Home Tin Tức Thời Sự Nghĩ gì về tin Đức Tổng Giuse Ngô Quang Kiệt đệ đơn lên Giáo Hoàng?

Nghĩ gì về tin Đức Tổng Giuse Ngô Quang Kiệt đệ đơn lên Giáo Hoàng? PDF Print E-mail
Tác Giả: J.B Nguyễn Hữu Vinh   
Thứ Sáu, 20 Tháng 11 Năm 2009 05:15

Tin đồn về lá đơn của Đức Tổng Giám mục Hà Nội Giuse Ngô Quang Kiệt gửi lên Giáo Hoàng...

rộ lên qua các kênh truyền thông và trên mạng internet đã có một thời gian dài với những lời đồn đoán và suy diễn.

Đến hôm nay, trang web của Tòa Tổng Giám mục Hà Nội chính thức có
thông tin về việc Đức TGM đã có đơn trình bày về tình hình sức khỏe của Ngài với Đức Giáo Hoàng.


Điều đó chứng tỏ rằng những tin đồn kia là có căn cứ, và hơn thế nữa, sự quan tâm của cộng đồng đối với Đức Tổng Giám mục Hà Nội là hết sức lớn lao.

Trước thông tin này, giáo dân Hà Nội nghĩ gì?

Tôi cũng đã tiếp nhận được thông tin đó từ nhiều người, nhiều câu hỏi gửi đến với nhiều thái độ khác nhau khi đón nhận tin này.

Với suy tư của một giáo dân dưới tay Ngài coi sóc và dẫn dắt những năm tháng vừa qua, trước biến cố Năm Thánh 2010 sắp đến, xin được nêu lên vài suy nghĩ đơn giản của mình.

Đức Tổng trong con mắt mọi người

Được biết Đức Tổng thời gian chưa lâu, nhưng qua những cuộc tiếp xúc, những thông tin nhận được, qua những hình ảnh Ngài để lại trong chúng tôi là những hình ảnh sâu đậm về một vị mục tử đã được sai đến “để phục vụ” theo đúng ý nghĩa của từ này.

Những ngày đầu tiên khi nghe tin đến một vị Giám mục trẻ tuổi được đưa về Giáo phận Lạng Sơn, không ít tín hữu đã tò mò về vị Giám mục “ba không” ở miền đất này: Không Tòa Giám mục, không đoàn linh mục, không nhà thờ, thậm chí không có cả… giáo dân.

                             Đức Tổng thăm giáo dân bị nạn lụt

Những năm tháng ở đó, Ngài đã thỏa mãn sự tò mò của các giáo dân chúng tôi bằng những hành động trong vai trò của một thủ lãnh tại một nơi tái truyền giáo.

Ở đó, Ngài đã hi sinh, lặn lội bất chấp tất cả mọi khó khăn, mọi hoàn cảnh để đem ánh sáng Tin mừng trở lại với những người hơn nửa thế kỷ không được đến với Thánh thể.

Ở đó Ngài đã thủ trọn vai của tất cả các trách vụ trong một giáo đoàn từ người quét nhà thờ, kéo chuông, dâng lễ, và… đóng cửa nhà thờ.

Những khó khăn của những năm tháng đó là cơn thử thách nặng nề đối với năng lực, đạo đức của một chủ chăn. Và chỉ trong một thời gian chưa dài, Ngài đã làm sống lại một giáo phận nơi miền đất núi rừng biên giới âm u. Từ một giáo phận trắng, nay Giáo phận Lạng Sơn đã hồi sinh mạnh mẽ.

Vậy rồi Ngài về nhậm chức Tổng Giám mục Hà Nội trong con mắt thăm dò của nhiều người.

Nhưng chỉ một thời gian ngắn, hình ảnh Ngài đã trở nên thân thiết với từng Giáo dân thuộc Tổng Giáo phận Hà Nội. Những băn khoăn ban đầu, những nghi ngại đã tan biến tự khi nào không rõ khi những nơi Ngài thường hay lui tới không phải chốn giàu có, phồn hoa, không phải nơi to lớn, sung túc mà là những nơi khó khăn nhất, tiêu điều xơ xác nhất… khi hình ảnh của Ngài là sự thân thương, trìu mến và giản dị thương yêu mọi người.

Ngài đã đến để chia sẻ, để hướng dẫn, nâng đỡ và chăn dắt các tâm hồn không nơi nương tựa, những xứ họ nghèo nàn vật chất và cả tinh thần. Những nơi Ngài đến đã mang lại sức sống mới và sự hồi sinh nhanh chóng.

Tôi đã từng tham dự buổi lễ Ngài về thăm họ đạo Hậu Nha xứ Trại Mới, cả giáo họ chỉ có vỏn vẹn… 4 gia đình công giáo với hơn một chục tín hữu. Những họ đạo nghèo khó như họ đạo Quèn Gianh mà mùa nước lên không khác gì cảnh ở Hạ Long, hoàn toàn cách biệt với thế giới bên ngoài, Ngài đã quan tâm đến họ, đã hết lòng nâng đỡ họ từ việc cho làm con đường vào làng đến nâng đỡ tinh thần một nơi như bị bỏ rơi bên lề xã hội.

Với Đức Tổng Giuse, mọi con tim của giáo dân Tổng Giáo phận Hà Nội nói riêng và Giáo Tỉnh Hà Nội nói chung, luôn hướng về Ngài bằng những suy nghĩ trìu mến và thân thương nhất trong một sự tin tưởng khó có gì thay thế.

Những cuộc đón rước nồng nhiệt, những ánh mặt rạng rỡ, hân hoan khi Ngài xuất hiện và cả những giọt nước mắt khi Ngài đến thăm, đến an ủi trong hoạn nạn đã nói lên tấm lòng của giáo dân đối với Ngài.

Nhiều những lời nói, những tâm tư và suy nghĩ của giáo dân mà không lời nào nói lên hết được sự quý mến của họ đối với Đức Tổng. Họ hân hoan khi nghe tin Ngài mạnh khỏe, họ vui mừng khi Ngài có mặt, lo lắng khi biết tin sức khỏe Ngài suy giảm…

Vậy rồi, con đường Ngài tiếp bước các Đức Hồng Y và Tổng Giám mục Hà Nội trước đây là đối diện với việc tài sản Giáo hội bị cướp đoạt, bị biến thành chốn ăn chơi, nhục mạ tôn giáo, bị bán đổi, chia chác và biến tướng. Những việc đó buộc Ngài phải lên tiếng vì Sự thật, vì Công lý và vì những quyền tối thiểu của con người, xác định vị thế, quyền lợi của công dân.

Và tai họa đã vùi dập Ngài chỉ vì những điều đó, khi trong xã hội dối trá lan tràn thì sự thật không được chấp nhận, khi sự suy đồi đạo đức xã hội trở nên phổ biến, thì đạo đức không có chỗ dung thân, khi mà đồng tiền có thể làm mưa làm gió, thì công lý là điều xa xỉ.

Vì vậy, Ngài đã là mục tiêu cho sự vùi dập của cả một hệ thống hùng hậu quan chức và truyền thông cùng toa rập lên án, kết tội bất cần một tòa án nào, kể cả tòa án lương tâm con người.

Những ngày tháng Ngài đứng trước sự vùi dập man rợ của hệ thống truyền thông nhà nước vu cáo, dựng chuyện, cắt xén và kết tội, nhục mạ Ngài trước cộng đồng dân tộc, mọi tín hữu khắp nơi bừng lên cơn phẫn uất và sự phẫn uất đó dồn nén chất chứa trong lòng.

Hàng đêm, những khi cả thành phố đã im lìm sau một ngày làm việc, nghe xói vào tai những lời nhục mạ của báo chí, của truyền hình nhằm đánh đổ Ngài một cách vô tâm, nghĩ đến sự cô đơn và đau đớn Ngài phải chịu, chúng tôi không cầm được nước mắt.

Những lúc đó, chúng tôi đã tự an ủi với nhau rằng, nếu không có Chúa nâng đỡ, chẳng có ai trụ nổi với cơn bão đen với những làn sóng đỏ ngập máu đã đổ dồn dập lên Ngài.

Hình ảnh của Ngài đã không chỉ làm cho các giáo dân tin cậy, quý mến, mà rất nhiều người không công giáo đã phải hết sức ngạc nhiên về một thủ lĩnh tôn giáo đã đi vào lòng người với những hành động bình thường nhất bằng cách vĩ đại nhất.

     Một cháu nhỏ tặng Đức Tổng mấy bông hoa dại

Rồi chính miệng những kẻ ngậm máu phun người đã dính máu như quy luật vốn có, cơn bão độc địa của truyền thông về Đức Tổng Giuse đã có tác dụng ngược với những mục đích họ nhắm tới.

Đương nhiên là nó hoàn toàn có tác dụng ngược lại với người công giáo đã đành, nhưng nhiều người không công giáo cũng từ đây mà nhận ra chân tướng của hệ thống truyền thông và quan chức là một sự lừa bịp và dối trá họ đã được nghe, được hiểu.

Hãy nghe một người không công giáo phát biểu:

“Trong một trạng thái tình cảm khác mà ông Ngô Quang Kiệt là nguyên nhân. Rất nhiều người đã cảm thấy bất bình trước hành động không minh bạch của truyền thông Việt Nam. Nói rõ là thủ đoạn trắng trợn khi cắt xén câu nói của ông để bình luận khiến nhiều người không còn tin tưởng sự minh bạch hay khách quan của truyền thông nước nhà. Nếu để kết tội, có khi kết tội ông Kiệt làm truyền thông nước nhà mất uy tín thì có khi còn có lý hơn.

“Duy có điều, nếu báo chí coi ông Kiệt là người cầm đầu, chủ mưu thì tôi hoàn toàn khâm phục ông. Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt là người dám làm, dám chịu. Điều mà những quan chức Việt Nam cần học tập ở ông Giám mục này. …Hành động đi thăm những gia đình giáo dân bị bắt giữ vì phá tường ở 178 Nguyễn Lương Bằng của ông Ngô Quang Kiệt tuy bị gọi là kích động, nhưng xét về khía cạnh nào đó, đấy là hành động nghĩa khí, cao cả đầy can đảm.

"Trong bối cảnh căng thẳng như vậy, động thái của ông rõ ràng là tiêu điểm để truyền thông chĩa mùi dùi hiếu chiến. Nhưng ông Kiệt vẫn đường hoàng làm. Vào các trường hợp thế này thì quan chức của nhà nước ta ắt hẳn sẽ né tránh vì lý do an toàn cho con đường quan lộ.

"Tóm lại chúng ta thử đặt câu hỏi, những đảng viên, cán bộ của chúng ta khi mà có sự việc gì, liệu họ có dám đứng ra có những hành động như ông Kiệt trước một thế lực khác lớn hơn. Ví dụ như cấp huyện với tỉnh hay tỉnh với trung ương. Khó mà có lắm. Lẽ ra, qua những gì ông Kiệt làm, ngoài những thứ mà truyền thông lên án, người lãnh đạo Việt Nam nào có lương tri nên cảm thấy xấu hổ về tinh thần trách nhiệm”.

(Trích bài: Nghĩ gì về ông Ngô Quang Kiệt – blogger Người Buôn gió).

Có lẽ chỉ cần thế thôi, chúng ta có thể hiểu vị thế của Đức Tổng Giám mục Giuse như thế nào trong lòng giáo dân và nhân dân. Giữa Ngài và các quan chức Cộng sản có những gì khác nhau, nhân dân biết, giáo dân càng biết. Vì vậy mà uy tín Ngài ngày càng nâng cao không có gì có thể phá hoại được.

“Sống cho đến chết, đừng chết khi đang sống”

Trong lời phát biểu của mình trước đại lễ mừng được vinh thăng tước Đức Ông tại Nhà thờ Lớn Hải Phòng, linh mục Laurenxo Phạm Hân Quynh - một linh mục cao niên, một cây đại thụ trong hàng linh mục, một pho sử sống của thời kỳ khắc nghiệt với những năm tháng bị quản chế khó khăn dưới thời Cộng sản sau khi đã từ giã nước Pháp về phục vụ đất nước – đã nói rằng: “Chức tước chẳng là cái gì cả… mà phải sống cho đến chết, đừng chết khi đang sống”.

Chúng tôi ngỡ ngàng trước sự sâu sắc trong câu nói của một linh mục ngồi xe lăn ra nhà thờ và nói không ra hơi này, câu nói này có ý nghĩa không chỉ với những tín hữu Hải Phòng hôm đó.

Trong cuộc sống mỗi con người, bất luận họ là ai, từ những nông dân cày ruộng đến những đại trí thức, từ anh phó thường dân đến lãnh tụ đất nước, từ quan chức cộng sản đến những chức sắc tôn giáo, dù đã bỏ mình thề hi sinh vì lý tưởng phục vụ lợi ích nhân dân hoặc lý tưởng cộng sản hay lời thề hiến thân phụng sự Tình yêu Thiên Chúa… tất cả đều sẽ có những suy nghĩ về cuộc đời mình khi đã đến tuổi già, khi gối đã chồn, chân đã mỏi.

Những khi đó họ nghĩ gì?

Có những ân hận, những day dứt như một vài nhà văn, vài quan chức cộng sản khi đã hồi hưu ra ngoài bộ máy mình đã vận hành. Họ ân hận vì những gì mình đã làm, dù trong cơn say máu quyền lực và tiền bạc họ đã nhúng tay, dù được nhiều vinh hoa, tiền bạc mà lòng họ không được thanh thản.

Cũng có những người đã thấy mình thanh thản dù không đạt nhiều vinh hoa phú quý nhưng đã hết lòng phục vụ đất nước, phục vụ Tổ quốc.

Và ngay cả trong hàng ngũ những người đã thề hứa bỏ mình theo tiếng gọi của Tình yêu Thiên Chúa. Cũng có những vị âm thầm chết đi cho Tin mừng được rọi tới nhiều nơi, chấp nhận thân mình chỉ là muối, là men… Nhưng hình ảnh họ luôn sống mãi, tấm gương họ luôn được con cháu đời sau ca ngợi và nêu cao. Họ là những người đã “sống cho đến chết”.

Tấm lòng của Giáo dân với Đức Tổng Giuse trong lễ tấn phong GM Phát Diệm

Nhưng ngược lại, cũng không thiếu những người mà hình ảnh họ đã lu mờ, đã không còn sự sống động và tác dụng giúp ích cho mọi người, thậm chí nhiều khi chỉ là những cản trở cho sự nghiệp chung, chỉ vì họ chăm lo đến lợi ích và sự an toàn của họ nhiều hơn, dù được ngụy trang khéo léo dưới muôn vàn lý luận khác nhau, thậm chí viện đến cả lời Chúa dạy.

Nhưng người dân vẫn hiểu, vẫn biết rằng họ “đã chết khi còn sống”. Và không chờ đến lúc họ rời ngai vàng tước vị, thì chính họ cũng đã đi ra khỏi bộ nhớ của mọi người.

Âu rằng đó cũng là quy luật muôn đời Chúa đã dạy: “Ai cho đi mạng sống mình, thì sẽ được, ai giữ mạng sống mình, thì sẽ mất”.

Việc Đức Tổng Giuse Ngô Quang Kiệt đệ đơn lên Giáo Hoàng nói lên điều gì?

Hành động này của Đức Tổng đã có một ý nghĩa hết sức lớn lao như Đức Ông Phạm Hân Quynh đã nói: “Chức tước chẳng là gì mà hãy sống cho đến chết, đừng chết khi còn sống”.

Hành động này đã khẳng định rằng với Ngài, chức vị chẳng phải là sự ham hố, chẳng là mục đích phấn đấu của cá nhân, mà mục đích chính là phục vụ. Khi Ngài cảm thấy sức khỏe không đủ hoặc đằng sau đó có những điều cần thiết cho sự nghiệp chung, Ngài đã sẵn sàng hi sinh.

Với giáo dân không chỉ Hà Nội mà ở khắp năm châu, cũng như những người có lòng thiết tha với Sự thật, với Công lý và Hòa bình khi nhận được tin Ngài có đơn với Giáo Hoàng, một tâm trạng thẫn thờ và đau đớn tràn ngập trong lòng. Một sự thật phũ phàng khi họ nhìn ra được đằng sau đó là những gì họ sẽ đối mặt nếu Đức Tổng thật sự ra đi.

                         Và với giáo dân, Đức Tổng Giuse là đây

Và họ đã hành động, đã nói lên ý nguyện của mình bằng những phương cách khác nhau.

Ở đó, Thần khí đã chỉ đường cho họ qua những lời cầu nguyện liên lỷ, qua những tình cảm mà họ đã dành cho Đức Tổng thời gian qua.

Cả rừng biểu ngữ, những tràng vỗ tay hoan hô không ngớt khi Ngài xuất hiện, những cuộc đón rước hăm hở cả hàng vạn người khi ngài đến Giáo phận Vinh… đã nói lên tấm lòng giáo dân đối với Ngài.

Có thể những sự đón tiếp nồng hậu, sự kính mến đó với Ngài làm một số ai đó không bằng lòng, cảm thấy khó chịu. Nhưng qua đó, cả thế giới đã biết rằng không ai có thể nhấc được Đức Tổng ra khỏi tâm hồn họ.

Cả thế giới đã biết rằng với mỗi giáo dân và mỗi người yêu mến sự thật, công lý hôm nay, Đức Tổng đã là một biểu tượng, một mẫu gương về sự hi sinh, sự cho đi mà không hề luyến tiếc bản thân mình.

Và đến hôm nay, dù việc Đức Tổng có đơn là sự thật, thì mọi giáo dân đều hiểu rằng với Giáo dân TGP Hà Nội, Đức Tổng vẫn luôn nằm nguyên vẹn giữa trái tim họ không có gì có thể thay thế hoặc đổi chác.

Ngài không thể ra đi khỏi tâm hồn mến yêu của chính các giáo dân và nhân dân Hà Nội cũng như những người thiết tha với đất nước, với dân tộc bằng tấm lòng yêu mến sự thật, công lý và hòa bình.

Hà Nội, Ngày 18 tháng 11 năm 2009 –
Chuẩn bị đón Năm Thánh 2010