyền thống.

Vậy nên hiểu chủ đề này ra sao, linh mục Huỳnh Công Minh, đại diện cho Đức Hồng y Phạm Minh Mẫn, Tổng giám mục địa phận Sài Gòn nhắc đến cách nhìn khá đặc biệt: 'quan hệ giữa chủ và tớ.'

“Về nghi thức, Tòa thánh Vatican sẽ đón chủ tịch Việt Nam như một nguyên thủ quốc gia, vì ông Triết là chủ tịch nước.

“Đức Giáo hoàng không có mời bất cứ ai, các nguyên thủ đến thăm thì tiếp đón. Gần đây nhất có tổng thống Mỹ chẳng hạn.

“Tại làm sao? Vừa rồi Đức Hồng y Etchegaray đã giải thích cho Ban Tôn giáo và Dân tộc của chính phủ là Đức Giáo hoàng tự xem mình là đầy tớ của các đầy tớ, những người khách đến đều là chủ cả. Không có bao giờ đầy tớ mời chủ, khi mà chủ đến thì đầy tớ có trách nhiệm phải tiếp, và tiếp với tất cả sự trân trọng.”

Sự nhún nhường này hẳn làm nhiều người không theo Công giáo phải ngạc nhiên nhưng đó cũng là cách "làm ngoại giao nhân dân" của các vị chủ chiên.

Đức Giáo hoàng tiền nhiệm và nhiều hồng y cũng từng thực hành nghi lễ rửa chân cho dân chúng để tỏ sự khiêm tốn.

Tan băng

Chủ tịch Việt Nam ông Nguyễn Minh Triết

Chuyến thăm đầu tiên của chủ tịch nước Việt Nam sang Vatican được dư luận đánh giá tích cực.

Trong cuộc phỏng vấn mới nhất dành cho hãng tin Công giáo quốc tế CNA, Đức Hồng y Etchegaray, nguyên chủ tịch Hội đồng tòa thánh Công lý và Hòa bình gọi chuyến thăm của chủ tịch Triết là “điều thiết yếu cho sự xích lại gần nhau giữa Đông và Tây.”

Đức Hồng y nói thêm, ngài hy vọng quan hệ song phương vốn “chậm chạp và cam go” giữa Hà Nội và Vatican từ nay được đánh dấu bằng “tinh thần tín nhiệm lẫn nhau.”

Ông Nguyễn Thế Doanh cựu trưởng ban tôn giáo của chính phủ Việt Nam cùng chia sẻ cảm xúc này của Đức Hồng y Etchegaray.

Ông cho rằng quá trình khôi phục quan hệ ngoại giao giữa hai nước sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, từ bên trong ra bên ngoài.

“Cái đó nó còn lệ thuộc vào nhiều vấn đề, lệ thuộc vào nỗ lực của cả hai bên, kể cả phía Tòa thánh nữa. Tòa thánh thì lâu nay cũng có rất nhiều nỗ lực thiện chí.

“Nhưng nó còn phụ thuộc vào yếu tố nữa, đó là giáo hội công giáo Việt Nam ở trong nước, sao cho nó cùng hòa một nhịp chung. Thì cái đó mới là một vấn đề phải phấn đấu.

“Rất tiếc cũng còn một bộ phận trong số giáo sĩ, công giáo, tất nhiên không nhiều, một bộ phận nhỏ thôi vẫn còn não trạng không phù hợp với xu thế mới.

“Vì vậy giữa tòa thánh với giáo hội là một, vì giáo hội công giáo hoàn vũ mà. Như vậy nó phải cùng một nhịp. Theo tôi hiểu là thế.”

Chủ đề khúc mắc

Một trong những vấn đề còn khúc mắc là tranh chấp đất đai và các cơ sở Công giáo mà chính quyền thu sau năm 1955 tại miền Bắc và sau 1975 tại miền Nam.

Trong bài trả lời phỏng vấn với hãng thông tấn Fides, Tổng Giám mục TPHCM, Hồng y Phạm Minh Mẫn nói sau 1975 chỉ riêng Giáo phận Sài Gòn 'bị mất 400 cơ sở'.

Các vụ tranh chấp ở Tòa Khâm sứ cũ và Thái Hà ở Hà Nội hơn hai năm qua cũng thu hút dư luận. Giáo sư thần học Công giáo Nguyễn Đăng Trúc từ Strasburg, Pháp, nói về quan điểm mà một số vị giám mục Việt Nam nêu ra.

“Về đất đai tôi không hiểu tại sao chính quyền lại đặt ra các vấn đề là đất ở Tòa Khâm sứ, Tòa Giáo hoàng Học viện Đà Lạt.

"Cái chuyện đất đai nhỏ như vậy mà trong lúc vấn đề bang giao với Tòa thánh không phải là chuyện nhỏ vì vấn đề đó là mở ra cái bầu khí chung cho cái người Việt trên phương diện vấn đề tâm lý.

“Trên phương diện quốc tế người ta luôn quan sát sự khả tín liên quan đến lời nói của chính quyền, vậy tại sao Hà Nội lại để cho các địa phương có những quyết định như vậy. Cái đó là một dấu hỏi rất lớn đặt ra cho chúng tôi.”

Đức cha Phero Nguyễn Văn Nhơn chủ tịch Hội đồng giám mục Việt Nam gọi cuộc gặp giữa Giáo hoàng và chủ tịch Nguyễn Minh Triết là biến cố làm cho “tâm hồn các tín hữu công giáo Việt Nam tràn đầy hy vọng.”

Nhân dịp này hãng tin Fides của Bộ Truyền giáo Vatican đã nói đến các yếu tố cơ bản để khôi phục quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Tòa thánh.

Chúng bao gồm: tự do tôn giáo; quyền được bổ nhiệm giám mục, và linh mục; chính quyền tạo điều kiện xây dựng nơi thờ phượng của giáo dân; giải quyết tranh chấp liên quan đến tài sản của giáo hội. Và tạo điều kiện cho việc truyền đạo.