Home Tin Tức Thời Sự Cái Chết của Một Dòng Sông gợi hình ảnh của một dân tộc

Cái Chết của Một Dòng Sông gợi hình ảnh của một dân tộc PDF Print E-mail
Thứ Bảy, 14 Tháng 11 Năm 2009 20:46
Cộng Sản muốn xóa bỏ những dấu tích do họ đã gây ra.

 
 Tác giả Uyên Sơn đang ngỏ lời cảm tạ đông đảo độc giả đồng hương đến tham dự cuộc ra mắt sách của ông.
Thư Viện Việt Nam trong khu thương mại chợ Người Việt, một lần nữa lại có cuộc ra mắt sách thu hút đến gần hai trăm đồng hương, ngồi chật kín phòng hội của thư viện vào sáng hôm Thứ Bẩy 28 Tháng Mười vừa qua.

Tác phẩm được ra mắt lần này là một tuyển tập bài viết mang tựa đề một truyện ngắn trong tác phẩm “Cái Chết Của Một Dòng Sông” của một người lính pháo binh cũ Nguyễn Kim Sơn, bút hiệu Uyên Sơn.

Giới thiệu tác giả, Tiến Sĩ Mai Thanh Truyết, một bạn văn thân hữu, đã nhấn mạnh đến hoạt động của người lính Nguyễn Kim Sơn khi không còn được cầm súng trên tay lặn lội khắp các chiến trường trong cuộc chiến Việt Nam vừa qua. Tiến Sĩ Truyết nhận định: “Với Nguyễn Kim Sơn, ông vẫn là người lính, ông chưa giải ngũ, cũng không đào ngũ mà vẫn tiếp tục làm nhiệm vụ của một người lính. Ông đã có mặt trong các hội cựu tù chính trị, tham gia vào những sinh hoạt văn hóa và kiên trì đấu tranh dưới ngọn cờ Vàng”.

Giới thiệu về nội dung tác phẩm “Cái Chết Của Một Dòng Sông” của tác giả Uyên Sơn, nhà văn Nguyễn Ðức Lập chỉ xin lạm bàn đến “những điều mà tác giả tai nghe mắt thấy và kể lại”. Vẫn theo nhà văn Nguyễn Ðức Lập thì xuyên suốt những bài viết trong tác phẩm, người đọc đã thấy tác giả thuộc thế hệ đã chứng kiến từ đầu đến cuối cuộc chiến Việt Nam, đã từng đóng góp tích cực trong cuộc chiến ấy để sau cùng phải trả bằng một cái giá tù ngục bao nhiêu năm trời đồng thời cũng được biết rằng kẻ chiến thắng muốn xóa bỏ hết những gì họ đã gây ra trong cuộc chiến. Những nghĩa trang sau Mậu Thân bị phá hủy, sách vở bị đốt phá... Nên, từng là một người lính chiến đấu bảo vệ công bằng và lẽ phải, tác giả Uyên Sơn đã không thể ngồi yên mà phải viết lại sự thật để các thế hệ mai sau hiểu được bản chất của cuộc chiến mà Cộng Sản muốn xóa bỏ những dấu tích do họ đã gây ra”.
 
 Tác giả Uyên Sơn đang trao một tấm hình chụp những anh em cũ trong đoàn Hướng Ðạo cách mấy chục năm làm quà cho ban tổ chức là những bạn Hướng Ðạo có mặt trong hình.

Ði vào chi tiết, nhà văn Nguyễn Ðức Lập bầy tỏ một số ý nghĩ về truyện ngắn được tác giả lấy làm tựa đề cho cuốn sách. Ðó là truyện ngắn “Cái Chết Của Một Dòng Sông”. Nhà văn Nguyễn Ðức Lập cho rằng “Cái dòng sông chết chính là hình ảnh cả một đất nước, cả một dân tộc cũng đang chết dưới sự cai trị của Cộng Sản”.

Truyện ngắn “Cái Chết Của Một Dòng Sông” kể lại một người dân quê ở ấp Tân Lợi, Cái Vồn, Cần Thơ có được một miếng đất ba mẫu được chia từ chính sách Người Cày Có Ruộng của chính phủ VNCH. Miếng đất ấy đã nuôi sống gia đình ông ta dư giả cho con cái được ăn học. Bỗng đâu “giải phóng” tới, miếng đất đó không còn nữa đã thu hẹp lại thành một mảnh ruộng chỉ có ba công, còn lại thì bị sung vào Hợp Tác Xã Nông Nghiệp của huyện. Nhưng miếng đất ba công ấy cũng không được yên nữa vì con sông tưới tiêu cho miếng đất ấy chảy qua vùng đã bị nhà nước Cộng Sản cho lấp lại để con sông chảy đi theo một hướng khác rất xa. Thế là cả một vùng đất không còn nước để tưới tiêu nữa, hậu quả đưa đến là toàn dân trong vùng thiếu nước canh tác, sinh hoạt. Truyện cũng kể người dân vùng này trải qua bao chế độ từ hồi thực dân Pháp, qua thời kháng chiến đến thời VNCH, không một người dân nào bỏ đi làm ăn nơi khác mà cứ gắn lấy mảnh đất quê cha. Ðến nay thì mạch sống của họ là dòng sông chảy qua vùng bị lấp lại, cũng là lấp luôn cả cuộc sống của người dân.

Truyện viết theo một sự thực, không hư cấu và được tác giả diễn tả qua những ý tình mộc mạc, bộc trực của người dân miền Nam nên đã gây xúc động cho người đọc, tưởng như chính cuộc đời mình đang bị bứt lìa khỏi cuộc sống, dù cuộc sống ấy có kham khổ. Người đọc còn tưởng đến cả một dân tộc, cả một đất nước cũng đang trong tình trạng ấy khi những người cầm quyền Cộng Sản vẫn còn mê muội theo chủ nghĩa Cộng Sản dẫn đưa đất nước và dân tộc vào những cụt lộ như dòng sông bên ấp Tân Lợi phải chuyển thẳng dòng chảy ra biển không còn vòng qua ấp Tân Lợi để nuôi sống người dân nữa.

Buổi ra mắt sách “Cái Chết Của Một Dòng Sông” còn nổi bật lên ý nghĩa tình hướng đạo với nhau khi tác giả Uyên Sơn nhắc đến các bạn hướng đạo có mặt, các bạn hướng đạo đứng ra tổ chức, các bạn hướng đạo giúp vui văn nghệ... Trong tình hướng đạo ấy, tác giả đã xin được đóng góp vào quỹ điều hành của Thư Viện Việt Nam tất cả số tiền bán sách trong buổi ra mắt sách này.

Lời cảm ơn chân thành sau cùng của tác giả khiến người tham dự đều giữ được mối cảm tình tốt đẹp với tác giả khi tác giả nói rằng: “Từ cực Nam nước Mỹ, phía Nam Florida, như miền Cà Mau Việt Nam, tôi đến một nơi đã là cái nôi văn hóa của người Việt tị nạn Cộng Sản, mong được đồng hương và độc giả nhận cho những cảm nghĩ chân thành mộc mạc nhắc đến một giai đoạn lịch sử đau thương cho dân tộc và cũng chỉ mong là để lại được chút sự thật cho các thế hệ mai sau”.