Home Tin Tức Thời Sự Khai mạc Năm Thánh ở Việt Nam

Khai mạc Năm Thánh ở Việt Nam PDF Print E-mail
Tác Giả: BBC   
Thứ Ba, 24 Tháng 11 Năm 2009 23:12

Năm Thánh đánh dấu 350 năm ngày thành lập hai giáo phận Tông tòa đầu tiên...

 và 50 năm thiết lập hàng giáo phẩm Việt Nam.

Giáo hội Công giáo Việt Nam vừa khai mạc Năm Thánh nhân dịp lễ kính Các Thánh Tử đạo Việt Nam với sự tham gia của hàng chục ngàn tín đồ từ trong và ngoài nước.

Lễ Khai mạc được tổ chức tại Sở Kiện (thị trấn Kiện Khê, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam) thuộc Tổng Giáo phận Hà Nội.

Thông tấn xã Công giáo cho hay Thánh lễ do Đức Hồng y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn, Tổng giám mục TGP TPHCM, Trưởng Ban Tổ chức Năm Thánh 2010, chủ tế.

Việt Nam có khoảng sáu triệu người theo Công giáo

"Đồng tế với ngài là 31 giám mục của Giáo Hội Việt Nam, hơn 400 linh mục đến từ 26 giáo phận và các hội dòng. Tham dự Thánh lễ có gần 1.000 tu sĩ nam nữ và chủng sinh và khoảng 70.000 giáo dân đến từ ba miền đất nước."

Năm Thánh đánh dấu 350 năm ngày thành lập hai giáo phận Tông tòa đầu tiên và 50 năm thiết lập hàng giáo phẩm Việt Nam.

Hãng thông tấn AFP nhận định Giáo hội Công giáo hy vọng dịp này sẽ là bước đi mới trong quá trình hòa giải quan hệ với Nhà nước, có thể dẫn tới việc Đức Giáo hoàng thăm Việt Nam trong tương lai, đồng thời hoàn tất bình thường hóa quan hệ Việt Nam-Vatican và giải quyết các vấn đề liên quan tài sản, đất đai của người Công giáo.

Hồng y Roger Etchégaray, nguyên Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về Công lý và Hòa bình, đương kim Phó chủ tịch Hội đồng Hồng y cùa Tòa thánh Vatican, đã có lời phát biểu, trong đó Ngài nhắc lại hai đề tài của Năm Thánh là sự hòa giải và niềm hy vọng.

Ngài nói: “Hòa giải là điều mà cả thế giới này đều mong ước và hết sức cần thiết."

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã thăm Vatican năm 2007 và các cuộc thảo luận đang được xúc tiến cho chuyến thăm có thể diễn ra vào tháng tới của Chủ tịch Nguyễn Minh Triết.

Việt Nam khẳng định tôn trọng tự do tín ngưỡng và tạo điều kiện cho các tôn giáo cùng phát triển.

Tuy nhiên vừa qua đã có một số tranh cãi và bất đồng xung quanh tài sản đất đai của Giáo hội Công giáo ở Việt Nam, như vụ Tòa Khâm sứ ở Nhà Chung hay vụ Giáo xứ Thái Hà "đòi đất".