Home Tin Tức Thời Sự VN lại phản đối TQ về Hoàng Sa

VN lại phản đối TQ về Hoàng Sa PDF Print E-mail
Tác Giả: Tổng hợp   
Chúa Nhật, 22 Tháng 11 Năm 2009 20:59

"Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền của Việt nam...

Việt Nam vừa lên tiếng phản đối chính quyền tỉnh Hải Nam, Trung Quốc, thành lập hai đơn vị hành chính trên quần đảo Hoàng Sa mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền.
Tờ Nhật báo Hải Nam tuần trước đưa tin, ngày 08/11, chính quyền địa phương đã tổ chức bầu cử tại hai làng trên đảo Vĩnh Hưng (永兴, tiếng Anh là Yongxing) và Triệu Thuật (赵述 - Zhaoshu) thuộc quần đảo mà Trung Quốc gọi là Tây Sa để lập hai ủy ban thôn đảo.

Được biết đây là hai ủy ban thôn đảo đầu tiên của Trung Quốc trên Hoàng Sa.
Phản ứng trước việc này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Phương Nga nói Việt Nam "phản đối quyết định này của phía Trung Quốc".
"Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa."
Bà Nga khẳng định: "Việc làm này đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam, không phù hợp với nhận thức chung của Lãnh đạo cấp cao hai nước, không có lợi cho tiến trình đàm phán tìm kiếm biện pháp cơ bản, lâu dài cho vấn đề trên biển giữa hai bên."

Báo Hải Nam viết hai ủy ban thôn đảo này, cũng là hai đơn vị hành chính nằm xa nhất phía nam Trung Quốc, được thành lập theo "yêu cầu" của người dân địa phương để họ có thể an cư lạc nghiệp.
Báo này viết: "Vì hoạt động kinh tế ngày càng phát triển tại Tây Sa, ngày càng nhiều ngư dân và lao động nhập cư tới đây sinh sống."
"Chính quyền tỉnh Hải Nam đã đáp ứng yêu cầu của họ trong việc thành lập các ủy ban."

Giữ ngư dân
Hai đảo Vĩnh Hưng và Triệu Thuật được Việt Nam gọi tên là Phú Lâm và Đảo Cây, là nơi Trung Quốc từng tạm giữ ngư dân Việt Nam bị họ bắt vì "vi phạm lãnh hải".
Đây cũng là nơi ngư dân Việt Nam vào tránh bão cáo buộc đã bị đánh đập, ngược đãi.

Dưới triều Nguyễn, Hoàng Sa thuộc Quảng Ngãi. Chính phủ Việt Nam Cộng hòa đặt Hoàng Sa dưới sự quản lý của tỉnh Quảng Nam.
Trung Quốc đã chiếm hoàn toàn Hoàng Sa sau trận thủy chiến ngày 19/01/1974 với hải quân Việt Nam Cộng hòa và từ đó, vấn đề Hoàng Sa đối với Bắc Kinh đã "không còn tranh cãi" tuy Việt Nam vẫn duy trì tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo này, mà Việt Nam đặt dưới sự quản lý của thành phố Đà Nẵng.

Hồi tháng Tư, Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng công bố quyết định bổ nhiệm trực tiếp chủ tịch của tám quận huyện, trong đó có huyện Hoàng Sa.
Ba ngày sau, Trung Quốc cực lực phản đối, gọi việc bổ nhiệm này là "bất hợp pháp và không có giá trị".

Tranh chấp xung quanh Hoàng Sa và Trường Sa là vấn đề kéo dài, khó giải quyết.
Việt Nam khẳng định: "Trước sau như một, Việt Nam chủ trương giải quyết các bất đồng thông qua thương lượng hòa bình trên cơ sở tôn trọng Luật pháp quốc tế và thực tiễn quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 và tinh thần Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên Biển Đông năm 2002 nhằm giữ gìn hòa bình và ổn định trên Biển Đông và khu vực."