Home Tin Tức Thời Sự Việt Nam: Luật pháp một đàng, thi hành một nẻo

Việt Nam: Luật pháp một đàng, thi hành một nẻo PDF Print E-mail
Thứ Bảy, 14 Tháng 11 Năm 2009 23:36

Vì sự can thiệp trắng trợn và đe dọa của guồng máy công an . . .

 
 Hình bên: Nhóm 6 người gồm các ông Nguyễn Xuân Nghĩa, Nguyễn Văn Túc, Nguyễn Kim Nhàn, Ngô Quỳnh, Nguyễn Văn Tính, Nguyễn Mạnh Sơn bị kết án từ 2 đến 6 năm tù trong phiên tòa “án bỏ túi” ở Hải Phòng Tháng Mười, 2009 vì bị vu cho là “tuyên truyền chống nhà nước.” Họ bị cáo buộc treo các biểu ngữ “nhậy cảm” ở Hải Phòng và Hà Nội khoảng một năm trước đó. Hình chụp từ màn hình TV chiếu cho ký giả ngoại quốc và ngoại giao đoàn theo dõi ở một phòng khác. (Hình: AFP/Getty Images)
HÀ NỘI (NV)- “Luật pháp và sự thi hành luật pháp ở Việt Nam không đi đôi với nhau,” Trương Hòa Bình, chánh án Tòa Án Nhân Dân Tối Cao Việt Nam nhìn nhận gián tiếp như vậy.

“Dù ở mô hình nào thì mục đích của việc phát triển hệ thống tòa án vẫn là đảm bảo tính độc lập, minh bạch trong xét xử, tính tự chịu trách nhiệm của thẩm phán, tăng cường sự tiếp cận của người dân đối với công lý và tính hiệu quả của hệ thống tư pháp.”

Báo Tuổi Trẻ ngày Thứ Sáu, 13 Tháng Mười Một, 2009, thuật lời ông Trương Hòa Bình như trên khi ông tuyên bố ngày hôm trước, trong buổi kết thúc 4 ngày “Hội nghị chánh án các nước Châu Á-Thái Bình Dương lần thứ 13” tổ chức ở Hà Nội.

Tường thuật vụ việc phiên họp, báo Tuổi Trẻ nói, “chánh án tòa án tối cao của nhiều nước đã trình bày về vai trò của chánh án trong việc nâng cao đạo đức tư pháp. Các đại biểu cũng nhấn mạnh đạo đức, tư cách của người thẩm phán là yếu tố quan trọng đảm bảo cho sự phát triển bền vững của hệ thống tư pháp. Trong số các yếu tố ảnh hưởng đến việc nâng cao đạo đức thẩm phán thì đạo đức của chánh án có ảnh hưởng rất lớn. Chánh án có vai trò to lớn trong việc xây dựng một nền tư pháp minh bạch và không thiên vị.”

Hệ thống tư pháp Việt Nam nói chung và hệ thống tòa án nói riêng xưa nay nổi tiếng không phải vì “minh bạch và không thiên vị” mà ngược lại. Mới Tháng Mười vừa qua, chính phủ Mỹ và các tổ chức bảo vệ nhân quyền thế giới đả kích tòa án Việt Nam mạnh mẽ vì bỏ tù một số người treo biểu ngữ kêu gọi chống tham nhũng, hô hào đa nguyên đa đảng cũng như bày tỏ lòng yêu nước khi xác định các quần đảo “Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam.”

Hiến Pháp Việt Nam công nhận công dân có quyền tự do phát biểu, tự do báo chí, tự do hội họp và biểu tình nhưng điều 88 của Bộ Luật Hình Sự mù mờ giải thích sao cũng được đã được dùng làm căn cứ để khép 9 người vào tội “Tuyên truyền chống nhà nước” với các bản án từ 2 đến 6 năm tù.

Phiên tòa xử những người này, tuy cho một số ít đại diện các tòa đại sứ và báo chí ngoại quốc quan sát từ một máy truyền hình, ngồi kín phòng xử là công an, cán bộ đảng viên. Chỉ có một hay hai thân nhân của bị cáo là được ngồi nhìn xử án, còn các người dân quan tâm đều bị cấm tới gần tòa án.

Bản án dành cho những người đấu tranh dân chủ đều được gọi là “án bỏ túi.” Tức là thẩm phán, chánh án, khi ngồi xử án chính trị, chỉ làm thủ tục chiếu lệ. Bản án đã được đảng CSVN ấn định từ trước, bất chấp các nguyên tắc pháp lý độc lập tối thiểu.

Từ khi họ bị bắt giữ cho tới khi bị lôi ra tòa, kéo dài cả năm trời, thân nhân không được gặp mặt hoặc có người chỉ được gặp một hai lần. Luật sư của họ chỉ được gặp mặt thân chủ cũng như chỉ được tiếp cận hồ sơ vụ án vào mấy ngày rất gần với phiên tòa, trái ngược với Luật Hình Sự tố tụng của chế độ.

Bản báo cáo nhân quyền Việt Nam của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ và các tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế đều nói lên các sự vi phạm này, nhưng đến nay tình trạng không có gì thay đổi.

“Trong nhiều phiên tòa, sự hiện diện của luật sư chỉ mang tính hình thức, một thứ ‘trang điểm thêm đẹp’ trong quá trình xét xử.” Ông Phạm Hồng Hải, khi còn là chủ nhiệm Luật Sư Ðoàn Hà Nội, nói như vậy tại “Hội thảo luật sư Việt Nam và hội nhập quốc tế” do Ðoàn Luật Sư Hà Nội tổ chức sáng 14 Tháng Mười, 2006, báo VNExpress tường thuật.

Trong cuộc họp này, ông Hải nêu ra cho thấy “Thủ tục hành chính liên quan tới việc cấp giấy chứng nhận bào chữa, thủ tục gặp bị can, bị cáo. Khoản 4 điều 56 Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự quy định trong 3 ngày kể từ khi nhận được đề nghị, các cơ quan tố tụng phải xem xét cấp giấy chứng nhận bào chữa. Nhưng trong thực tế, quy định này ít khi được thực hiện,” VNExpress kể lại.

Ðến ngày mùng 3 Tháng Hai, 2007, báo Tuổi Trẻ còn đăng tải một bài viết của ông Hải cáo buộc là “Vai trò của Bộ Tư Pháp khá mờ nhạt,” cho thấy tính cách không độc lập, không vô tư của hệ thống tư pháp Việt Nam.

Mới ngày 8 Tháng Mười, 2009, VNExpress đăng tải bản tin thuật theo lời Luật Sư Ðỗ Ngọc Quang cho biết vẫn có sự “cản trở” của các cơ quan tố tụng với việc hành nghề của luật sư. Các luật sư đã phải “chạy” theo điều tra viên để được gặp thân chủ trong trại giam; bị khống chế thời gian tiếp xúc; gặp khó khăn khi làm thủ tục cấp chứng nhận bào chữa...

“Gần 100% các trường hợp không được cấp giấy chứng nhận bào chữa đúng thời hạn 3 ngày, cá biệt có khi kéo dài hơn một năm,” ông Quang tố cáo tình trạng vênh vẹo về thi hành luật pháp ở Việt Nam, chỉ nói riêng tới quyền hành nghề của luật sư và bảo vệ quyền lợi của bị cáo.

Vì sự can thiệp trắng trợn và đe dọa của guồng máy công an, cho tới tay, một số ít ỏi luật sư can đảm tham gia các phiên tòa chính trị, bảo vệ nhân quyền tại Việt Nam gần như không còn mấy ai. Một số nằm trong tù như LS Lê Thị Công Nhân, Nguyễn Văn Ðài, Lê Công Ðịnh. Người chưa bị bỏ tù thì bị tước quyền hành nghề như LS Lê Trần Luật. (TN)