VN phá giá tiền gây căng thẳng ở châu Á |
Thứ Sáu, 27 Tháng 11 Năm 2009 17:10 |
Lãnh đạo Việt Nam chỉ gọi sự kiện quan trọng này là "điều chỉnh linh hoạt. Quyết định phá giá đồng tiền Việt Nam đang làm căng thẳng gia tăng trên cả châu Á vì các nền kinh tế dựa vào xuất khẩu trong vùng đang tranh nhau tạo ưu thế khi đơn đặt hàng từ Âu Mỹ dần phục hồi. Đó là đánh giá của báo Wall Street Journal trong bài từ Hà Nội và Hong Kong 27/11/2009 về tin Việt Nam phá giá 5 phần trăm tiền đồng hôm thứ Tư vừa qua. Các tác giả bài báo, James Hookway và Alex Frangos cho rằng đây là lần thứ ba từ tháng 6/2008 Việt Nam phá giá đồng tiền của mình. Tuy nhiên, lãnh đạo Việt Nam chỉ gọi sự kiện quan trọng này là "điều chỉnh linh hoạt". Tờ Wall Street Journal nhận định rằng có thể không có mấy nước châu Á làm theo Việt Nam nhưng nước cạnh tranh như Thái Lan đang phải chuẩn bị để không bị rớt khỏi cuộc chơi. Nhà đầu tư quan tâm Ông Phạm Thiên Long, chuyên gia tài chánh độc lập từ thành phố Hồ Chí Minh gọi quyết định thay đổi tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước đã tạo ra tâm lý lo lắng cho nhà đầu tư. Bấm Trả lời BBC hôm 27/11, ông Phan Thiên Long nói: “Chứng khoán thế giới chỉ biến động hai ba hôm nay thôi, nhưng ở Việt Nam thị trường có 5 hay 6 phiên giảm giá, với lý do là người ta đặt dấu hỏi về khả năng điều hành vĩ mô, làm cho kinh tế không có ổn định. Ông Long gọi siết chặt tín dụng là điều cần làm. Và lẽ ra phải làm từ nhiều tháng trước đây. “Quan trọng nhất là ngành ngân hàng. Vì cái sự quyết liệt nhất của chuyện này là thắt chặt tín dụng. Nhưng phải thắt trước khi nó lên đỉnh điểm.” Thời điểm điều hành tỷ giá và lãi xuất cho vay của Ngân hàng Nhà nước cũng đã làm cho nhiều người quan tâm. Theo ông Long, Ngân hàng Nhà nước trước sau cũng sẽ độc lập khỏi chính phủ vì “đây là xu thế chung của thế giới.” “Việt Nam đi sau nước khác, các nước khác họ đã làm như vậy, không có lý do gì mình đi ngược lại, làm như vậy không giống ai.” Tính cạnh tranh Báo kinh tế có uy tín ở Anh, tờ Financial Times hôm qua 26/11 cũng có bài cho rằng quyết định phá giá tiền của Việt Nam"chắc chắn không làm tính cạnh tranh cao hơn" (non-competitive devaluation). Trên thực tế, như Financial Times (FT) đánh giá, đây là cách "trợ giá thô" cho ngành xuất khẩu Việt Nam, là làm thiệt hại cho các nước xuất khẩu khác. Nhưng sẽ không có chuyện Việt Nam bị trả đũa. Thủ tướng khẳng định Việt Nam không phá giá VND mà chỉ điều chỉnh linh hoạt Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu Theo tờ báo này, các chính phủ châu Á khác đang tìm cách hạn chế nguồn "tiền nóng" chảy vào. Còn Việt Nam đang có vấn đề ngược lại, với khoản thâm hụt ngân sách 9,4 phần trăm GDP năm nay. Theo FT, cả tiền đầu tư nước ngoài trực tiếp và nguồn ngoại hối về Việt Nam cũng giảm. Ngoài ra, trên thực tế giá chợ đen của đồng đôla cũng đã biến đổi, khiến Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phải chính thức hóa tỷ giá mới nhằm ngăn chặn tình trạng "trượt dốc", theo FT. Tuyên bố chính thức Hãng tin Bloomberg 25/11 cho hay việc tiền đồng mất giá trên thị trường chợ đen cũng đã bắt đầu. Còn theo bài trên Wall Street Journal, Việt Nam vừa phá giá tiền đồng, vừa tăng lãi suất lên 8% nhưng cả hai quyết định đều có động cơ là giải quyết các vấn của trong nước, như nhu cầu chống lại nạn đầu cơ. Các nguồn tin khác thì đặt câu hỏi vì sao các nhà lãnh đạo cao nhất của Việt Nam trước đó liên tục nói là "không phá giá tiền đồng". Hồi tháng 6/2009, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu được báo chí Việt Nam trích lời, nói như thế. Đấy cũng là quan điểm của cả Thủ tướng và Chủ tịch nước Việt Nam phát biểu tương tự, ít ra là theo các báo Việt Nam. Tuy nhiên, đây có thể chỉ là cách dùng từ khác của quan chức Việt Nam. Theo lời Thống đốc Nguyễn Văn Giàu được VnExpress trích lời mới hôm 25/11 thì: "Thủ tướng khẳng định Việt Nam không phá giá VND mà chỉ điều chỉnh linh hoạt tăng hoặc giảm ở mức độ hợp lý, dựa trên mối quan hệ với lãi suất, chỉ số giá tiêu dùng, diễn biến cán cân thanh toán quốc tế". |