Home Tin Tức Thời Sự Công dân ơi, đứng thẳng người lên!

Công dân ơi, đứng thẳng người lên! PDF Print E-mail
Tác Giả: Blogger Uyên Vũ   
Thứ Tư, 09 Tháng 12 Năm 2009 10:26

 Khi đứng giữa một rừng cánh tay đang vung lên, đứng giữa những tiếng hô vang dội xuất phát từ những lồng ngực tuổi trẻ đầy nhiệt huyết hôm ấy...

tôi bỗng rưng rưng và không thể kìm nén tôi đã nắm tay thật chặt để hòa mình trong nhịp thở sục sôi của tình yêu nước. Ðó là ngày 09 Tháng Mười Hai 2007, ngày mà cùng với những người yêu nước ở Hà Nội, chúng tôi bày tỏ nỗi căm giận khi tổ quốc bị coi thường, khi mảnh đất thấm máu bao thế hệ cha ông có nguy cơ bị chiếm đoạt.

 

Hình: Blog Công Lý & Sự Thật 

Hai năm đã trôi qua, tôi vẫn nhớ rất rõ hình ảnh về các cuộc biểu tình tại Sài Gòn. Sau khi nhà cầm quyền Trung Quốc ra quyết định thành lập thành phố cấp huyện Tam Sa thuộc tỉnh Hải Nam, để trực tiếp quản lý 3 quần đảo trên biển Ðông gồm hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Lập tức, giới blogger mà chủ yếu là sinh viên đã rầm rập xuống đường, ngay trung tâm Sài Gòn, trước cửa lãnh sự quán Trung Quốc. Thông điệp của chúng tôi hết sức rõ ràng: “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam”, thông điệp ấy để trả lời cho mọi ý định xâm lược dù một tấc đất của tổ quốc Việt Nam. “Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách”, chúng tôi tự cảm thấy phải lên tiếng như tự cảm thấy giòng máu Lạc Hồng vẫn chảy trong huyết quản. Từ thế giới “ảo” của mạng Internet, từ những ánh nhìn bỡ ngỡ ban đầu, chúng tôi mau chóng nối kết và cất chung một tiếng nói. Dễ hiểu là chỉ có lòng ái quốc nồng nàn mới có khả năng kỳ diệu như vậy.

Trước đó, giới blogger non trẻ và hào hứng chúng tôi gần như chẳng quen biết nhau, chỉ là những nhóm nhỏ rủ nhau đi cafe, rủ nhau dã ngoại tìm chút niềm vui và thư giãn. Cũng từ lâu, qua mạng lưới truyền thông, tin về các vụ bắn giết, cướp bóc, tống tiền các ngư dân Việt Nam đã bắt đầu khơi dậy lòng phẫn uất, ý thức phản kháng lại kẻ thù xâm lăng. Lời tuyên bố của Quốc Vụ Viện Trung Quốc chính là ngòi nổ cho khối căm hờn bộc lộ. Liên tục vài ngày, thông điệp “Trường Sa, Hoàng Sa là lãnh thổ của Việt Nam, mãi mãi là như thế” luôn lặp lại trên các blog, diễn đàn và truyền đi trong tin nhắn nhanh IM.

Lần đầu tiên sau 32 năm, sinh viên và thanh niên Sài Gòn đã xuống đường bày tỏ thái độ. Dĩ nhiên, dù ngây thơ đến đâu thì ai cũng biết không phải vì biểu tình mà Trung Quốc sẽ trao trả Hoàng Sa, Trường Sa lại cho Việt Nam. Nhưng nếu chấp nhận im lặng cũng có nghĩa là để mặc mảnh đất cha ông bị xâm lấn, là cúi đầu trước mọi dã tâm của ngoại bang. Lịch sử Việt Nam còn đó, là lịch sử của một dân tộc chưa bao giờ biết khuất phục. “Giặc đến nhà, đàn bà cũng phải đánh”, hai ngàn năm trước Hai Bà Trưng đã đứng dậy đánh đuổi thái thú Tô Ðịnh, Bà Triệu dẹp quân Ngô. Một nghìn năm dân ta bị đô hộ còn đó, nếu khuất phục sẽ không thể có một nước Việt Nam như hôm nay. Từ mỗi người dân Việt đều lưu giữ gương anh hùng của Ngô Quyền đánh Nam Hán, của Lý Thường Kiệt phá Tống. Lịch sử còn đó, đại quân của Thành Cát Tư Hãn, Hốt Tất Liệt dù chiếm đoạt bao thành lũy địa cầu, dù mộng bá chủ nhân loại tưởng chừng sắp đạt vẫn phải ngậm hờn với anh hùng Trần Hưng Ðạo, còn đó Lê Lợi dẹp tan quân Minh, Quang Trung vùi thây quân Thanh... Còn nhiều lắm những gương anh hùng bất khuất. Tổ quốc Việt Nam không cho phép thế hệ nào quên, vì mỗi tấc đất đều thấm đầy máu, mồ hôi và nước mắt tiền nhân.

Nếu dân Việt cam chịu cúi đầu khuất phục, tôi tự hỏi làm sao có một Nguyễn Trãi với “hận Nam Quan” biến thành Bình Ngô Ðại Cáo? Nếu cam chịu quỳ gối, thì ngoài Trung Quốc chắc chắn sẽ còn nhiều dân tộc nữa sẽ khinh rẻ Việt Nam. Không một bài học lịch sử trong nhà trường nào lại sinh động cho bằng chính các em sinh viên dõng dạc đọc to giữa phố phường Sài Gòn bài “Nam Quốc Sơn Hà” của Lý Thường Kiệt, bài “Hịch Tướng Sĩ” của Trần Hưng Ðạo. Những người trẻ Sài Gòn dù bình thường có thể chỉ mải học, mải chơi nhưng khi ngoại bang đụng đến giang sơn, họ sẽ biến thành những rường cột chống đỡ nước nhà và sẵn sàng liều mình cho tổ quốc. Chỉ có tình yêu nước mới “khích động” được họ liều mình như vậy. Máu của bao con dân Việt đã đổ ra chính ngay tại Hoàng Sa, Trường Sa và mới đây tàu của ngư dân Việt còn bị nhận chìm, xác dân Việt còn bị quăng xuống biển. Nếu khom lưng quỳ gối, Việt Nam đã thành một trong các chư hầu, hay một quận huyện của Trung Quốc từ lâu đời. Và tôi chợt nhớ câu thơ của Marat: “Người ta lớn bởi vì ngươi quỳ xuống. Công dân ơi, hãy đứng thẳng người lên”. Ðứng thẳng người là mệnh lệnh để đất nước trường tồn.

Tôi cũng tự hỏi nếu thanh niên Việt Nam không bày tỏ thái độ, thì liệu hôm nay vấn đề lãnh thổ, vấn đề biển Ðông có được dư luận quan tâm rộng rãi như hôm nay? Sau các cuộc biểu tình là hằng hà sa số bài viết hâm nóng diễn đàn, sục sôi trên các websites, blogs, mở mạng Youtube gõ chữ Hoàng Sa, Trường Sa là bao nhiêu video clips hừng hực khí thế. Hẳn nhiều người còn nhớ, Trung Quốc công khai đăng báo đòi “xóa sổ Việt Nam trong vòng 21 ngày”, đòi giải quyết Việt Nam bằng bạo lực... Mới đây, bình luận trên nhật báo Giải Phóng Quân Nhân Dân (Trung Quốc) ngày 12 Tháng Ba 2009, Ðại Tá Giải Phóng Quân Trung Quốc Hoàng Thôn Luận (một nhà báo có tên tuổi) viết: “...Quyền lợi quốc gia của Trung Quốc vượt xa ra ngoài biên cương lãnh thổ, vùng trời, vùng biển của Trung Quốc, bao gồm cả các vùng đại dương bao la nơi các tàu chở dầu của Trung Quốc qua lại, cũng như không gian vũ trụ... Quyền lợi quốc gia Trung Quốc mở rộng đến đâu, sứ mệnh của lực lượng vũ trang của chúng ta (Trung Quốc) được mở rộng đến đấy...! Ðứng trước nhiệm vụ lịch sử mới, lực lượng vũ trang của chúng ta (Trung Quốc) không chỉ bảo vệ biên giới lãnh thổ, mà còn phải bảo vệ biên giới quyền lợi quốc gia của chúng ta”. Thử hỏi thanh niên Việt Nam có thể ngồi yên? Chiến tranh biên giới 1979, Trung Quốc muốn “dạy cho Việt Nam một bài học” thì cũng được đáp trả bằng một bài học đích đáng khác. Ngay lúc này, báo điện tử Tuần Việt Nam có cả một chuyên mục về vấn đề biển Ðông và luôn được độc giả đọc nhiều nhất. Ai cũng biết tranh luận tại các hội nghị, đàm phán tại bàn ngoại giao là các phương pháp giải quyết vấn đề cần thiết. Song bày tỏ thái độ bằng hành động như tăng cường quốc phòng, hỗ trợ cho người lính canh đảo cũng bức thiết không kém và nhất là khơi dậy tình yêu tổ quốc, ý thức bảo vệ chủ quyền cho mỗi công dân còn hiệu quả hơn. Hai năm trước, chúng tôi tham gia biểu tình cũng là một cách bày tỏ thái độ một cách ôn hòa.

Nhưng nhiệt tình của thanh niên Việt Nam từ Hà Nội đến Sài Gòn đã bị từ chối, các cuộc biểu tình ôn hòa tắt ngấm. Tôi mất việc đến hôm nay, nhiều người khác mất chỗ ở, mất việc làm kiếm sống. Những người hăng say nhất lại bị gặp khó khăn nhiều nhất. Có người bỏ nước ra đi... Những tấm lòng yêu nước nhìn nhau e dè. Nhưng tôi vẫn tin, dù chỉ là những cánh én nhỏ nhoi, những người thanh niên đầy sức sống ấy đã báo hiệu là Mùa Xuân của tổ quốc Việt Nam đang về. Tôi tin mỗi người dân Việt sẽ quyết không chấp nhận mất dù chỉ là một mẫu đất nhỏ của cha ông.